Hội thảo bàn tròn về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản thời gian qua, đặc biệt là với chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam được dư luận Nga quan tâm và đánh giá cao.

Ngày 21/3, Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga tổ chức cuộc hội thảo bàn tròn mang tên “Củng cố quan hệ Việt – Nhật như một nhân tố an ninh ở Viễn Đông”, để các nhà nghiên cứu cùng chia sẻ những quan điểm, phân tích, đánh giá về vai trò của quan hệ hai nước trong khu vực và thế giới.

Cuộc hội thảo chỉ gói gọn trong một buổi sáng với sự tham dự của gần 20 nhà nghiên cứu đến từ Viện Viễn Đông – Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Viện Á – Phi thuộc trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva, Học viện Ngoại giao Moskva... nhưng những vấn đề được nêu rất đa dạng, từ nhiều khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ Nhật – Việt và đều chung một nhận định rằng, tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản là một trong những điều kiện tốt để bảo đảm an ninh khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế vì lợi ích của hai quốc gia, khu vực và cả thế giới, trong đó có LB Nga.
Cuộc hội thảo bàn tròn về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga
Cuộc hội thảo bàn tròn về quan hệ Việt Nam - Nhật Bản diễn ra tại Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga
Bài tham luận của TS Sử học Lu-zia-nhin, Phó Viện trưởng Viện Viễn Đông mở đầu buổi hội thảo có nhan đề “Đánh giá chung những vấn đề an ninh và quyền lợi của Nga ở Viễn Đông” nhìn lại tổng thể những vấn đề mang tầm quan trọng của an ninh khu vực.

Tiến sỹ Lôk-shin có tham luận “Chuyến thăm Chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và những vấn đề khu vực của quan hệ hai nước”, trong đó nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng: “Đây là một bước tiến rất lớn trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, hai nước đã quyết định nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á, mở ra những triển vọng hợp tác mới trong nhiều lĩnh vực”.

“Những dấu mốc cơ bản trong giai đoạn lịch sử mới của quan hệ Nhật – Việt” là tham luận của Phó giáo sư, TS Sử học Nô-va-kô-va, giảng viên Viện Á - Phi của trường Đại học Tổng hợp Moskva. Nhà Việt Nam học, TS Kôbêlev đóng góp vào hội thảo nghiên cứu của mình với chủ đề “Đánh giá 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản”.  

Tiến sỹ Chính trị học Kuzminkôv, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Viễn Đông có tham luận “Vị trí của Việt Nam trong chính sách khu vực của Nhật Bản” với những ý kiến đánh giá rất khách quan về những lĩnh vực quan hệ song phương cùng có lợi như an ninh, năng lượng, kinh tế...

Tiến sỹ Ma-zư-rin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Viễn Đông đánh giá về quan hệ kinh tế Việt Nam – Nhật Bản qua tham luận nhan đề “Ý nghĩa của mối quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại với Nhật Bản đối với Việt Nam”.

Tham luận “Chính sách năng lượng của Nhật Bản đối với khu vực trong thời kỳ bất ổn” của Phó Giáo sư Pô-li-shuc từ Viện Á – Phi, thuộc Đại học Tổng hợp Moskva; tham luận “Vai trò của ASEAN trong mối quan hệ hợp tác với Nhật Bản và sự hình thành cộng đồng Đông Á” của Giáo sư Ma-lê-tin, Học viện Ngoại giao Moskva... đề cập các mối quan hệ Nhật Bản, khu vực đang được thúc đẩy trong giai đoạn hiện nay.

Nhận định về tầm quan trọng của mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, Tiến sỹ V.Kuzminkov, chuyên viên khoa học Trung tâm nghiên cứu Nhật Bản - Viện Viễn Đông nói: "Tôi cho rằng, khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng mới được thiết lập giữa Nhật Bản và Việt Nam không chỉ thể hiện ở khía cạnh an ninh, mà còn thể hiện rõ nét trong lĩnh vực hợp tác kinh tế. Nhật Bản rất coi trọng mở rộng hợp tác với Việt Nam".

Đánh giá cao diễn đàn này với ý nghĩa đưa ra được những quan điểm thống nhất về một vấn đề quan trọng của khu vực, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học lịch sử, Phó giám đốc Viện Viễn Đông - Viện Hàn lâm Khoa học Nga S.Luzyanin nói: “Tôi đánh giá rất cao buổi thảo luận khoa học. Hội thảo đã quy tụ được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tốt nhất về Nhật Bản và Việt Nam. Tại hội thảo này chúng tôi đã đi đến thống nhất một quan điểm khoa học là mô hình quan hệ Nhật Bản-Việt Nam là nhân tố mới bảo đảm ổn định, an ninh tại khu vực Đông Á”.

Còn Giáo sư, Tiến sỹ khoa học kinh tế V.Mazyrin - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông rất hài lòng với những nội dung trao đổi ở hội thảo mặc dù cuộc hội thảo không có nhiều thời gian chuẩn bị. 

Ông nói: “Chúng tôi ít khi tổ chức các hội thảo khoa học liên quan đến các vấn đề thời sự vừa mới diễn ra, song các nhà khoa học đã phản ứng rất kịp thời. Tôi muốn nhấn mạnh hội thảo này đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học uy tín, không chỉ gồm các nhà khoa học của Viện Viễn Đông, mà còn có đại diện của Học viện Quan hệ quốc tế, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga; ngoài ra còn có đại diện của Tổ chức xã hội uy tín Quỹ "Thế giới Nga" phụ trách quan hệ với nước ngoài trong lĩnh vực văn hóa, trong đó có Việt Nam”.

Cuộc hội thảo góp phần quan trọng đưa ra những phân tích khoa học về các mối quan hệ, hợp tác quốc tế và khu vực mà ở đây là khu vực Đông Á, nơi Nga cũng rất quan tâm và thúc đẩy các mối quan hệ trong thời gian gần đây.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần