Hội nghị thứ 15 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII: Bước chuẩn bị quan trọng

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thứ 15 - hội nghị cuối cùng của Ban Chấp hành T.Ư khóa XII là sự kiện được dư luận rất quan tâm, trong đó có công tác nhân sự. Như thông tin từ hội nghị, danh sách nhân sự chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, nhất là các trường hợp “đặc biệt” tái cử và danh sách đề cử vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ tới đã được thông qua với số phiếu tập trung rất cao. Hội nghị bế mạc trước 1,5 ngày so với thời gian dự kiến, đã cơ bản hoàn tất công việc chuẩn bị quan trọng cho Đại hội XIII của Đảng.

 Hội nghị thứ 15 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII
Đúng như nhiều ý kiến nhận định, chưa có nhiệm kỳ nào, công tác nhân sự được bàn đến nhiều và việc lựa chọn nhân sự được triển khai nghiêm túc, bài bản, kỹ lưỡng như lần này. Công tác nhân sự cấp chiến lược khóa XIII đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành (BCH) T.Ư chuẩn bị trong gần 2 năm qua với tinh thần quyết liệt nhưng cũng rất cẩn trọng. Hàng loạt quy định mang tính tiêu chuẩn, định hướng đã được ban hành, với đổi mới về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá, thực hiện sàng lọc cán bộ, nhằm hạn chế, tránh để "lọt" những người có khuyết điểm vào khoá tới; để thực sự chọn được những nhân sự có tài, có đức, có tâm, có tầm. 
Lần đầu tiên Bộ Chính trị thành lập một Ban chỉ đạo chỉ để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cho một nhiệm kỳ 2021 – 2026 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Công tác quy hoạch cán bộ chiến lược được tiến hành từng bước, từng việc thận trọng, kỹ lưỡng và bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch. Số lượng cán bộ được quy hoạch ít hơn, chặt chẽ hơn so với nhiệm kỳ XII. Đồng thời, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng cũng được đổi mới, hiệu quả hơn. Cùng với đó, việc chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng được tiến hành chặt chẽ theo quy trình 5 bước và trình tự là chuẩn bị nhân sự tái cử BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trước, nhân sự mới tham gia sau và cuối cùng là "trường hợp đặc biệt”. Riêng đối với trường hợp "nhân sự đặc biệt", T.Ư cũng đã đưa ra nguyên tắc, cách thức xem xét rất rõ ràng, kỹ lưỡng nhiều mặt trước khi trình BCH T.Ư xem xét tại Hội nghị lần thứ 15 và quyết định việc giới thiệu với Đại hội XIII.

Quan điểm “kiên quyết không để lọt vào cấp ủy các những người bản lĩnh chính trị không vững vàng, phẩm chất năng lực kém; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; chạy chức chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm nhưng cũng không bỏ sót cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển" liên tục được lãnh đạo T.Ư quán triệt, nhắc nhở trong các văn bản cũng như chỉ đạo. Đây là một vấn đề rất quan trọng và được làm chú trọng ngay từ cấp cơ sở đến T.Ư.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang đến gần. Đây là sự kiện trọng đại có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước. Phải nói rằng, cùng với những quyết sách, mục tiêu cho một nhiệm kỳ mới, công tác cán bộ vẫn là vấn đề được nhiều người dân đặc biệt quan tâm khi hướng về Đại hội. Công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng với một quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng chính là cơ sở để người dân tin tưởng, kỳ vọng vào đội ngũ mạnh, đủ năng lực, uy tín, phát huy được trí tuệ, tầm nhìn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đưa Nghị quyết Đại hội Đảng thực sự đi vào cuộc sống, để đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững.