Hồi sinh từ “tọa độ chết”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thôn Ninh Kiều, xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn là ngôi làng cổ hơn 400 năm tuổi. Thế nhưng, trận bom B52 của Mỹ rải xuống đêm 28/12/1972 đã san phẳng vùng đất này, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân.

Tròn 45 năm kể từ ngày đau thương ấy, vùng đất của những mất mát này đang hồi sinh mạnh mẽ.

Từ ký ức đau thương

Ông Nguyễn Quốc Đích (sinh năm 1956) - Cựu chiến sĩ dân quân tự vệ thôn Ninh Kiều nhớ lại, đầu tháng 12/1972, người dân thôn được cấp trên về phổ biến có khả năng giặc Mỹ sẽ dùng máy bay B52 ném bom Hà Nội. Trong đó, khu vực Sân bay quân sự Đa Phúc (nay là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài), trận địa tên lửa trên đồi Thanh Nhàn (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn) và cầu Xây trên Quốc lộ 2 (nằm sát thôn Ninh Kiều) sẽ là những mục tiêu đánh phá ác liệt của quân địch. Với tinh thần cảnh giác cao độ, chỉ trong một ngày đêm, quân và dân Ninh Kiều đã đào, đắp hơn 80 hầm kèo chữ A và hàng trăm hố tránh bom nằm rải rác khắp các xứ đồng. Những tấm gỗ lớn cũng được huy động để che chắn trên các hầm, hố tránh bom rơi đạn lạc...

Đài tưởng niệm các nạn nhân bị máy bay B52 của Mỹ ném bom giết hại đêm 28/12/1972.  Ảnh: Trọng Tùng

Khoảng 22 giờ ngày 28/12/1972, trên bầu trời xuất hiện máy bay trinh sát SR71 của giặc Mỹ. 20 phút sau, tiếng máy bay rền vang, người dân được kêu gọi xuống các căn hầm, hố trú ẩn. Ngay sau đó là loạt bom nổ rất gần. Lập tức, ông Đích thấy hiện ra trước mắt cảnh tượng tan hoang của làng quê, 148 nóc nhà bỗng chốc trở thành bãi đổ nát… Nhưng máy bay B52 còn quay lại rải thêm 2 loạt bom, khiến mọi công trình kiên cố ở Ninh Kiều đều bị phá hủy.

Cuộc tàn sát của giặc Mỹ còn cướp đi sinh mệnh của hàng trăm dân thường vô tội. Ông Dương Văn Yên (sinh năm 1960) đau xót nhớ lại: Nghe thấy tiếng máy bay ầm ầm, 18 người trong đại gia đình ông cùng hàng trăm người dân chạy tán loạn. Ông được một người thân kéo tay vào hầm kịp thời, nên may mắn sống sót cùng 4 người khác, nhưng 13 người trong gia đình thì mãi mãi nằm xuống. Đau thương hơn là 2 gia đình trong thôn Ninh Kiều không còn một ai sau đêm định mệnh đó…

Bí thư Chi bộ thôn Ninh Kiều Dương Đình Hùng cho biết, sau đêm bị giặc Mỹ đánh phá điên cuồng, người dân tập trung cho cuộc tái thiết và tìm kiếm những người thương vong. 122 thi thể người dân, trong đó, riêng thôn Ninh Kiều là 41 người. Chính tại nơi đây, người dân đã dựng “bia căm thù” tưởng niệm những nạn nhân bị giặc Mỹ giết hại vào đêm 28/12/1972. Cũng kể từ đó, ngày 28/12 hàng năm trở thành ngày “giỗ trận” của thôn Ninh Kiều.

Làng “giỗ trận” hôm nay

Tròn 45 năm sau ngày bị bom đạn đánh phá, từ một “tọa độ chết”, Ninh Kiều đã có những bước chuyển mạnh mẽ cùng thời cuộc. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, địa phương đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng nâng cấp thiết chế hạ tầng. 100% người dân trong thôn được sử dụng điện lưới quốc gia, trẻ em được đến trường, 100% đường liên thôn xã được kiên cố hóa, giao thông nội đồng cũng từng bước được cứng hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại, sản xuất của bà con… Đặc biệt, đời sống của người dân Ninh Kiều nói riêng, xã Tân Dân nói chung đang ngày một được cải thiện. Dù thu nhập vẫn chủ yếu từ nông nghiệp, song thuận lợi về nguồn nước tưới tiêu giúp sản xuất nông nghiệp đạt giá trị khá cao. Nằm không xa Ninh Kiều, một loạt khu công nghiệp, chế xuất mọc lên ở xã Tân Dân. Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài sau mở rộng cũng thu hút một lượng lớn lao động… Đây là những yếu tố giúp thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn liên tục tăng, đến nay đã đạt trên 39 triệu đồng/người/năm. Riêng tại Ninh Kiều, chỉ còn 8 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo trên tổng số 255 hộ dân.

Vậy nhưng, Trưởng thôn Ninh Kiều Nguyễn Văn Quý cho biết, tỷ lệ người dân bị chết do mắc ung thư rất đáng lo ngại. Nguyên nhân là do nguồn nước sinh hoạt người dân sử dụng chưa bảo đảm. Cùng với tình trạng bệnh tật có nguy cơ lan rộng, tình trạng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ cũng khiến người dân lo lắng. Theo phản ánh của ông Nguyễn Quốc Đích - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thôn Ninh Kiều, hiện vẫn còn những quả bom chưa biết đã nổ hay chưa, nên người dân vẫn đang sống chung với nỗi lo hiểm họa có thể xảy đến. Với nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đầu năm 2017, xã Tân Dân đã vinh dự được UBND TP công nhận là “xã đạt chuẩn nông thôn mới”. Trong thành tích chung đó, có đóng góp rất quan trọng của người dân thôn Ninh Kiều.

Chiến tranh đã lùi xa 45 năm, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn hiển hiện trên mảnh đất Ninh Kiều hôm nay. Trong hòa bình không thể quên những đau thương mất mát, bởi từ đó khơi dậy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, để người Ninh Kiều nói riêng, xã Tân Dân nói chung tiếp tục hướng tới những thành quả lớn hơn trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước. Và trong quá trình dựng xây đó, việc giải quyết triệt để những vấn đề còn tồn tại sau chiến tranh có ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống dân sinh nên được xem là nhiệm vụ cấp thiết.