Hồi sinh tranh Tết Hàng Trống

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một thời gian dài, tranh dân gian Hàng Trống mang bản sắc dân tộc bị lùi vào quá khứ, chỉ còn xuất hiện trong bảo tàng, di tích văn hóa. Nhưng gần đây nhờ bàn tay của giới họa sĩ và công chúng trẻ, họa tiết tranh cổ được ứng dụng vào lĩnh vực thiết kế đương đại, tranh Hàng Trống đã trở nên gần gũi hơn với đông đảo người dân.

Công chúng tìm hiểu về tranh dân gian Hàng Trống tại Đình Nam Hương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Lại Tấn
Hoài niệm tranh xưa
Tranh Hàng Trống là một dòng tranh dân gian được làm tại phố Hàng Trống, Hàng Nón và Hàng Quạt, huyện Thọ Xương (ứng với các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và một phần các quận Ba Đình, Đống Đa của Hà Nội ngày nay). Theo nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh dân gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên: “Mỗi dịp chuẩn bị Tết, cả gia đình tôi phải huy động các thành viên nông nhàn để làm những công đoạn thủ công. Những đoạn quan trọng hơn thì ông tôi, bố tôi hoặc tôi làm. Không khí hồi đấy náo nhiệt lắm. Giáp Tết, bà tôi hoặc mẹ tôi mang một chiếc chiếu, trải ở vỉa hè, cạnh hàng hoa, bày bán hàng trăm bức tranh. Trong những năm tháng chiến tranh, chúng tôi cần vẽ tranh theo đơn đặt hàng của một đơn vị, nhưng không tìm đâu ra màu để vẽ, hạn giao tranh thì đã gần kề. Trong cái khó ló cái khôn, tôi nảy ra ý tưởng dùng thuốc đỏ thay thế cho màu cam. May mắn là khi vẽ lên, màu cam hoàn toàn ăn" - nghệ nhân Lê Đình Nghiên chia sẻ.

Tranh Hàng Trống thực hiện trên hai chủ đề chính là tranh Tết và tranh Thờ. Trong số tranh Tết Hàng Trống có thể kể đến tranh “Cá chép vượt vũ môn”. Tranh mang ý nghĩa tượng trưng cho khát vọng vươn đến những tầm cao mới của con người trong cuộc sống. Những người có được “viên ngọc quý” là tính nhẫn nại, kiên trì, không ngại vượt qua khó khăn, trở ngại thì chắc chắn sẽ thành công. Ngoài ra, trong tranh Tết Hàng Trống còn có tranh “Tứ quý - bốn mùa” khắc họa bốn loại cây Tùng - Cúc - Trúc - Mai.

Tìm sự mới mẻ từ những điều xưa cũ

Nhiều năm qua, hàng loạt dự án đã được các tổ chức, cá nhân triển khai, nhằm mang tranh Hàng Trống đến gần hơn với công chúng thông qua nhiều hình thức tiếp cận khác nhau. Thành quả lớn nhất các dự án làm hồi sinh tranh Hàng Trống đem lại là hình ảnh mới mẻ của đình Nam Hương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ngôi đình cổ kính, chứng nhân cho những sự đổi thay của phố Hàng Trống và dòng tranh cùng tên cả trăm năm qua không chỉ có những bức tranh trên giấy dó của nghệ nhân Lê Đình Nghiên mà xen vào đó còn có những bức tranh Hàng Trống làm từ chất liệu sơn mài của những họa sĩ trẻ. Sự đổi thay này là thành quả của chuyến hành trình “Từ truyền thống tới truyền thống”.

Chuyến hành trình ấy được khởi động bằng những câu chuyện kể của nghệ nhân Lê Đình Nghiên. Ông Nghiên kể về Hà Nội, về Hàng Trống, về phố, về tranh. Qua đó, những tác phẩm tranh Hàng Trống bỗng chốc trở nên gần gũi hơn trong mắt người nghệ sĩ trẻ. “Khi được đối thoại trực tiếp với nghệ nhân Lê Đình Nghiên, tôi hiểu rõ hơn về tranh dân gian Hàng Trống” - Hà Anh, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Từ những thông tin, kiến thức được tiếp nhận, qua lăng kính hội họa của một nhóm sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, tranh Hàng Trống đã hòa hợp với tranh sơn mài - chất liệu đặc sắc của hội họa Việt Nam, cũng là một đích đến trong chuyến hành trình. Trong một xưởng tranh, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật đã đưa 2 dòng tranh tưởng chừng như có sự đối ngược với nhau hòa lại thành một. Trái tim của những người nghệ sĩ yêu cái đẹp và đắm say với giá trị truyền thống đã đem những điều tưởng chừng như không liên quan ấy lại gần với nhau. Tuy nhiên, không có chuyến đi nào là dễ dàng, hành trình đưa những họa tiết của tranh Hàng Trống đến gặp nghệ thuật sơn mài cũng đầy rẫy khó khăn. “Khó khăn đầu tiên là tìm nguồn tài liệu. Tôi đã tìm trên mạng nhưng hình ảnh không rõ nét, trong khi những họa tiết trên tranh Hàng Trống có những nét rất điêu luyện. Khi có được tài liệu để vẽ, việc thể hiện tinh thần trên tranh Hàng Trống cũng gặp khó khăn vì đây là dòng tranh lâu đời, tranh có nhiều chi tiết” - Trương Hoàng Hải, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tâm sự.

Mặc dù có những hạn chế nhất định - do hoàn cảnh lịch sử, môi trường địa lý và đặc điểm tâm lý thị dân, nhưng dòng tranh Hàng Trống vẫn có những đóng góp đáng kể vào kho tàng nghệ thuật dân gian Việt Nam.
Một lần tôi vẽ tranh cho một khách hàng ở sát biên giới. Bạn biết đó, ở đấy thì tranh Trung Quốc thống trị. Thế nhưng, người ta vẫn tìm về cội nguồn, đặt và muốn treo một bức tranh Hàng Trống trong nhà. Điều đó có ý nghĩa rất đặc biệt với tôi. Tranh Hàng Trống vẫn còn cơ hội được biết đến và tiếp nối.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần