Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều: Mỹ mạnh, Triều Tiên cũng không "kém cạnh"

Lan Hương (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - GS trường ĐH Colombia cho rằng, Mỹ có sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, nhưng Triều Tiên là bậc thầy trong việc đàm phán ngay cả khi họ yếu hơn.

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS Charles K. Armstrong (ảnh) - chuyên gia về Triều Tiên của trường Đại học Colombia, Mỹ về các khả năng có thể xảy ra của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
GS. Charles K. Armstrong.
Sau nhiều thăng trầm, đến thời điểm này, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã chốt được thời gian và địa điểm diễn ra. Ông đánh giá thế nào về chiến lược của cả hai nước trước thềm hội nghị thượng đỉnh?
- Mặc dù đã có rất nhiều bất ngờ xảy ra nhưng tôi cho rằng, cả 2 nhà lãnh đạo đều rất mong muốn hội nghị thượng đỉnh diễn ra. Việc ông Trump công khai tuyên bố hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh dường như là một chiến thuật để có được nhiều nhượng bộ hơn từ phía Triều Tiên, điều mà ông vẫn thường làm. Động thái này nhằm khiến cho đối tác đàm phán của ông mất cân bằng. Ở một khía cạnh nào đó, tính cách khó đoán trước của ông Trump đã giúp đưa hội nghị thượng đỉnh đạt được bước tiến này.

Trong cuộc đàm phán này, liệu Triều Tiên có ít lợi thế hơn?
- Một cách khách quan, Bình Nhưỡng có phần lép vế hơn khi Mỹ có sức mạnh kinh tế và quân sự vượt trội, nhưng Triều Tiên là bậc thầy trong việc đàm phán ngay cả khi họ yếu hơn. Quốc gia này bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp trừng phạt trong vài năm qua nhưng chỉ đồng ý đàm phán sau khi họ thử nghiệm một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mà nước này tuyên bố có khả năng tấn công vào Mỹ hồi tháng 11/2017. Đây được xem là một chiến thuật để cân bằng vị thế trước khi chính thức đồng ý ngồi vào bàn đàm phán của ông Kim Jong-un.

Ngoài ra, ông Trump dường như rất muốn có một thỏa thuận với Triều Tiên để củng cố vị thế chính trị của ông với tư cách là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đây là một yếu tố mà Bình Nhưỡng có thể khai thác trong quá trình đàm phán.
 
Vậy ông có dự báo gì cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều sắp tới?
- Vấn đề cần quan tâm hiện nay là kết quả cụ thể của hội nghị thượng đỉnh này sẽ thế nào. Tôi hy vọng rằng hội nghị sẽ đưa ra tuyên bố các nguyên tắc chung của việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và hợp tác để bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều Tiên, cùng với một số bước hướng tới quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên.
Nhưng tôi không mong đợi một thỏa thuận phi hạt nhân hóa trong ngắn hạn. Kịch bản xấu nhất là sẽ không có thỏa thuận nào đạt được trong cuộc họp thượng đỉnh lần này và các bên sẽ đồng ý tiếp tục đàm phán. Nhưng trong trường hợp nào, hội nghị thượng đỉnh cũng là chiến thắng chính trị lớn cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người đã đặt nền móng và thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh này.

Ông Trump dường như rất muốn có một thỏa thuận với Triều Tiên để củng cố vị thế chính trị. Mặt khác, ông Kim Jong-un cũng sẽ “ghi điểm” khi đảm bảo rằng ông có một hội nghị thượng đỉnh thành công với Mỹ. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng từng phát biểu muốn tập trung vào việc cải thiện nền kinh tế Triều Tiên và cần một mối quan hệ tốt hơn với Mỹ để thực hiện điều này. Vì vậy, cả hai bên có rất nhiều để mất nếu hội nghị thượng đỉnh thất bại.
Xin cảm ơn ông!