Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội: Bàn giải pháp để vừa phòng, chống Covid-19 vừa phát triển KT-XH

Trần Long - Thuỷ Tiên - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 22/4, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVI) đã tổ chức Hội nghị lần thứ 23. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Cùng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung; Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành uỷ Đào Đức Toàn, cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hội nghị được diễn ra theo hình thức trực tuyến.
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị.
Hà Nội có thể tiên phong, gương mẫu trong thực hiện “nhiệm vụ kép”
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Hội nghị lần thứ 23 để thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng như: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý I và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2020; cho chủ trương về một số dự án lớn và Đồ án điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Hà Nội; các nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ TP lấn thứ XVII; Công tác cán bộ; Báo cáo xây dựng Đảng quý I và nhiệm vụ trọng tâm 9 tháng cuối năm 2020.
Theo đó, về phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy; việc tổ chức triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Quốc gia và TP; những thành tựu, kết quả nổi bật, nhất là vai trò của cả hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu (bác sỹ, y tá, bộ đội, công an; cán bộ thôn, tổ dân phố…) và vai trò hết sức quan trọng, có tính quyết định là niềm tin vào Chính phủ, vào Thành phố, tinh thần đoàn kết, hợp tác của Nhân dân Thủ đô; chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm và định hướng, giải pháp trong thời gian tới khi rủi ro, nguy cơ vẫn hiện hữu do đã có những trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, đã mất dấu F0 và một số trường hợp khỏi bệnh nhưng đã dương tính trở lại.
Về tình hình kinh tế - xã hội, Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh, các đại biểu cần tập trung phân tích, đánh giá nguyên nhân đã giúp TP Hà Nội duy trì được mức tăng trưởng khá tích cực, đóng góp vào kết quả chung của cả nước, được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen ngợi. Bên cạnh đó, tập trung thảo luận, phân tích đánh giá thực trạng nhiều chỉ tiêu đều đạt thấp hơn so với cùng kỳ để cho ý kiến về những định hướng, giải pháp lớn để phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng cuối năm; định hướng, giải pháp thích ứng với điều kiện phòng, chống dịch… “Trong quý I/2020, tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì 3,72%, tuy không đạt kế hoạch nhưng là kết quả nỗ lực, cố gắng rất lớn của TP trong điều kiện bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Phải chăng, bên cạnh mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, Thành ủy và UBND TP đã không bỏ quên, đã âm thầm, lặng lẽ nhưng cũng rất quyết liệt trên mặt trận thứ hai - mặt trận kinh tế với chủ trương thực hiện nhiệm vụ kép ngay từ những ngày đầu chống dịch. Tại Hội nghị này, chúng ta phải trả lời được câu hỏi: Hà Nội đã tiên phong, gương mẫu và chiến thắng quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 thì liệu Hà Nội có thể tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế Thủ đô hay không?" - Bí thư Thành ủy gợi mở. 
Về các nội dung chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy đề nghị, với tinh thần khách quan, thẳng thắn, cầu thị, các đại biểu cần tập trung trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm nghiên cứu, thảo luận sâu sắc nhằm đảm bảo tiến độ và thành công của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII.
Đối với chủ trương đầu tư hai tuyến đường sắt đô thị và dự án Thành phố thông minh, Bí thư Thành ủy yêu cầu, đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng để cho ý kiến về sự cần thiết, sự phù hợp của các dự án với Quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; chiến lược phát triển đường sắt đô thị của Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; căn cứ pháp lý, thẩm quyền quyết định, những vấn đề cần lưu ý trong quá trình phê duyệt, triển khai dự án.   
“Những nội dung của Hội nghị lần này bao gồm nhiều vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố, Đại hội XIII của Đảng. Đề nghị các đồng chí Thành ủy viên phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, phương hướng và xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
 Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý I/2020.
Tăng trưởng kinh tế được duy trì
Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quý I/2020 của TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu trình bày cho thấy, tăng trưởng kinh tế Hà Nội được duy trì song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019. 
Theo đó, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tăng 3,72% (cùng kỳ tăng 6,95%) - cao gấp 9 lần TP Hồ Chí Minh (0,42%) nhưng thấp hơn cả nước (3,82%). Cụ thể, ngành dịch vụ tăng 3,20% (cùng kỳ tăng 7,10%); công nghiệp và xây dựng tăng 5,46% (cùng kỳ tăng 7,84%) và nông nghiệp giảm 1,17% (cùng kỳ tăng 3,19%). Thu NSNN trên địa bàn đạt 71.383 tỷ đồng (bằng 25,6% dự toán và tăng 6,7% (cùng kỳ tăng 30,3%). Chi ngân sách địa phương đạt 13.676 tỷ đồng (bằng 13,3% dự toán (cùng kỳ đạt 11,9%), Đến nay, đã tổ chức đấu thầu và khởi công 30/84 dự án mới và còn 54 dự án tiếp tục đấu thầu, khởi công trong các quý còn lại.
Ngoài ra, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,44% (cùng kỳ tăng 6,9%). Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,1% (cùng kỳ tăng 12,9%); Kim ngạch nhập khẩu giảm 21,3% (cùng kỳ tăng 3%). Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 927,4 triệu USD; đầu tư trong nước 7,14 nghìn tỷ đồng (8 dự án mới và tăng vốn). Có 6.350 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 103 nghìn tỷ đồng (tăng 1% về số lượng và tăng 98% về vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Bên cạnh đó, lượng khách du lịch đến Hà Nội giảm mạnh. Tổng lượng khách du lịch giảm 47,2% (cùng kỳ tăng 9,1%). Trong đó, khách quốc tế giảm 43,9% (cùng kỳ tăng 12,6%); tổng doanh thu giảm 38,8% (cùng kỳ tăng 32%); công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 23,4% (cùng kỳ đạt 74,9%). Trong nông nghiệp, gieo trồng vụ xuân thuận lợi, cây trồng phát triển tốt. Dịch tả lợn Châu Phi được kiểm soát và không phát sinh ổ dịch mới trong 30 ngày vừa qua. 
Bổ sung hơn 1.000 tỷ đồng cho người nghèo vay
Công tác an sinh xã hội được đảm bảo và các chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Theo đó, TP đã bổ sung hơn 1.000 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân.
TP quán triệt, thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí Thư, Chính phủ, các Bộ, ngành và Thành ủy về phòng và chống dịch bệnh Covid-19; nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý ngay những vấn đề phát sinh của dịch bệnh. Đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh; triển khai thực hiện nghiêm 7 nhóm nhiệm vụ tại Chỉ thị số 11/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ban hành và thực hiện Chỉ thị số 05-CT/UBND về cách ly xã hội từ 01-15/4/2020 và Chỉ thị số 06/CT-UBND của Chủ tịch UBND Thành phố với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn TP.
 Các đại biểu tham dự hội nghị.
Xây dựng 3 kịch tăng trưởng
Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong quý I, Hà Nội đã dự báo và xây dựng các kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất so với Kế hoạch năm 2020 đã đề ra là bằng khoảng 1,3 lần cả nước với tốc độ tăng trưởng 7,5%. Cụ thể, Kịch bản 1: Đến 22/4 hoặc 03/5/2020 hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc, các hoạt động của nền kinh tế được tháo gỡ từng bước và hoạt động bình thường vào đầu tháng 7/2020. 
Kịch bản 2: Dịch Covid-19 cơ bản được khống chế trong quý II nhưng vẫn có nguy cơ lây lan đến hết năm 2020 do dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới và trong khu vực chưa được kiểm soát nên việc khôi phục kinh tế và các hoạt động xã hội chưa thể ở mức bình thường mà chỉ duy trì ở mức tối thiểu. Kịch bản 3: Dịch Covid-19 tiếp tục lây lan với tốc độ cao trong quý II không thể kiểm soát mặc dù đã thực hiện các biện pháp cách ly xã hội nên kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Để làm được điều này, Hà Nội xác định tập trung phòng, chống dịch Covid-19. Chuẩn bị và triển khai tốt các điều kiện tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ TP và Đại hội Đảng toàn quốc. Tiếp tục thực hiện Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 09/01/2020 của UBND TP và triển khai thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. 
Ngoài ra, triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế như: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 237 dịch vụ công còn lại của TP; đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm; thúc đẩy phát triển mạnh ngành nông nghiệp, phấn đấu giá trị gia tăng năm 2020 tăng trên 4%; tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19; thực hiện cắt giảm thêm ít nhất 5% chi thường xuyên ngoài kế hoạch tiết kiệm 10% chi từ đầu năm…
Phải nỗ lực rất nhiều để đạt được chỉ tiêu đã đề ra
Thảo luận tại Hội nghị, đa số các ý kiến đã kiến nghị nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo duy trì, phục hồi, tạo đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của Hà Nội.
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Quý I năm 2020, các ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh tế của thành phố đều sụt giảm, nhưng vẫn giữ được phát triển 3,72%.
Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội: Bàn giải pháp để vừa phòng, chống Covid-19 vừa phát triển KT-XH - Ảnh 4
 Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thảo luận tại Hội nghị.
Tuy nhiên, để đạt được mức tăng trưởng 7,5% cho cả năm thì 9 tháng cuối năm phải tăng trưởng ở mức 8,6%. Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, đây là chỉ tiêu rất cao và cần rất nhiều nỗ lực mới có thể hoàn thành. Và nếu không đạt mức tăng trưởng trong năm 2020, thì tính chung giai đoạn 5 năm (2016-2020), thành phố cũng không đạt kế hoạch đề ra là từ 7,3 đến 7,8%. Đây là 1 trong 13 chỉ tiêu mà Đảng bộ thành phố trước đó đã đặt ra.
Giám đốc Sở KH&ĐT đề nghị, các sở, ngành, quận huyện tiếp tục tập trung vào nhóm 136 nhiệm vụ của UBND thành phố. Trong đó, đề nghị ngành nông nghiệp tiếp tục tái đàn lợn, đẩy mạnh nuôi trồng cây ngắn ngày, hạn chế nhập khẩu; tiếp tục phát triển lĩnh vực thông tin truyền thông, thương mại điện tử, thanh toán online; ngoài ra cần quan tâm đến một số lĩnh vực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 như sản xuất khẩu trang, thiết bị y tế... Ngoài ra, đề nghị các chủ đầu tư đẩy nhanh công tác đấu thầu đối với những dự án đã được phê duyệt; thúc đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân đối với các dự án thu hút đầu tư nước ngoài.
Đối với 27 xã chưa đạt nông thôn mới, Sở KH&ĐT kiến nghị, cho phép giao nhiệm vụ này cho Sở NN&PTNT làm viêc với các địa phương để rà duyệt lại toàn bộ tiêu chí của các xã này để tham mưu đề xuất để giải quyết dứt điểm.
Các đơn hàng xuất khẩu đều bị đình trệ
Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho hay, hiện nay các doanh nghiệp của thành phố đang gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu, nhất là từ các nước Mỹ, khối EU. Nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc đang trên đà phục hồi và ổn định.
Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội: Bàn giải pháp để vừa phòng, chống Covid-19 vừa phát triển KT-XH - Ảnh 5
 Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng thảo luận tại Hội nghị. 
Về xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, ông Lê Hồng Thăng cho biết, một số thị trường đang bị phong tỏa do các nước chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Các đơn hàng sản xuất trong quý 2 và trước đó cũng bị đình trệ, gặp nhiều khó khăn.
Qua khảo sát, doanh thu các đơn vị thương mại Hà Nội giảm 6-10%, duy chỉ có lương thực, thực phẩm tăng 2-4%. Giám đốc Sở Công Thương cũng nhận định, mảng dịch vụ sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quý II. Tuy nhiên, giải pháp tăng xuất khẩu trong quý II cũng rất khó; các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU chưa có dấu hiệu nào khả quan.
Vừa qua, Sở Công Thương làm việc với các cụm công nghiệp trên địa bàn, ông Lê Hồng Thăng cho biết, 19 cụm công nghiệp đã có quyết định triển khai xây dựng, nhưng duy nhất một cụm được giải phóng mặt bằng. “Tuy nhiên, giải phóng mặt bằng xong, nhưng trong khu công nghiệp lại có đơn vị tách ra, nên lại làm thủ tục từ đầu. Với các ban, ngành địa phương việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp đều chậm 1-9 tháng”- Giám đốc Sở Công Thương nói.
Cần có kịch bản riêng để “giải cứu” ngành du lịch
Hà Nội cũng như cả nước đang bước vào những ngày cuối cùng của đợt cách ly xã hội và xác định thời gian tới sẽ “sống chung” với dịch bệnh. Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn nhấn mạnh, việc dự báo, xác định kịch bản để khôi phục, phát triển kinh tế xã hội rất quan trọng.
Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội: Bàn giải pháp để vừa phòng, chống Covid-19 vừa phát triển KT-XH - Ảnh 6
 Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn. 
Hiện, thành phố đưa ra 3 kịch bản ứng phó với 3 cấp độ khác nhau của dịch bệnh. Tuy nhiên, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho rằng chỉ cần 1 kịch bản là đủ.
Theo ông Dương Đức Tuấn, kịch bản ứng phó có thể là Kịch bản 1 mà thành phố đã đưa ra, nhưng được chia làm 2 giai đoạn. Một là, đến hết tháng 4, nửa đầu tháng 5, thành phố cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 và chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch bệnh. Tháng 5, 6 thành phố sẽ khôi phục hoạt động kinh tế xã hội, đây là giai đoạn trung gian.
Giai đoạn tiếp theo là quý 3 và quý 4 thì tập trung nguồn lực, phát triển mạnh trở lại bù đắp thiệt hại do dịch bệnh. Trong đó, cần thiết phải xây dựng ngay bộ tiêu chí đồng bộ toàn diện ngành và lĩnh vực 2 cấp độ ứng với 2 giai đoạn để phòng, chống dịch. Nếu có tình huống phát sinh xấu hơn thì linh hoạt điều chỉnh kịch bản chính.
“Chúng ta phải tận dụng khoảng thời gian vàng để khôi phục phát triển kinh tế, xã hội. Chúng ta đề xuất 3 kịch bản nhưng dịch bệnh khó lường, cần phải đặt sớm các mục tiêu rõ ràng” - Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm nói. Đồng thời kiến nghị, thành phố cân nhắc việc cắt giảm chi thường xuyên để khắc phục khó khăn trong giai đoạn này; nên cắt giảm 20% chi thường xuyên thay vì 10% như quyết định trước đó.
Về doanh thu du lịch tại quận, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm cho biết, dự kiến do ảnh hưởng của dịch có thể giảm tới 60% trong 6 tháng đầu năm. Quận kỳ vọng quý 3, 4 lượng khách mới tăng dần trở lại. Quận kiến nghị thành phố lập kịch bản riêng cho lĩnh vực du lịch, để “giải cứu” ngành này. Trong đó, bao gồm phát triển hoạt động văn hóa, xã hội, khai thác du lịch nội địa, phân loại khách du lịch nước ngoài.
Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội: Bàn giải pháp để vừa phòng, chống Covid-19 vừa phát triển KT-XH - Ảnh 7
 Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng. 
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng, chất lượng giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm 2019.
Trong thời gian học sinh nghỉ do dịch Covid-19, Giám đốc Sở GD&ĐT đề nghị các địa phương quan tâm nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn để các em học sinh có điệu kiện học tập tốt nhất sau khi trở lại học tập. Cũng theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, Hà Nội hiện địa phương đang đi đầu trong cả nước trong việc tổ chức dạy học trực tuyến trên truyền hình được phụ huynh, học sinh của TP đánh giá cao. Hiện Sở đang tổ chức ôn thi cuối cấp và dạy học trực tuyến online trên Internet và đã đi vào nề nếp.

Tập trung nghiên cứu giải pháp để phục hồi kinh tế

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ TP hoan nghênh tinh thần tích cực, chủ động, quyết liệt của các cấp, các ngành, MTTQ, các đoàn thể các cấp đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị trên các lĩnh vực của Thành phố trong Quý 1/2020.

Đồng thời, cảm ơn Nhân dân Thủ đô, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí truyền thông Trung ương và Thành phố đã chung sức, đồng lòng cùng các các cấp, các ngành đoàn kết thực hiện các nhiệm vụ của Thành phố, nhất là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Hội nghị ghi nhận, đánh giá cao và cảm ơn các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, nhất là lực lượng tuyến đầu, các y bác sỹ, nhân viên y tế, công an, quân đội, MTTQ, các đoàn thể... đã góp phần vào thành công bước đầu rất quan trọng của TP và của cả nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

 Toàn cảnh hội nghị

Nhấn mạnh nhiệm vụ trong thời gian tới là hết sức nặng nề, Bí thư Thành ủy đề nghị, các cấp, các ngành, các địa phương và mỗi đơn vị cần tiếp tục khẩn trương, tập trung thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, HĐND, UBND TP về Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán thu, chi ngân sách Nhà nước năm 2020; tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đề nghị Ban cán sự đảng UBND Thành phố tiếp tục hoàn thiện 3 kịch bản tăng trưởng nêu trên để sẵn sàng ứng phó với diễn biến của dịch bệnh và chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng sau khi dịch bệnh được kiểm soát trong thời gian tới, phấn đấu mức tăng GRDP của TP bằng khoảng 1,3 lần so với bình quân chung cả nước. 

Để giành thắng lợi trong mặt trận phục hồi và tái thiết kinh tế Thủ đô, Bí thư Thành ủy đề nghị, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể TP chủ động bám sát diễn biến dịch bệnh Covid-19, Chỉ đạo toàn hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở tiếp tục quán triệt phương châm “chống dịch như chống giặc” và “4 tại chỗ”; thực hiện tốt Lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chỉ thị 16-CT/CP của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 31-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy trong phòng, chống dịch. 

Rà soát, cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chống dịch bệnh ở các quy mô khác nhau; ưu tiên mọi điều kiện, nguồn lực để chống dịch, nhất là trong tình huống dịch bùng phát mạnh trở lại. Quyết tâm dập dịch sớm nhất để khôi phục phát triển kinh tế. Thực hiện nghiêm tinh thần “Hà Nội phải làm công tác phòng chống dịch Covid-19 tốt nhất, gương mẫu nhất” và “Thủ đô cũng tiếp tục gương mẫu, chủ động trong phục hồi kinh tế, xã hội sau dịch” như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Bên cạnh đó, toàn Đảng bộ quyết liệt, tập trung cao độ chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội, đảm bảo đúng nguyên tắc, cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhân sự theo quy định; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch. Tập trung thực hiện tốt công tác xây dựng Văn kiện đại hội đảng các cấp và Văn kiện Đại hội XVII Đảng bộ TP, đảm bảo chất lượng, tiến độ. 

Triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Thành ủy phù hợp tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ sở; củng cố các tổ chức cơ sở đảng yếu kém (cụ thể là 9 quận, huyện, thị ủy, 30 tổ chức cơ sở đảng cần củng cố, 69 tổ chức cơ sở đảng cần quan tâm) và giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện kéo dài, các vụ việc phức tạp (62 vụ việc tồn đọng, phức tạp) trước thềm Đại hội.

Ngoài ra, tập trung chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng các kịch bản tăng trưởng, đồng thời đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, góp phần hoàn thành nhiệm vụ cả nhiệm kỳ 2015 - 2020. Quan tâm phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đến cuối năm 2020 đạt 1.000 sản phẩm theo chương trình OCOP; quan tâm phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; thúc đẩy các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu giá trị gia tăng năm 2020 tăng trên 4%. Có kế hoạch, giải pháp và huy động nguồn lực cụ thể để giải quyết dứt điểm hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 30 xã còn lại trong năm 2020, chậm nhất là Quý I/2021.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững…

 Tại Hội nghị, Thành ủy Hà Nội đã bầu bổ sung 2 đồng chí Trần Đình Cảnh – Thành uỷ viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy và đồng chí Nguyễn Chí Lực - Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm làm Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy với số phiếu tập trung, nhất trí rất cao (gần 99%)