Hà Nội: Đối thoại công nhân lao động các khu công nghiệp và chế xuất

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/5, tại Khu công ngiệp Nội Bài (Sóc Sơn, Hà Nội), UBND TP Hà Nội, Liên đoàn Lao động TP Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại công nhân lao động các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội năm 2017.

Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố cùng dự buổi đối thoại với gần 1.000 công nhân, lao động đang làm việc tại các Khu công nghiệp Hà Nội.
Tại hội nghị, ông Phạm Khắc Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban quản lý các KCN&CX Hà Nội đã báo cáo tình tình thực hiện kết luận của UBND Thành phố tại Hội nghị tiếp xúc CNLĐ năm 2016.
Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, sau Hội nghị tiếp xúc công nhân lao động năm 2016, UBND TP Hà Nội có văn bản 3161 ngày 30/5/2016 về việc chỉ đạo giải quyết các đề xuất của công nhân lao động và doanh nghiệp Khu công nghiệp. Tổng số các kiến nghị được UBND TP yêu cầu giải quyết gồm 31 nội dung. Đến nay, các sở, ban, ngành, địa phương đã giải quyết được 23 nội dung, đang giải quyết 8 nội dung.

 Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trả lời các kiến nghị của công nhân lao động

Tại hội nghị lần này, nhiều kiến nghị của công nhân lao động đã được gửi đến các sở, ngành như Sở Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Điện lực Hà Nội, Lao động, Thương binh và Xã hội, Công an Thành phố... liên quan đến kiến nghị bảo đảm an toàn giao thông KCN Quang Minh và Bắc Thăng Long; 16 ý kiến liên quan xây dựng như nhà giá rẻ trả góp công nhân lao động, xây dựng hạ tầng thiết chế văn hoá, nhà trẻ, bệnh viện cho công nhân lao động; tạo điều kiện cho công nhân các khu nhà trọ được lắp đồng hồ và trả giá theo quy định của Điện lực Hà Nội.

Kiến nghị xây dựng chợ bán lẻ giảm giá cho công nhân; vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn nợ đọng gây khó khăn khi chuyển nhà máy, chuyển công tác... Về GDĐT nêu ý kiến công nhân lao động được gửi con các trường công lập của địa phương. Các DN có 8 ý kiến về giá xử lý nước thải cao, thủ tục PCCC còn nhiều vấn đề phức tạp.

Cụ thể, các công nhân kiến nghị việc đăng ký tạm trú và nhập khẩu còn khó khăn tại một số địa bàn người lao động sinh sống, đặc biệt là khu vực nội thành; đa số CNLĐ làm ở KCN không có hộ khẩu thường trú địa phương nơi thuê nhà ở vì vậy không có khả năng xin nhập học cho con vào trường công lập. NLĐ chỉ có thể gửi con ở các trường tư thục, chi phí cao, chất lượng không được đảm bảo. Đề nghị thành phố xem xét tạo điều kiện về chính sách (như NLĐ có thể lấy giấy xác nhận đang làm việc tại KCN kèm theo bản sao HĐLĐ) để NLĐ có thể đăng kí cho con em học ở các trường công lập.

Nhà ở tại khu vực Thạch Thất Quốc Oai có khu nhà ở xã hội đã hoàn thiện, nhưng giá rất cao so với thu nhập của người lao động. Hơn thế nữa lãi suất ngân hàng cũng rất cao, người lao động không thể tiếp cận. Có nên chăng học hỏi theo Bình Dương, bán trả góp với lãi suất ưu đã cho NLĐ?...

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi đối thoại

Công nhân lao động kiến nghị, đối với mỗi khu công nghiệp Thành phố nên đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân, theo hình thức nhà ở xã hội bán cho CNLĐ, giúp công nhân giảm được chi phí thuê nhà, đi lại, tiết kiệm được thời gian và có điều kiện gặp gỡ giao lưu tìm kiếm bạn đời, hạn chế tệ nạn xã hội; xây dựng Nhà văn hóa, khu vui chơi cho CNLĐ và con em của CNLĐ, CNLĐ trong KCN không có nơi để vui chơi, giải trí hết giờ làm về nhà không có nơi để nâng cao đời sống tinh thần, cho CNLĐ và con em của họ, chúng tôi mong muốn có Nhà văn hóa, có khuôn viên cho con em CNLĐ vui chơi.

Các công nhân cũng đề nghị Thành phố tạo điều kiện cho xây dựng sân vận động, để các hoạt động chung của KCN Quang Minh có địa điểm tổ chức...

Công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long phản ánh, có rất nhiều hàng quán hiện đang kinh doanh trái phép tại công 2 và cổng 3 KCN Thăng Long nhưng chưa được giải quyết ảnh hưởng đến mỹ quan và an ninh trật từ của KCN, đề nghị UBND Thành phố và các cơ quan chức năng có biện pháp giải quyết và sắp xếp phù hợp cho các hộ kinh doanh trái phép này.

Công nhân cũng phản ánh, chợ ở làng Bầu là chợ thứ phát nên không có quy hoạch, kiểm soát. Có thông tin về chợ thực phẩm bẩn ở làng Bầu chuyên nhận hàng ế từ các chợ khác bán lại cho CNV, sinh viên hoặc bán cho các hàng cơm…gây hoang mang, lo lắng cho CNV Đề nghị có phương án quy hoạch chợ, tiến hành kiểm tra ATVS thực phẩm tại khu vực này.

 Gần 1.000 công nhân dự buổi đối thoại

Doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thăng Long kiến nghị liên quan đến các thủ tục thẩm định, kiểm tra định kỳ, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với các nhà máy tiêu chuẩn, nhà máy cho thuê trong KCN còn nhiều khó khăn, kéo dài thời gian.

"Hiện nay, các Nhà đầu tư trong KCN chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn do những thay đổi về thủ tục Hành chính thuộc lĩnh vực PCCC. Chúng tôi kính đề nghị các cơ quan chức năng xem xét và đơn giản hóa thủ tục để việc thu hét và xúc tiên đầu tư vào KCN Thăng Long  cũng như tới thủ đô Hà Nội".

Tại hội nghị, đặt câu hỏi đối thoại với lãnh đạo thành phố, chị Hòang Thị Tuyết – Công ty CP may Sài Đồng (KCN Hà Nội-Đài Tư) kiến nghị: Cuối tháng 2/2017 chúng tôi được thông tin chuyển đổi KCN này thành khu đô thị, Chúng tôi đã gắn bó ở đây trên 10 năm, đa số đã ổn định, 90% công nhân là người của khu vực Long Biên, Sài Đồng, nên hôm nay mong muốn lãnh đạo TP chuyển nguyện vọng này lên CP để chúng tôi tiếp tục được làm việc tại đây, mong TP khảo sát KCN một lần về tâm tư nguyện vọng khúc mắc của NLĐ. 

Anh Nguyễn Đức Nhân - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Artin - KCN Quang Minh mong muốn TP xây dựng một khuôn viên cho trẻ em, sân thể thao chung cho công nhân. 

Anh Nguyễn Khắc Tường – Công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam phẩn ánh, tại Khu nhà ở chung cư của công nhân Canon rất nhiều nhà bị sàn gạch phồng vỡ, tróc tường, thấm từ tầng 2 đến năm, hệ thống bồn rửa bị hỏng… Một số vị trí đã được khảo sát nhưng chưa được xử lý triệt để. Mong TP và BQL khảo sát thực tế. 

Phát biểu với gần 1000 CNLĐ có mặt tại buổi đối thoại, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trao đổi về đề nghị các đoàn kiểm tra nên làm việc với DN thì cần thông qua BQL Khu công nghiệp, Chủ tịch chia sẻ, ngày 17/5 vừa qua, Thủ tướng có buổi tiếp xúc với doanh nghiệp, sau đó Thủ tướng ra Chỉ thị số 20 quy định, cơ quan thanh tra làm việc tại doanh nghiệp không quá một lần mỗi năm.

“Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ điều này. Tôi cũng chia sẻ điều này với các chủ doanh nghiệp, bản thân tôi có người thân làm doanh nghiệp tư nhân từ năm 1995 nên rất hiểu điều này. Tôi hiểu sâu sắc các đoàn thanh kiểm tra như thế nào, nên hoàn toản ủng hộ chủ trương các đoàn thanh tra chỉ vào doanh nghiệp 1 lần/năm và có sự thông báo trước”, Chủ tịch nói.

Chủ tịch lưu ý, nếu có cơ quan vào, doanh nghiệp có quyền từ chối “tôi đã có cơ quan vào kiểm tra vấn đề này rồi”. Trừ các trường hợp quản lý thị trường, cảnh sát môi trường phát hiện những vi phạm về an toàn thực phẩm, môi trường... nhưng phải nói rõ.

Về việc làm Chứng minh thư nhân dân và hộ chiếu, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: từ năm 2013, Thành phố đã quy định với các doanh nghiệp từ 10 công nhân trở lên, nếu có nhu cầu làm chứng minh thư, cơ quan chức năng sẽ cử cán bộ đến tận doanh nghiệp để làm.

Về quán xá trước khu công nghiệp Nội Bài, Chủ tịch yêu cầu huyện Sóc sơn phải tăng cường tuyên truyền và có biện pháp dứt khoát không để tình trạng bán hàng quán trước cổng khu công nghiệp, đi liền với đó tìm khu đất hướng dẫn người dân tập trung bán hàng. Thành phố cũng sẽ xem xét bố trí địa điểm bán hàng tiện ích cho công nhân.

Liên quan KCN Nội Bài bị áp giá tiền điện theo mức điện hành chính sự nghiệp đường phố chứ không được áp dụng theo giá điện khu công nghiệp chế xuất, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung chia sẻ về sự bất cập này và cho biết sẽ chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Hà Nội rà soát, để CNLĐ được hưởng giá điện của Khu công nghiệp.

 Tại buổi đối thoại, có 17 ý kiến về 40 vấn đề CNLĐ đề cập gửi đến lãnh đạo TP

Về sự hỗ trợ của Thành phố về điều kiện ở của công nhân như nhà văn hóa, nhà trẻ, khu vui chơi... Chủ tịch cho biết “hoàn toàn nhất trí về điều này”.

Hiện nay, TP chưa xây dựng được nhiều nhà ở cho công nhân, hoặc ở Khu công nghiệp Thăng Long dù xây dựng nhà ở nhưng ít công nhân vào ở. Bởi quá trình xây có nhiều bất cập như tiến độ xây chậm, chưa tham khảo nhu cầu của công nhân nên xây phòng quá rộng (10-15 người ở), trong khi nhu cầu của công nhân chỉ muốn 1 – 2 người ở; ngoài ra, chất lượng nhà ở thấp. Vừa qua TP đã khắc phục, sửa chữa lại, giảm giá... để tạo điều kiện cho công nhân vào ở.

Chủ tịch cho biết thêm, vừa qua, Chỉ tịch và Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất, trong đó Tổng liên đoàn dành 700 – 800 tỷ đồng, cùng đồng hành với TP Hà Nội xây dựng những khu nhà ở cho công nhân trên địa bàn Thành phố. TP cũng dành khoản tiền để xây dựng khu nhà ở kèm theo những thiết chế văn hóa, dịch vụ kèm theo để tạo điều kiện sống cho công nhân tốt hơn.

Về vấn đề chợ làng Bầu chất lượng thực phẩm chưa đảm bảo, là nơi bán nhiều thực phẩm kém chất lượng, Chủ tịch cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến, giao Sở Y tế và huyện Đông Anh kiểm tra xuất xứ nguồn gốc thực phẩm gần đây, sớm có thông báo, trả lời CNLĐ trong 10 ngày nữa.

Về dự án nhà ở KCN Thạch Thất Quốc Oai gần chùa Thầy giá cao, công nhân khó tiếp cận, Chủ tịch cho biết, TP có nguồn vốn hỗ trợ người lao động vay qua ngân hàng Chính sách. Năm 2017, thành phố dành nguồn vốn từ ngân hàng chính sách cho người lao động vay với lãi xuất thấp. Chủ tịch đề nghị KCN phối hợp với ngân hàng chính sách thành phố có văn bản hướng dẫn, hỗ trợ cho công nhân tiếp xúc với nguồn vốn này.

Trả lời kiến nghị về việc xem xét kiểm tra tác động môi trường từ bãi rác thải Nam Sơn, Chủ tịch cho biết, TP đã có buổi tiếp xúc với dân nghe và giải quyết 34 đề xuất, hiện giờ chi còn một vấn đề chưa được giải quyết là mùi. HIện thành phố đã tiếp nhận thụ lý hồ sơ doanh nghiệp nước ngoài sẽ thực hiện đốt rác, hy vọng hết 2018 toàn bộ rác thải sẽ được đốt, không còn chôn lấp.

 Chủ tịch Nguyễn Đức Chung giải đáp thỏa đáng nhiều kiến nghị của công nhân lao động

Kết thúc phần đối thoại với CNLĐ, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho rằng, lãnh đạo TP luôn lấy doanh nghiệp và người lao động làm đối tượng quan tâm. Thành phố rất thấu hiểu điều kiện đời sống vật chất, tinh thần, của công nhân còn gặp nhiều khó khăn, thiết chế văn hóa còn thiếu thốn.

Về các kiến nghị của công nhân lao động tại hội nghị, TP tiếp thu và sẽ chỉ đạo các sở ban ngành nhanh chóng giải quyết, khắc phục.

Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, hiện thành phố có 11 KCN đang hoạt động và các cụm công nghiệp, làng nghề thu hút hơn 150 ngàn công nhân. Hàng năm các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung, doanh nghiệp trong các KCN nói riêng đóng góp 5-6% GDP cho thành phố. Đội ngũ CNLĐ toàn thành phố luôn tích cực hăng say lao động sản xuất, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của thành phố.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tặng quà cho công nhân

Thành phố sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp, tháo gỡ mọi khó khăn, giảm thiểu mọi thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp hoạt động.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần