Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội nghị Trung ương 7: Nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng

Theo TTXVN/Vietnam+
Chia sẻ Zalo

Với tinh thần trách nhiệm cao, dân chủ, thẳng thắn trong thảo luận, sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị Trung ương 7, sáng 7/5. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)
Hội nghị đã xem xét, thông qua 3 nghị quyết quan trọng: Về xây dựng đội ngũ cán bộ, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Cùng với những đổi mới trong công tác thông tin, tuyên truyền, Hội nghị đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên khắp cả nước, tạo ra tác động xã hội rất tích cực, góp phần để nhân dân hiểu rõ hơn những công việc Trung ương đang làm và qua đó Đảng ngày càng gần gũi, gắn bó mật thiết hơn với nhân dân.
Tạo khí thế mới, xung lực mới
Những vấn đề được Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tác động sâu rộng, tới đời sống của người dân.
Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể Trung ương đã xác định hai trọng tâm và năm đột phá để thực hiện đồng bộ tám nhiệm vụ giải pháp. Trong đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, đồng bộ, hiệu quả công tác cán bộ; chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo cơ chế, môi trường, điều kiện để khuyến khích đổi mới, sáng tạo phục vụ phát triển và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cấp đi đôi với phân cấp, phân quyền nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Năm đột phá tập trung vào đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương. Kiểm soát chặt chẽ quyền lực, sàng lọc kỹ càng, thay thế kịp thời; chấm dứt tình trạng chạy chức, chạy quyền. Thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương. Cải cách chính sách tiền lương và nhà ở để tạo động lực cho cán bộ phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc; có cơ chế, chính sách để tạo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh và thu hút, trọng dụng nhân tài. Hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thật sự gắn bó máu thịt, mật thiết với nhân dân và thông qua đó nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.
Trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta.
Đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã kế thừa các quan điểm về cải cách tiền lương của Đảng từ Đại hội VI đến nay, trong đó thể hiện rõ các quan điểm: Chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội. Tiền lương phải là thu nhập chính bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ; trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Trên cơ sở coi chính sách tiền lương là một bộ phận đặc biệt quan trọng của hệ thống chính sách kinh tế - xã hội; các đồng chí Ủy viên Trung ương nhấn mạnh việc cải cách chính sách tiền lương phải gắn liền với cải cách hành chính, đổi mới, tinh giản, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các đơn vị sự nghiệp công lập... Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Xác định rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trong từng giai đoạn, Trung ương nhấn mạnh, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội là nhiệm vụ quan trọng, trong đó kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới, phát triển các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ giúp xã hội để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội. Phát triển hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc "đóng - hưởng", "công bằng," "bình đẳng," "chia sẻ" và "bền vững".
Trong lời bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, kết quả của hội nghị góp phần tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho sự nghiệp đổi mới đồng bộ và toàn diện, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Trung ương thảo luận về Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Nhân dân phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng
Điều dễ nhận thấy trong những ngày qua, đó là từ trong mỗi gia đình hay tới các địa điểm công cộng, cơ quan, công sở, từ thôn quê đến thành phố, đâu đâu cũng thấy người dân bàn luận rất sôi nổi về những nội dung Trung ương bàn thảo.
Tuy khác nhau về công việc, thành phần xã hội, nhưng từ các cán bộ, đảng viên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho đến những người dân bình thường, đều có chung một niềm phấn khởi, tin tưởng vào những quyết sách quan trọng tại Hội nghị Trung ương lần này. Vấn đề về chạy chức, chạy quyền, kiểm soát quyền lực được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương 7 được nhân dân rất đồng tình ủng hộ, ông Lê Văn Chấn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Gia Lai phấn khởi thấy rằng điều tốt hiện nay là lòng dân thống nhất cao với Đảng và Đảng đã nghiêm túc khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm trong công tác cán bộ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước nhân dân và dân tộc.
Chánh Văn phòng Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Trương Hồng Sơn thể hiện niềm tin Đảng, Nhà nước sẽ có quyết sách đột phá về chính sách tiền lương, bởi trả lương đúng là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động. Giám đốc Bảo hiểm Xã hội thành phố Cần Thơ Trần Văn Minh đánh giá cao Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội theo hướng đa tầng được Hội nghị Trung ương 7 quyết định sẽ tạo ra sự công bằng và chia sẻ trong tham gia bảo hiểm, thu hút được nhiều người dân tham gia hơn.
Việc người dân đặc biệt quan tâm tới Hội nghị Trung ương 7, không chỉ bởi các nội dung được Trung ương quyết định có tầm ảnh hưởng sâu rộng, trực tiếp tới đời sống người dân, mà còn do những hiệu ứng tích cực từ sự đổi mới trong công tác thông tin tuyên truyền, đã giúp người dân nắm bắt rõ hơn những quyết sách, đường hướng mà Đảng đang thực hiện.
Ba Đề án quan trọng được Trung ương thảo luận, quyết định tại Hội nghị Trung ương 7 đã được Ban soạn thảo chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu và thận trọng, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các cấp, các ngành, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, có sự học hỏi kinh nghiệm của các nước, phù hợp với điều kiện, tình hình Việt Nam.
Ngay trước và trong thời gian diễn ra hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã có những bài viết sâu sắc, phân tích và đề cập toàn diện những nội dung căn bản, mục tiêu chính và những giải pháp mà các Đề án hướng tới, tạo điều kiện để nhân dân hiểu rõ hơn về những nội dung Trung ương bàn thảo.
Ngoài việc tham dự, đưa tin về phiên họp khai mạc và bế mạc hội nghị như thông lệ, Hội nghị Trung ương 7 mang một dấu ấn đặc biệt khi phóng viên được tham dự, phản ánh tới nhân dân cả nước các phiên thảo luận những nội dung quan trọng của hội nghị. Những nội dung khái quát, những đổi mới mấu chốt, những giải pháp căn cơ của các Đề án trình Trung ương; những phân tích, lập luận sắc sảo, những phản biện đa chiều và trách nhiệm của từng đồng chí trong Trung ương đã được truyền tải trung thực và nhanh nhất tới người dân.
Không khí làm việc khẩn trương, đầy trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn trong thảo luận, thống nhất cao trong quyết định các chủ trương quan trọng với vận mệnh của quốc gia, dân tộc, đã được các cơ quan báo chí từ trung ương tới địa phương đăng tải với thời lượng lớn, bài bản, chuẩn xác trên các phương tiện truyền thông đại chúng trong nhiều ngày qua, từ trước khi Hội nghị diễn ra, đã góp phần không nhỏ trong việc tạo sự lan tỏa, để Đảng và dân, dân và Đảng càng gần gũi, gắn bó mật thiết hơn.