Hội nghị thượng đỉnh EU: Cố gắng giải quyết những bất đồng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 ngày nhóm họp tại Brussels, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến cuộc khủng hoảng người di cư, cách tiếp cận đối với Nga, giải quyết bất đồng liên quan tới Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện với Canada (CETA).

 Thủ tướng Anh Theresa May gặp Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại Brussels.

Diễn ra trong bối cảnh tình hình Syria đang có nhiều diễn biến phức tạp, mối quan hệ giữa Nga – EU vốn chưa được cải thiện sau những biến cố tại Ukraine tiếp tục bị đóng băng, các nhà lãnh đạo khối đã quyết định không áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Moscow. Đây là quyết định khá bất ngờ, bởi trước và trong khi diễn ra Hội nghị, kế hoạch áp lệnh trừng phạt đối với Nga đã được nhiều nhà lãnh đạo, trong đó có Thủ tướng Anh Theresa May và Tổng thống Pháp Francois Hollande tích cực ủng hộ. Tuy không đề cập đến khả năng áp đặt lệnh trừng phạt mới, nhưng một số nhà lãnh đạo trong khối cũng không loại trừ biện pháp này trong tương lai. Người đứng đầu Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk thừa nhận, EU không muốn gia tăng căng thẳng quan hệ với Nga nhất là trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay, nhưng sẽ phản ứng với hành động của Nga và sẵn sàng đối thoại. Trong khi đó, theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, EU sẽ tính đến biện pháp trừng phạt nếu Nga tiếp tục duy trì các cuộc không kích tại TP Aleppo (Syria).

Sự bất đồng trong khối ở vấn đề này khiến nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi, liệu cuộc “ly hôn” giữa Anh và EU có ảnh hưởng tới sự đồng nhất của EU trong cách tiếp cận với Nga cũng như nhiều vấn đề quan trọng khác. Lãnh đạo các nước thành viên đặc biệt quan tâm tới tiến trình kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon vào cuối tháng 3/2017 mà Thủ tướng Anh Theresa May mới xác nhận. Trong lần đầu tiên tham gia một hội nghị thượng đỉnh EU kể từ khi lên làm Thủ tướng Anh, bà Theresa May kêu gọi các nhà lãnh đạo EU hợp tác để nước Anh có một sự ra đi êm thấm sau khi London quyết định rời "ngôi nhà chung" trong cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ngày 23/6 vừa qua. 

Tuy nhiên, cả Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đều cảnh báo việc bà May muốn dứt khoát "đoạn tuyệt" với EU theo kịch bản "Brexit cứng" cũng đồng nghĩa với việc Anh sẽ không có được sự ra đi êm thấm và các cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn. Nếu kịch bản “Brexit cứng” xảy ra, Anh sẽ độc lập hoàn toàn về chủ quyền, lãnh thổ, luật pháp đối với EU và ưu tiên quyền kiểm soát nhập cư lên hàng đầu, trong đó việc tự do tìm việc, sinh sống của người EU tại Anh sẽ bị hạn chế bởi một số điều kiện nhất định. Viễn cảnh này khiến người dân toàn khối, giới DN Anh và EU bất an, bởi thứ nhất từ trước tới nay, giá nhập khẩu sản phẩm vào Anh ảnh hưởng trực tiếp tới chi tiêu của người tiêu dùng. Thứ hai, hiện nay, hơn 50% các sản phẩm nhập khẩu vào Anh đều xuất phát từ các nước thành viên trong khối EU. Như vậy, các sản phẩm tiêu dùng của Anh sẽ bị áp đặt những mức thuế cao, đặc biệt là thực phẩm. Đồng thời, để có được một đàm phán về những thỏa thuận thương mại tự do mới với Brussels, nền kinh tế Anh sẽ buộc phải đối mặt với khó khăn trong thời gian dài.