Hội nhập để “hóa rồng”

Linh Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều thách thức và chịu ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, ở mức 6,5 -7%/năm.

Khu xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Chiến Công
Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, nhà báo nổi tiếng Mỹ James Borton, người theo sát mọi diễn biến của Việt Nam hơn hai thập kỷ qua, lý giải rằng: Chính những nỗ lực hội nhập toàn cầu mạnh mẽ đã tạo điều kiện cho dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày một tăng và nhiều đối tác thương mại lớn xuất hiện. 
Tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn
Dấu mốc đáng kể nhất là vai trò thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Một loạt cải cách thể chế khi tham gia sân chơi lớn toàn cầu giúp Việt Nam tiếp cận những thị trường hàng đầu nhờ thúc đẩy tự do hóa thương mại. Nhà báo James Borton nhận xét: Việt Nam đã hoạch định thành công chiến lược hội nhập sau khi là thành viên WTO và coi đó như một công cụ đảm bảo lợi ích và an ninh quốc gia thông qua sức mạnh kinh tế gia tăng.
Còn sau khi tham gia Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam ngay lập tức đóng góp vào các hoạt động tái thiết khu vực có 10 thành viên này.
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội năm 1998 đã thông qua Kế hoạch Hành động Hà Nội, trong đó có các đề xuất của Việt Nam nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các tiểu vùng và xác định 4 lĩnh vực ưu tiên cho cải cách kinh tế, gồm: Cơ sở hạ tầng, thông tin truyền thông, phát triển công nghệ và nhân lực, và hội nhập kinh tế khu vực.
Sau những đóng góp vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) – được hình thành năm 2015 – thương mại hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng vọt gần 10 lần từ 5,9 tỷ USD năm 1996 lên 56,3 tỷ USD vào 2018, theo số liệu của Tổng cục Hải quan.
Hơn 20 năm kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam giờ đây là thành viên trụ cột và trở thành một trong những quốc gia năng động nhất khu vực, nhà báo kỳ cựu Thái Lan Kavi Chongkittavorn được Bangkok Post dẫn lời.
Thể hiện vai trò dẫn dắt
Kể từ khi tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Việt Nam đã hai lần đăng cai Diễn đàn kinh tế mở này, đề xuất nhiều biện pháp và chính sách cụ thể thúc đẩy đa phương hóa, đa dạng hóa thương mại và đầu tư của khu vực kinh tế chiếm gần 60% GDP toàn cầu. Sau khi tổ chức thành công APEC 2017 với 4 sáng kiến kiểm soát rủi ro tài chính và môi trường, Việt Nam thể hiện được vai trò dẫn dắt trong khối 21 thành viên gồm những cường quốc như: Mỹ, Nga, Canada, Trung Quốc, Nhật, và Úc.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) cho thấy Việt Nam đã đi qua một chặng đường phát triển ấn tượng kể từ Hội nghị Đông Á tại Việt Nam năm 2010. WEF ASEAN 2018 tổ chức tại Hà Nội là “diễn đàn thành công nhất trong 27 năm tổ chức diễn đàn WEF khu vực ASEAN và Đông Á” như lời ông Borge Brende - Chủ tịch WEF. Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Việt Nam về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương cho rằng, Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển then chốt thông qua sự đan xen lợi ích rộng lớn chưa từng có với 27 đối tác chiến lược và toàn diện cùng 59 đối tác thương mại tự do.
Tận dụng tối đa các hiệp định thương mại
Hiện tại, Việt Nam là một trong những nước ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới với con số 17. Hiệp định được ký kết mới nhất là EVFTA với Liên minh châu Âu (EU). Đây là hiệp định đầu tiên EU kí với một quốc gia đang phát triển ở châu Á, được coi là mang tính “bước ngoặt” vì sẽ mở đường cho việc giảm thuế đối với 99% hàng hóa trong thương mại hai chiều. EU gọi EVFTA là “thỏa thuận thương mại tự do tham vọng nhất từng được ký kết với một quốc gia đang phát triển”. Theo tính toán của Ủy ban châu Âu (EC), EVFTA sẽ giúp tăng xuất khẩu của EU vào Việt Nam thêm 15,28% và trị giá của hàng Việt Nam vào EU tăng thêm 20% vào năm 2020. Còn Ngân hàng HSBC dự đoán tác động thương mại từ EVFTA sẽ giúp tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm trung bình 0,1 điểm phần trăm mỗi năm.
Số liệu của Bộ KH&ĐT cho thấy tính đến tháng 11/2019, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy kế vào Việt Nam lên đến 360,7 tỷ USD. Hàn Quốc đứng đầu với 66,82 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ hai với gần 59 tỷ USD, tiếp theo là Singapore với 50,5 tỷ USD và Đài Loan (Trung Quốc) 32,25 tỷ USD. Theo phân tích của nhà báo James Borton, bằng cách lựa chọn hiệp định thương mại một cách thận trọng, Việt Nam đề ra mục tiêu phải có vị trí chiến lược hơn các nền kinh tế ASEAN khác để duy trì tăng trưởng vào năm 2020 thông qua việc tiếp cận những thị trường trọng điểm.
Có thể nói, Việt Nam là quốc gia ASEAN duy nhất ngoài Singapore đặt mục tiêu có các hiệp định kinh tế với hai đối tác thương mại lớn ngoài khu vực là EU và Mỹ, qua đó đảm bảo tiếp cận những ưu đãi từ 3 thị trường xuất khẩu chính của mình là EU, Mỹ, và ASEAN.
Người Việt Nam toát lên nguồn năng lượng vô tận giúp định vị đất nước mình như “con rồng đang lên” ở châu Á và quốc gia này đang tận dụng từng cơ hội để cải cách hơn nữa sao cho cái tên Việt Nam xuất hiện đậm nét hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Giám đốc Truyền thông WEF Peter Vanham

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần