Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hồi sinh sông Tô Lịch bằng nước hồ Tây: Biện pháp hữu hiệu

Vân Nhi – Văn Trọng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn một ngày Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tiến hành dẫn nước từ Hồ Tây vào bổ cập cho sông Tô Lịch, tình trạng ô nhiễm môi trường trên sông đã giảm đáng kể.

Theo đánh giá của người dân cũng như các chuyên gia, đây là việc làm cần thiết, nên duy trì thường xuyên để “hồi sinh” sông Tô Lịch – dòng sông từ nhiều năm nay vốn đã được mệnh danh là "dòng sông chết".
Thay đổi bất ngờ
Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, mực nước tại Hồ Tây đã chạm ngưỡng gần 4m (mực nước an toàn là 3,75m – PV). Để đảm bảo an toàn hồ chứa, bắt đầu từ 9 giờ 30 ngày 9/7, đơn vị này đã tiến hành mở cửa xả cống Hồ Tây A đưa nước vào sông Tô Lịch. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường sông Tô Lịch đã được cải thiện so với những ngày trước đó. Theo ghi nhận dọc con sông này trong chiều 10/7, mặt nước đã trở nên xanh hơn và không còn bốc mùi hôi thối.
 Sông Tô Lịch trong xanh hơn sau khi được bổ cập nước. Ảnh: Phạm Hùng
Bà Nguyễn Thị Liễu (Ninh Giang, Hải Dương), một người bán nước trên phố Quan Hoa (Cầu Giấy), cạnh sông Tô Lịch chia sẻ, từ chiều 9/7 đến ngày 10/7, nước sông Tô Lịch đã trong xanh hơn.
Tương tự, ông Khuất Văn Thuận, tổ 10, phường Quan Hoa – người thường xuyên đi tập thể dục tại khu vực này cho biết, chỉ sau một đêm, nước sông Tô Lịch không còn bốc mùi hôi thối như thường thấy nữa. “Chúng tôi hy vọng TP sẽ tiếp tục duy trì biện pháp này để từng bước giải cứu sông Tô Lịch, từ đó góp phần đảm bảo môi trường sống của người dân” – ông Thuận đề xuất.
Không thể mãi trông chờ vào thời tiết
Được biết, trong đầu tháng 5 vừa qua và trước đó là năm 2018, để đảm bảo an toàn cho Hồ Tây, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng đã tiến hành mở các cửa thoát, đưa nước trong hồ về mức an toàn và mở cửa xả dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch.
Nhờ đó, chất lượng nước tại sông Tô Lịch đã có màu xanh đặc trưng của Hồ Tây và không còn bốc mùi khó chịu, được Nhân dân đánh giá cao. Thậm chí, nhiều người còn khẳng định, đây là biện pháp hữu hiệu nhất để giải cứu sông Tô Lịch trong khi chờ dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá hoàn thành và đi vào hoạt động.
 
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viên Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam) khẳng định, việc đưa nước sông Hồng vào giải cứu sông Tô Lịch là cần thiết.
Bởi, việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch đã được đưa vào quy hoạch thoát nước của Hà Nội, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2012. Bên cạnh đó, vào mùa khô, khi lượng mưa thấp, nếu không có nước bổ cập, sông Tô Lịch sẽ đứng trước nguy cơ chạm đáy và trở thành dòng sông chết.
Ông Bùi Ngọc Uyên – Phó Trưởng phòng Đối ngoại truyền thông (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, hiện tại, việc dẫn nước vào sông Tô Lịch xuất phát từ mực nước trong Hồ Tây vượt quá mức an toàn.
Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nội dung nằm trong dự án Đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch mà đơn vị đã trình lên TP Hà Nội.
Cũng theo ông Bùi Ngọc Uyên, nếu được thông qua, đơn vị sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000m3/ngày, đêm dẫn vào Hồ Tây để cải thiện môi trường nước, tạo điều kiện cho hệ sinh thái trong hồ phát triển. Sau khi nước Hồ Tây được cải thiện, đơn vị sẽ tiếp tục dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm tại dòng sông này.