Hồi sinh di sản hát Xoan

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Về miền đất Tổ, hát Xoan đã thấm đẫm vào tâm hồn từng người Phú Thọ, để rồi trở thành một phần không thể thiếu trong hầu hết các hoạt động văn hóa nơi đây.

Sau 6 năm hát Xoan trở thành di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cần bảo vệ khẩn cấp, sức sống của hát Xoan đã khác.

Sức hút một miền Xoan

Cách đây 6 năm, khán giả hầu như không biết đến di sản hát Xoan. Những nghệ nhân móm mém vừa nhai trầu vừa hát, ngậm ngùi: “Nghệ nhân ai cũng ngoài 80, người đã 90, sắp khuất núi cả rồi mà không có người trẻ nào chịu nối nghiệp”. Đến giờ, hát Xoan đã len lỏi vào trường học, khúc chiết ở đình làng, người già trẻ nhỏ hàng đêm trải chiếu học hát Xoan. Ví như gia đình 3 thế hệ học hát ở đình Thét (xã Kim Đức, TP Việt Trì) gồm mẹ (Nguyễn Thị Nhành, 80 tuổi), con gái, con dâu (Đỗ Thị Kim Phương, 58 tuổi, Trần Thị Tính, 52 tuổi) và cháu nội (Nguyễn Lan Phương, 7 tuổi). Hội đến, mẹ, con gái, con dâu và cháu nội lại cùng ra đình hát Xoan cổ.

Di sản hát Xoan được nghệ nhân và đào hát biểu diễn thường xuyên tại Phú Thọ. Ảnh: Thanh Loan

Hát Xoan giờ không chỉ biểu diễn phục vụ hội, mà còn trong tour du lịch. Tham gia hành trình “City tour Việt Trì” ra đời đầu năm 2017, du khách được hòa trong giai điệu mộc mạc mà trữ tình của khúc Trống quân, Xin huê, Đố chữ, Mó cá... Rời miếu Lãi Lèn đến đình Hùng Lô (xã Hùng Lô, TP Việt Trì), du khách được thưởng thức màn trình diễn hát Xoan của các thành viên đến từ phường Xoan An Thái. Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch - trùm phường Xoan An Thái chia sẻ: Giờ không chỉ có người Phú Thọ học hát Xoan, mà các nghệ nhân còn đi truyền dạy ở tỉnh Yên Bái, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang. Mỗi chương trình biểu diễn ở công viên Văn Lang, đào Xoan còn được phục vụ khách Mỹ và khách Trung Quốc. Việc công nhận hát Xoan là DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp đã giúp hát Xoan được hồi sinh. Chính vì vậy, mấy ngày nay các phường Xoan tụ họp nhau, hướng về cuộc họp của Hội đồng UNESCO ngóng chờ tin vui lần thứ 2 đến với hát Xoan.

Không xếp hàng theo lộ trình

Trong cuộc họp từ ngày 4 - 9/12/2017 tại Hàn Quốc, hồ sơ hát Xoan Phú Thọ và hồ sơ Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ của Việt Nam sẽ được xem xét để đưa vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Hát Xoan là DSVHPVT đầu tiên ở Việt Nam, cũng là DSVHPVT đầu tiên trên thế giới được đệ trình UNESCO đề nghị đưa khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, đồng thời là trường hợp duy nhất trong lịch sử không phải xếp hàng theo lộ trình để trở thành DSVHPVT đại diện của nhân loại.

Để có những lần đầu tiên này, hơn 6 năm qua, Phú Thọ đã nỗ lực hết mình. “Ngay sau khi hát Xoan Phú Thọ được UNESCO công nhận là DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (tháng 11/2011), tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Từ kiểm kê, nhận diện, tư liệu hóa 31 bài cơ bản của 3 chặng hát Xoan do các nghệ nhân nắm giữ làm tài liệu giảng dạy. Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi (từ 80 tới 104 tuổi) của tỉnh, chỉ có 7 nghệ nhân còn khả năng thực hành, truyền dạy Xoan cổ. Đến nay, con số này đã là hơn 60 nghệ nhân…” - Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Thọ Nguyễn Ngọc Ân cho biết. TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa khẳng định: “Hướng đi và cách làm của Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát Xoan xứng đáng là bài học để các địa phương đang sở hữu di sản học tập”.

Cả tỉnh Phú Thọ khấp khởi đón chờ tin vui, nói như nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch, ngoài danh hiệu nghệ nhân ưu tú với tấm bằng 10 triệu đồng, bà chưa bao giờ nhận được số tiền lớn nào nhờ giữ gìn hát Xoan; nhưng nghệ nhân vẫn yêu di sản, vẫn nhiệt huyết truyền di sản của cha ông cho thế hệ sau. Thù lao 50.000 đồng/lần diễn cho khách Tây, 20.000 đồng/lần diễn cho khách Việt; không lương, không chế độ đãi ngộ hàng tháng, nhưng chưa bao giờ các nghệ nhân, các đào hát bớt đi niềm tâm huyết với di sản.
Nghệ thuật Bài chòi trở thành di sản phi vật thể thế giới

17 giờ 10 phút giờ địa phương (15 giờ 10 phút giờ Việt Nam), ngày 7/12/2017, di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi tên vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Kết quả này được công nhận tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ DSVHPVT lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc.

Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Đà Nẵng) là loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Hồ sơ đề cử DSVHPVT Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam đáp ứng 5 tiêu chí của UNESCO. Hội nghị lần thứ 12 (từ 4 - 9/12/2017), UNESCO xem xét 35 hồ sơ (trong đó có hồ sơ Bài chòi) vào danh sách Đại diện, 6 hồ sơ vào danh sách Khẩn cấp, 1 hồ sơ chuyển từ danh sách Khẩn cấp sang danh sách Đại diện (hát Xoan). Hồ sơ Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam được Ban đánh giá hồ sơ và 24 nước thành viên Ủy ban Liên Chính phủ đánh giá cao. 

Ngày 8/12, UNESCO xem xét hồ sơ đề nghị đưa hát Xoan ra khỏi Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. (Thanh Khánh)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần