Hội quán người Hoa còn được gọi bằng một số tên khác như miếu, chùa, đền… Hội quán của người Hoa là nơi để thờ thần linh và sinh hoạt của cộng đồng, bang hội theo nguồn gốc sinh sống và ngành nghề với nhau.
Hội quán là công trình có giá trị kiến trúc độc đáo trong không gian đô thị tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Huy Chương |
Về kiến trúc, các hội quán của người Hoa thường được sơn màu đỏ, vì trong quan niệm của họ, màu đỏ là màu của may mắn và hạnh phúc. Hệ mái thường được dựng thành nhiều lớp mái chồng lên nhau theo kiểu “trùng thiềm điệp ốc”. Những hàng ngói màu xanh và màu vàng được lợp theo kiểu âm dương che phủ mái chùa.
Những phong cách kiến trúc của từng đền miếu người Hoa được tạo tác và trang trí theo những mô thức truyền thống của từng nhóm ngôn ngữ. Chẳng hạn các miếu của người Hoa Quảng Đông có đầu đao vuông bằng, sắc cạnh, còn các miếu của người Hoa Phúc Kiến có mái hình thuyền, hai đầu đao vút cong, tạo nên nét thanh thoát cho tổng thể kiến trúc.
Trong khuôn viên một số đền miếu còn trưng bày nhiều chậu cây cảnh, hòn non bộ, hồ cá phóng sinh... tạo nên một không gian yên tĩnh ngay giữa phố phường ồn ào tấp nập.
Sau đây là một số Hội quán đặc trưng của cộng đồng người Hoa khu vực Chợ Lớn - TP Hồ Chí Minh.
Hội quán Hà Chương: Tọa lạc tại số 802 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5, TP Hồ Chí Minh; cách Bưu điện Chợ Lớn 500 mét về hướng Tây Bắc.
Hội quán Hà Chương. Ảnh: Huy Chương |
Hội quán Hà Chương được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX, đây là công trình do những người Hoa gốc phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến đóng góp xây dựng. Hội quán đã được trùng tu nhiều lần. Hiện trên vách gian tiền điện còn hai tấm bia đá lập năm 1848 và năm 1871 ghi lại hai lần trùng tu hội quán.
Chính điện hội quán Hà Chương thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Ảnh: Huy Chương |
Hiện nay, hội quán có diện tích khuôn viên hội quán khoảng 1.500m2, khoảng sân phía trước rộng gần 300m2. Vào năm 1885, người trong hội đã góp tiền xây một ao cá ở trước hội quán, phía bên kia đường. Bia đá ghi lại sự kiện này chép rằng mục đích xây hồ cá là để "tụ khí, trấn mạch" cho miếu thờ được linh thiêng.
Hàng năm ở Hội quán có hai lễ lớn là lễ Vía Bà Thiên Hậu ngày 23/3 Âm lịch và cúng cô hồn ngày 9/7 Âm lịch. Ảnh: Huy Chương |
Ngày 28/12/2001, Hội quán Hà Chương được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.
Hội quán Tuệ Thành: Còn gọi là chùa Bà thiên Hậu, tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, là ngôi miếu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu của cộng đồng người Hoa - Quảng Đông, gốc ở huyện Tuệ Thành (Trung Quốc).
Hội quán Tuệ Thành. Ảnh: Huy Chương |
Hội quán được xây dựng vào năm 1760. Từ đó đến nay, đã được trùng tu nhiều lần. Hội quán có cấu trúc mặt bằng dạng chữ Quốc, chia làm 3 dãy: Tiền điện, trung điện và hậu điện. Hội quán Tuệ Thành và truờng học nằm hai bên miếu.
Trên nóc hội quán Tuệ Thành được trang trí bằng hoa văn hoa lá, hình nhân bằng gốm sứ do hai lò Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm Mậu Thân (1908), có cảnh ''đả võ đài'', ''bái tổ vinh quy'', mô tuýp ''lưỡng long tranh châu'', có hình ảnh tiên đồng, tiên nữ với hàng chữ ''hòa hợp nhị tiên''. Ảnh: Huy Chương |
Hội quán Tuệ Thành thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng một số hiện vật quý trong miếu, ngày 07/01/1993 hội quán được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Hai dãy hành lang của hội quán Tuệ Thành dán đầy những tờ giấy ghi tên và tiền công đức của khách thập phương. Ảnh: Huy Chương |
Hội quán Nghĩa An còn gọi là chùa Ông tọa lạc tại 678 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5.
Hội quán Nghĩa An có kiến trúc tổng thể hình chữ khẩu, sân khá rộng, gần hai ngàn mét vuông, chiếm hơn phân nửa diện tích khuôn viên. |
Đây là hội quán của bang Triều Châu, do người Triều Châu và người Hẹ ở Triều Châu sang Việt Nam sinh sống thành lập. Hội quán được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX và được nhiều lần trùng tu vào các năm 1866, 1901, 1966. Lần trùng tu mới nhất là vào năm 1984.
Nội thất miếu trang nghiêm với những cột gỗ cao treo câu đối, những bao lam cửa chạm hai mặt, bao lam khám thờ, khám thờ... chạm trổ tinh tế từ những điển tích Trung Hoa. Ảnh: Huy Chương |
Hàng năm lễ cúng Quan Đế được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 Âm lịch, là lễ cúng quan trọng nhất ở miếu. Miếu Quan Đế - hội quán Nghĩa An có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm đá và nghệ thuật chạm gỗ nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ngày 7/11/1993 hội quán được công nhận miếu là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Tượng Quan Công và ngựa Xích Thố là nơi linh thiêng và mang đến sự may mắn trong hội quán Nghĩa An. Ảnh: Huy Chương |
Hội quán Phước An (còn gọi là chùa Minh Hương, chùa Ông Quan Đế) tọa lạc tại số 184 Hồng Bàng, quận 5.
Hội quán Phước An có khuôn viên rộng gần 1.000m2 với các công trình chính nằm theo trục dọc, gồm chính điện ở phía Bắc, tiền điện ở phía Nam, trung điện nằm giữa. Hai bên là Đông sương, Tây sương. Ảnh: Huy Chương |
Hội quán Phước An hiện lên như một khoảng lặng giữa một khu vực thương mại sầm uất bậc nhất TP Hồ Chí Minh.
Khu trung điện có một lư hương lớn khảm sành sứ tinh xảo, hai bên là hai hàng cột đen bóng có treo các câu đối ca ngợi Quan Thánh Đế Quân. Ảnh: Huy Chươnng |
Hội quán do nhánh người Hoa Minh Hương nguyên quán ở 7 phủ thuộc 3 tỉnh Quảng Đông, Phước Kiến, Chiết Giang (Trung quốc) xây dựng trên cơ sở vật chất của nguyên Hội quán An Hòa từ năm 1865. Đến năm 1902, công trình được xây dựng lại với qui mô như ngày nay.