Hội Nông dân huyện Đan Phượng: “Bà đỡ” của nông dân

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã có nhiều giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ bà con nông dân phát triển sản xuất.

 Xã viên Hợp tác xã sản xuất rau hữu cơ Cuối Quy, huyện Đan Phượng thu hoạch rau.
Bên cạnh việc vận động các hộ nông dân đăng ký thực hiện các tiêu chí hộ sản xuất giỏi nhằm đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”, Hội Nông dân Đan Phượng cũng đã có nhiều biện pháp thiết thực khác nhằm giúp đỡ bà con sản xuất như: Giúp bà con vay vốn ngân hàng, tổ chức tập huấn học tập ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm…
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết: Xác định ứng dụng khoa học công nghệ góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, Hội đã chủ động phối hợp với các nhà khoa học, các cơ quan, vụ, viện, DN tổ chức hơn 400 buổi chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 41.229 lượt hội viên hội nông dân. Cùng với đó, huyện Đan Phượng cũng hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu tiếp cận và làm chủ quy trình kỹ thuật canh tác hoa cao cấp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. “Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong việc nuôi trồng các giống lan, mỗi năm hợp tác xã cho ra thị trường 250.000 cây hoa các loại, đạt doanh thu 5 tỷ đồng/năm” – bà Bùi Hường Bích - Giám đốc HTX hoa lan Đan Hoài chia sẻ.
Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại, Hội Nông dân huyện Đan Phượng đã thúc đẩy xây dựng được 24 mô hình kinh tế tập thể và xây dựng được thương hiệu "Bưởi tôm vàng Đan Phượng xã Thượng Mỗ"; nhãn hiệu "Rượu Long Trường Tửu xã Hồng Hà" và xây dựng thương hiệu "Rau hữu cơ quê hương người gái đảm"… Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bưởi tôm vàng xã Thượng Mỗ Đỗ Văn Mạnh cho biết: Trên cơ sở đã xây dựng thương hiệu bưởi tôm vàng, với mục đích thống nhất quản lý chất lượng cho vùng bưởi, Hội Nông dân huyện đã hỗ trợ địa phương thành lập câu lạc bộ bưởi tôm vàng với sự tham gia của 35 hộ sản xuất. Việc xây dựng thành công nhãn hiệu bưởi tôm vàng đã giúp sản phẩm đặt chân vào được các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân.
Hội Nông dân Đan Phượng có 16 cơ sở hội, với gần 22.000 hội viên hiện đang sinh hoạt tại 127 chi hội hoạt động theo địa bàn thôn, phố, cụm dân cư. Chủ tịch Hội Nông dân Đan Phượng Thiều Văn Son cho biết: Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục tăng cường khai thác tiềm năng thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đồng thời xây dựng, nhân rộng những mô hình điển hình, xuất sắc, phù hợp với từng vùng, địa phương.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần