Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử: Quyết tâm cao trong hành động để chuẩn bị chu đáo nhất cho ngày bầu cử

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức "Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trực tuyến toàn quốc" hôm nay nhằm tổng rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị đến nay, kịp thời lắng nghe và giải quyết những khó khăn vướng mắc, kiến nghị đề xuất của các địa phương, các tổ chức, cơ quan hữu quan. Từ đó, nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm cao trong hành động, để chuẩn bị chu đáo đầy đủ nhất cho cuộc bầu cử - một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước được diễn ra đúng theo kế hoạch, thực sự là ngày hội của non sông, ngày hội của toàn dân và thành công tốt đẹp” - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia nêu rõ

Sáng nay (18/5), Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử đại biểu (ĐB) Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN
Dự Hội nghị tại điểm cầu chính Tòa nhà Quốc hội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia chủ trì. Tham gia chủ trì Hội nghị có các Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư T.Ư Đảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Chiến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.
Tham dự còn có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước là các ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia…
Tại điểm cầu TP Hà Nội có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng BCĐ bầu cử TP Hà Nội; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến - Phó Trưởng BCĐ bầu cử TP; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBBC TP; cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà - Phó Chủ tịch UBBC TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBBC TP; Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Bùi Huyền Mai - Trưởng Tiểu ban thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử; Trung tướng, Giám đốc Công an TP Nguyễn Hải Trung - Trưởng Tiểu ban đảm bảo ANTT-ATXH trong công tác bầu cử.
 Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu TP Hà Nội
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia khẳng định: Đây là lần thứ hai kể từ ngày 21/1/2021, Hội đồng Bầu cử quốc gia tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Quán triệt Chỉ thị 45 ngày 20/6/2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội, UBBC Quốc gia, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, các ban, bộ, ngành, cấp ủy đảng cơ quan và các cấp, tổ chức đoàn thể ở địa phương trong cả nước đã rất nghiêm túc, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết cho cuộc bầu cử. Hội đồng Bầu cử quốc gia đã tổ chức nhiều đoàn với nhiều đợt kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương trong cả nước. Các tiểu ban, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã kịp thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc và các phương án, kịch bản tổ chức bầu cử thích ứng với điều kiện phòng chống dịch bệnh, thiên tai, mưa lũ, nhất là đối với yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Bộ Công an đã tổ chức Lễ ra quân phát lệnh đối với toàn bộ lực lượng kết nối với 63 điểm cầu của các địa phương làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự an ninh an toàn cho bầu cử; một số địa bàn, đơn vị đã tổ chức bầu cử sớm, đạt kết quả rất thành công. Nhất là một số địa phương rất tích cực, chủ động tổ chức diễn tập bầu cử trong điều kiện rất khó khăn do dịch Covid-19 như Hà Nội, Đà Nẵng…, nhất là thực hành quy trình bầu cử ở những khu vực cách ly tập trung, nơi đang phải dãn cách hoặc phong tỏa cục bộ một số địa bàn dân cư.
“Có thể nói đến nay, mọi công việc chuẩn bị cho bầu cử cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng để tổ chức bầu cử vào ngày 23/5 sắp tới. Từ nay đến ngày bầu cử chỉ còn 5 ngày, để đảm bảo cho cuộc bầu cử được tổ chức một cách dân chủ, đúng quy định pháp luật, tuyệt đối an toàn và thành công tốt đẹp, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp ở nước ta, Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc hôm nay nhằm tổng rà soát toàn bộ công tác chuẩn bị đến nay, kịp thời lắng nghe và giải quyết những khó khăn vướng mắc, kiến nghị đề xuất của các địa phương, các tổ chức, cơ quan hữu quan. Từ đó, nhằm thống nhất nhận thức, quyết tâm cao trong hành động, để chuẩn bị chu đáo đầy đủ nhất cho cuộc bầu cử - một sự kiện chính trị trọng đại của đất nước được diễn ra đúng theo kế hoạch, thực sự là ngày hội của non sông, ngày hội của toàn dân và thực sự thành công tốt đẹp” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trên 69 triệu cử tri tham gia bầu cử

Tại Hội nghị, Ủy viên, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường  - Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia thay mặt Hội đồng trình bày báo cáo tóm tắt công tác chuẩn bị bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND TP các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó cho biết: Đến thời điểm này, việc chuẩn bị công tác bầu cử đảm bảo đúng quy định pháp luật, đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương đã được thành lập đầy đủ, theo đúng quy định pháp luật về bầu cử với 63 UBBC cấp tỉnh, 682 UBBC cấp huyện và 10.134 UBBC cấp xã. Có 184 Ban bầu cử ĐB Quốc hội, 1.059 Ban bầu cử ĐB HĐND cấp tỉnh, 6.188 Ban bầu cử ĐB HĐND cấp huyện và 69.619 Ban bầu cử ĐB HĐND cấp xã. 

Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, ở các khu vực bỏ phiếu, các địa phương trong cả nước đã thành lập 84.767 tổ bầu cử. UBND cấp xã cũng đã tổ chức lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri đảm bảo đúng thời hạn. Trong đó, đã chú ý rà soát những cử tri có đăng ký thường trú, tạm trú, cử tri đi lao động xa, những trường hợp không được tham gia bỏ phiếu..., nhằm bảo đảm quyền bầu cử của công dân.

 Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường  - Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Theo số liệu của các địa phương, tổng số cử tri cả nước là 69.198.594 người sẽ thực hiện quyền bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đến nay, cả nước có 866 người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB Quốc hội khóa XV. Trong đó, ở Trung ương có 203 người, ở địa phương 663 người; có 9 người tự ứng cử. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, tổng số người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 6.201 người trên tổng số ĐB được bầu theo quy định là 3.727 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,67 lần so với tổng số ĐB được bầu; có 18 người tự ứng cử. Về cơ cấu kết hợp, phụ nữ có 2.527 người (chiếm 40,8%); dân tộc thiểu số có 1.160 người (18,7%); người ngoài đảng có 788 người (12,7%); trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 1.994 người (32,2%); tôn giáo 236 người (3,8%); tái cử 1.611 người (26%). Có 18 người tự ứng cử ĐB HĐND cấp tỉnh, đạt 0,29%. 

Cùng đó, tổng số người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 là 37.463 người, trong đó số ĐB được bầu theo quy định là 22.953 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,63 lần so với tổng số ĐB được bầu; có 26 người tự ứng cử. Về cơ cấu kết hợp, phụ nữ có 15.799 người (chiếm 42,2%); dân tộc thiểu số 7.305 người (19,5%); ngoài đảng 4.905 người (13,3%); trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 15.247 người (40,7%); tôn giáo 1.082 người (2,9%); tái cử 10.680 người (28,5%); tự ứng cử 26 người (chiếm 0,07%). Số người được lập danh sách chính thức đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐB HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026 là 405.110 người, trong đó số ĐB được bầu theo quy định là 246.510 người, đạt tỷ lệ bình quân 1,64 lần so với tổng số ĐB được bầu; có 204 người tự ứng cử. Về cơ cấu kết hợp, phụ nữ có 158.398 người (chiếm 39,1%); dân tộc thiểu số 87.094 người (21,5%); ngoài đảng 104.776 người (25,9%); trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) 181.460 người (44,8%); tôn giáo 11.542 người (2,8%); tái cử có 144.793 người (35,7%); tự ứng cử 204 người (0,05%).

Hội đồng Bầu cử quốc gia, UBTV Quốc hội đã thành lập 23 đoàn công tác đến làm việc tại 53 tỉnh, TP để giám sát, kiểm tra về công tác chuẩn bị bầu cử ở các địa phương, trong đó kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại nhiều tổ chức phụ trách bầu cử cấp huyện và cấp xã, kiểm tra việc niêm yết danh sách, chuẩn bị phòng bỏ phiếu tại nhiều điểm bỏ phiếu. Trong đó, chú trọng công tác đảm bảo an ninh trật tự, y tế, các tình huống phát sinh trong ngày bầu cử, nhất là kịch bản, tình huống phát sinh về dịch Covid-19. Đến thời điểm hiện nay, có 15 địa phương được Hội đồng bầu cử Quốc gia đồng ý cho bầu cử sớm đối với các khu vực bỏ phiếu có khó khăn trên địa bàn, gồm: Hải Phòng, Cần Thơ, Cà Mau, Quảng Bình, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Đắc Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Hậu Giang, Kiên Giang, Nghệ An và Bạc Liêu. Đến thời điểm này, trên địa bàn 3 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa, Quảng Nam đã có một số khu vực tổ chức bầu cử sớm.

 Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Nhà Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, theo đại diện Hội đồng Bầu cử quốc gia, còn một số hạn chế, vướng mắc như: Một số địa phương có lượng người lao động đi và đến khá đông, khó khăn trong việc rà soát, lập danh sách cử tri; số lượng buổi bố trí cho ứng viên ĐB Quốc hội và ĐB HĐND tiếp xúc cử tri vận động bầu cử rất khác nhau ở các địa phương, chưa phù hợp tình hình bùng phát dịch Covid-19; chưa chú trọng sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông trong vận động bầu cử. Cùng đó, việc xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo ở một số nơi còn chậm; công tác tuyên truyền chưa thật sự có tác động rộng rãi ttong toàn dân; việc hướng dẫn một số khẩu hiệu tuyên truyền, phát hành băng đĩa tuyên truyền về bầu cử bằng tiếng dân tộc còn gặp khó khăn. Một số nơi, việc bố trí kinh phí còn hạn chế; việc mua sắm vật tư, thiết bị, in sao tài liệu phục vụ công tác bầu cử thực hiện theo quy định cùa Luật Đấu thầu cần nhiều thời gian, quy trình; việc tuyên truyền về bầu cừ bằng pa nô, băng rôn, khẩu hiệu và niêm yết các quy định, thủ tục về bầu cử gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết; chưa có hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng đặc thù như công nhân ở các KCN; lập danh sách cử tri chưa chính xác, thiếu thông tin theo quy định…

Đặc biệt, tình hình dịch Covid 19 trên thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể mới của virus, trong khi vẫn còn tình trạng người về từ vùng dịch không khai báo y tế trung thực, người dân còn chủ quan, không đeo khẩu trang nơi công cộng hoặc còn tụ tập đông người, chưa thực hiện tốt 5K theo hướng dẫn của Bộ Y tế nên khả năng lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn, ảnh hưởng đến việc triển khai công tác bầu cử. Có nơi còn chưa chủ động xây dựng các phương án bảo vệ khu vực bỏ phiếu, hòm phiếu, phương án phòng chống dịch bệnh Covid -19 khi có cử tri bị sốt hoặc phương án bỏ phiếu trong trường hợp bị cách ly.

Tiếp đó, Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực báo cáo tình hình triển khai công tác bầu cử của MTTQ Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo công tác chuẩn bị bầu cử của Chính phủ; Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo báo cáo công tác thông tin tuyên truyền phục vụ bầu cử; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn báo cáo công tác y tế phục vụ bầu cử…

Hà Nội quyết tâm thực hiện thành công cuộc bầu cử đúng ngày 23/5/2021

Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP thay mặt lãnh đạo TP báo cáo một số nội dung chính trong công tác chuẩn bị bầu cử tại TP Hà Nội.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: Hà Nội là Thủ đô, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; có số lượng đơn vị hành chính lớn nhất cả nước với 30 đơn vị hành chính cấp huyện và 579 đơn vị hành chính cấp xã; quy mô dân số khoảng 10 triệu người trong đó có 8,3 triệu người có hộ khẩu thường trú và gần 2 triệu người thường xuyên đến làm việc.
Số lượng cử tri toàn TP khoảng 5,4 triệu người; có 10 đơn vị bầu cử ĐB Quốc hội, 30 đơn vị bầu cử ĐB HĐND TP, 269 đơn vị bầu cử ĐB HĐND cấp huyện, 3.056 đơn vị bầu cử ĐB HĐND cấp xã và 4.831 khu vực bỏ phiếu. Nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng ĐB Quốc hội được bầu là 29 ĐB, số lượng ĐB HĐND TP là 95 ĐB. Cùng đó, Hà Nội là địa bàn trọng điểm, nơi các thế lực thù địch tập trung chống phá, lợi dụng dân chủ, gây mất ổn định ANCT-TTATHX. Đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến công tác chuẩn bị bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử: Quyết tâm cao trong hành động để chuẩn bị chu đáo nhất cho ngày bầu cử - Ảnh 5
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn thay mặt Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội phát biểu
"Xác định công tác bầu cử là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhất là trong điều kiện TP triển khai thực hiện Nghị quyết số 97 của Quốc hội về thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, Ban Chỉ đạo, Ủy ban bầu cử TP đã bám sát các quy định của luật, Chỉ thị của Bộ Chính trị; các Nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội; các chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam về công tác bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của các cơ quan Trung ương; của Thành ủy, Ban chỉ đạo bầu cử TP; phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP để chủ động, nghiêm túc triển khai sớm các công việc, đảm bảo bài bản, khoa học, sáng tạo và đúng các quy định của Luật" - Chủ tịch HĐND TP nêu rõ.

Cùng với báo cáo kết quả cụ thể của TP Hà Nội trong thực hiện công tác chuẩn bị bầu cử đến nay, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội cũng khẳng định, Ủy ban Bầu cử TP thống nhất cao 12 nhiệm vụ thời gian tới của Hội đồng Bầu cử quốc gia. Thời gian từ nay cho đến ngày bầu cử là giai đoạn quan trọng, quyết định thành công của cuộc bầu cử. Với một kịch bản chi tiết, cụ thể cho từng hoạt động và với chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, đứng đầu là đồng chí Bí thư Thành ủy, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị TP, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, UBTV Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan T.Ư, TP Hà Nội cam kết và quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ để tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn TP.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong công tác chuẩn bị bầu cử và công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP. Trong đó, đã sớm tổ chức 15 đoàn công tác của TP tới kiểm tra tại 30 quận, huyện, thị xã. Tất cả các khu vực bị phong tỏa đều đã được xây dựng kịch bản rất chi tiết.

“Trong quá trình thực hiện, TP đã kịp thời báo cáo các cơ quan của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu cũng như các cơ quan Trung ương liên quan để giải quyết, đến nay các công tác phòng chống dịch Covid-19 và công tác bầu cử không còn khó khăn vường mắc. Từ nay đến ngày bầu cử, TP triển khai 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, quyết tâm thực hiện thành công cuộc bầu cử vào đúng ngày 23/5/2021” - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Các địa phương tiếp tục quán triệt hướng dẫn của Trung ương để thực hiện tốt

Tại Hội nghị, một số ý kiến từ các địa phương phản ánh, kiến nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia tháo gỡ một số khó khăn cho địa phương trong công tác triển khai cuộc bầu cử trên địa bàn.

Trong đó đáng chú ý, đại diện lãnh đạo TP Đà Nẵng kiến nghị Bộ TT&TT có một sản phẩm rà quét, phối hợp cung cấp thông tin, nhất là những thông tin tiêu cực, thông tin liên quan xâm hại đến việc bầu cử lần này, để các tỉnh, TP có chủ động, phối hợp để đảm bảo an toàn trật tự xã hội trong ngày bầu cử.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Đào Hồng Lan phản ánh khó khăn hiện nay do dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh và kiến nghị: Hội đồng Quốc gia xem xét liên quan việc thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế, phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19 sẽ dẫn đến số lượng danh sách cử tri bị biến động, thậm chí người ở xã, huyện này sang xã, huyện khác cách ly, song hiện hướng dẫn về thực hiện quyền bỏ phiếu mới ở cấp bầu ĐB Quốc hội và cấp tỉnh. Do đó, đề xuất nếu ở cùng 1 huyện, có thể cử tri ở xã này sang xã khác vẫn được bầu cử ở 3 cấp (thêm cả ở cấp huyện), để đảm bảo quyền bỏ phiếu của người bầu cử. Cùng đó, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia có hướng dẫn cho các địa phương có các điểm cách ly tập trung hoặc khu vực bị phong tỏa được phép bỏ phiếu sớm trước 1-2 ngày để tập trung chỉ đạo cho các khu vực rất phức tạp này, để ngày 23/5 tập trung toàn diện công tác bầu cử trên địa bàn tỉnh được đảm bảo an toàn hơn, giãn được các công việc phải thực hiện.

Giải đáp một số kiến nghị đề xuất của các địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu quán triệt các văn bản hướng dẫn của T.Ư để thực hiện; trên cơ sở hướng dẫn của T.Ư, đề nghị các địa phương chủ động linh hoạt khi xây dựng kế hoạch thực hiện của mình phù hợp tình hình thực tế. “Về kiến nghị bầu cử sớm, Luật Bầu cử đã cho phép, tỉnh Bắc Ninh hay bất cứ địa phương nào có nhu cầu thì cần có văn bản riêng, đề nghị cụ thể với nơi nào trên địa bàn, từ đó Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ xem xét. Nếu có vấn đề gì phát sinh đột xuất trong ngày bầu cử, UBBC các địa phương cũng cần báo cáo ngay” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia kết luận hội nghị. Anh: TTXVN

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: Cuộc bầu cử ĐB Quốc hội khóa XV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một sự kiện chính trị rất trọng đại của đất nước. Đồng chí Tổng Bí thư, các lãnh đạo chủ chốt đều đã nhấn mạnh, trong quý này, chúng ta không phải là thực hiện “nhiệm vụ kép” nữa mà phải thực hiện 3 nhiệm vụ song song: Một là tập trung công sức, nguồn lực, thời gian cho công tác phòng chống dịch Covid-19; tập trung cao độ cho việc tổ chức bầu cử; ba là tiếp tục phục hồi phát triển kinh tế và đảm bảo các điều kiện bình thường của hoạt động KT-XH. Đến nay qua ý kiến của các địa phương và kết quả kiểm tra của 23 lượt đoàn kiểm tra của Hội đồng Bầu cử quốc gia tại 53 tỉnh/TP cho thấy, mọi công việc chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 23/5/2021. Các tỉnh, TP đều thể hiện quyết tâm chính trị cao, sẽ tổ chức bầu cử đúng thời gian là ngày 23/5 hoặc sớm hơn và sẽ tổ chức thành công, kể cả ở những địa phương khó khăn nhất như Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng…

Trong đó, theo Chủ tịch Quốc hội, công tác nhân sự đã được thực hiện đúng quy trình, tiến hành chặt chẽ theo từng bước nhằm lựa chọn ra những ứng cử viên phù hợp, có năng lực và đủ phẩm chất để đảm bảo đảm đương được trọng trách được giao. Việc tổ chức vận động bầu cử cho các ứng cử viên cũng rất thành công, có nhiều sáng tạo, qua đó cho thấy việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT và các phương tiện thông tin truyền thông, việc tổ chức vận động bầu cử trực tuyến không chỉ cần áp dụng trong giai đoạn chống dịch hiện nay mà sau này trong điều kiện bình thường vẫn có thể tăng cường áp dụng. Cùng đó, các địa phương đã thực hiện rất kỹ lưỡng, chu đáo, chủ động, sáng tạo, trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, phù hợp tình hình đặc điểm từng nơi, mà trực tiếp là Hội đồng Bầu cử quốc gia và MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Thường vụ các Thành ủy, tỉnh ủy, Hội đồng Bầu cử và UBBC các cấp, thể hiện cả trong công tác chuẩn bị bầu cử cả trong công tác phòng chống dịch và phát triển KT-XH.

“Có thể nhận định, có thể tiên lượng cuộc bầu cử lần này diễn ra theo đúng kế hoạch và sẽ thành công rất tốt đẹp. Một số địa phương có những khó khăn rất lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Kạn cùng các tỉnh miền núi phía Bắc… đều thể hiện có quyết tâm chính trị rất cao, sẵn sàng tổ chức thành công cuộc bầu cử. Chỉ còn 5 ngày nữa đến ngày bầu cử, tình hình có những diễn biến phức tạp nhất là dịch Covid-19, rủi ro tiềm ẩn trong ANCT-TTATXH, sau cả thời gian chuẩn bị đã rất lâu mấy năm qua và cao điểm là năm nay, ngày 23/5 tới đây sẽ có ý nghĩa quyết định” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị về nhiệm vụ trọng tâm trong những ngày tới, các địa phương, đơn vị cần tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết, hướng dẫn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Bầu cử quốc gia và UBBC các cấp; chỉ đạo lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương triển khai cuộc bầu cử theo đúng quy định pháp luật và kế hoạch đã đề ra. Chủ động xây dựng các phương án tổ chức bầu cử phù hợp tình hình từng địa phương theo từng chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, cần tiếp tục rà soát hoàn thiện, tập dượt kỹ các phương án tổ chức bầu cử trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, cũng như phương án sẵn sàng xử lý các tình huống phức tạp về thiên tai, bão lũ, ANCT-TTATXH, nhất là các hoạt động tụ tập đông người, đình công, lãn công, biểu tình, gây rối… nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho cuộc bầu cử diễn ra an toàn. Trong đó, cần tiếp tục tập huấn bổ sung cho nhân sự của các tổ bầu cử; dự phòng nguồn nhân lực để kịp thời bổ sung khi phải tách tổ bầu cử, nhất là tại những nơi phải cách ly tập trung; tổ chức diễn tập theo 4 kịch bản khác nhau với những địa phương cần thiết; xét nghiệm cho tất cả nhân sự tham gia tại các điểm bầu cử…, trong đó địa phương nào có khó khăn trong vấn đề nhân lực cho phòng chống dịch để tổ chức bầu cử thì cần phản ánh để kịp thời điều tiết.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các UBBC các cấp báo cáo những vấn đề phát sinh mới liên quan nhân sự ứng cử, đề cử, khó khăn vướng mắc, kịp thời nắm bắt số lượng cử tri trên địa bàn để đảm bảo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao nhất, đồng thời đảm bảo quyền lợi của cử tri. Linh hoạt tổ chức các địa điểm, khu vực bầu cử tại các địa bàn trong diện đang giãn cách xã hội hoặc khu vực cách ly tập trung, phong tỏa; địa phương nào có nhu cầu này thì báo cáo UBBC của cấp trên 1 cấp để có hướng dẫn, trên tinh thần rất linh động, sáng tạo, phù hợp từng điều kiện… Rà soát chuẩn bị, định hướng, kiểm soát, giám sát chặt chẽ quá trình chuẩn bị tổ chức vận động bầu cử của các ứng cử viên, đảm bảo vận động công bằng, hạn chế tối đa tiêu cực.

Cùng đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về bầu cử, chú trọng thông tin tại cơ sở, tuyên truyền sâu vào hướng dẫn về nghiệp vụ bầu cử, các bước bỏ phiếu; tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng trực quan sinh động hiệu quả hơn, nhất là phát huy trên mạng xã hội. Sẵn sàng hòm phiếu lưu động để phục vụ trong trường hợp cần thiết. Tăng cường đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc phá hoại bầu cử của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị phản động, kể cả trên không gian mạng.

“Tổ chức thực hiện bầu cử sớm, cao điểm tập trung bầu cử thống nhất vào ngày 23/5; quyết tâm không có địa phương, đơn vị, bầu cử nào phải bầu cử muộn. Những địa phương có nhu cầu bầu cử sớm hơn, nhất là với khu vực có phức tạp về phòng chống dịch, có thể làm trước một vài ngày, cần có văn bản đề nghị cụ thể, Hội đồng Bầu cử Quốc gia hoàn toàn đồng tình, sẽ có trả lời, hướng dẫn ngay” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần