Hội thảo chất lượng giáo dục phổ thông: Bộ nói tốt, dân chưa tin

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đổi mới giáo dục phổ thông, cần tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới chương trình giáo dục, dự báo nhu cầu đội ngũ giáo viên…

Đây là vấn đề được xới lên tại hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng giáo dục phổ thông do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 22/9 tại Hà Nội.

Vẫn chạy theo thành tích

Đánh giá chung về giáo dục phổ thông, ông Nguyễn Đình Anh - nguyên Trưởng Phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, hiện tỷ lệ giáo viên có năng khiếu sư phạm rất khiêm tốn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới chất lượng giáo dục yếu kém. “Tôi không đồng tình với cách đánh giá học sinh (HS) xếp theo khá, giỏi, trung bình hiện nay. Chất lượng giáo dục học tập của HS cần đạt cả hai mặt là nắm chắc kiến thức văn hóa và thực hành, thí nghiệm thành công kiến thức đã được học” – ông Đình Anh nhấn mạnh.
 Sinh viên phỏng vấn xin việc tại Trung tâm giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
TS Lê Thống Nhất - Tổng Giám đốc Công ty CP Trường học lớn Việt Nam cũng băn khoăn và cho rằng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT có quá nhiều đánh giá về thành tích, thành công được coi là tuyệt vời, nhưng dư luận chưa tin, chẳng hạn như mô hình VNEN. "Vậy khi nào chúng ta có thể đồng nhất được chất lượng, để trên (lãnh đạo Bộ GD&ĐT) và dưới (Nhân dân) cùng có ý kiến giống nhau?" - ông Nhất bày tỏ.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quan điểm trái chiều của phụ huynh và Ngân hàng Thế giới về VNEN có thể giải thích từ chất lượng và mục tiêu giáo dục khác nhau. Ở góc độ Nhà nước thì cho rằng, đó là chương trình tốt nhưng phụ huynh lại phản đối.

Dự báo yếu nên sinh viên thất nghiệp nhiều

Nhiều ý kiến cho rằng, các cơ sở đào tạo giáo viên thời gian qua phát triển nhanh về số lượng và quy mô, song chất lượng đào tạo chưa phát triển tương xứng. Riêng ngành sư phạm, số lượng giáo viên được đào tạo khá lớn, nhưng chất lượng không đồng đều, sinh viên ra trường không có việc làm, thậm chí không đủ năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục…

Bà Nguyễn Vũ Bích Hiền - ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, một số địa phương tập trung nhiều cơ sở đào tạo giáo viên như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh với quy mô đào tạo (cả chính quy và đào tạo từ xa) gần 50.000 sinh viên/năm. Tuy nhiên, do chưa làm tốt khâu dự báo, nên chỉ tiêu đào tạo hàng năm lớn hơn so nhu cầu, đặc biệt là cơ cấu đào tạo theo môn học chưa hợp lý, nên sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc ngày càng gia tăng, nhiều địa phương dư thừa giáo viên phổ thông. “Việc xây dựng quy hoạch đào tạo đội ngũ giáo viên trước tiên phải dựa trên kết quả nghiên cứu dự báo nhu cầu giáo viên trên phạm vi cả nước. Công tác dự báo cần đặc biệt quan tâm tới việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sau 2018. Điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi khá lớn về số lượng và cơ cấu giáo viên để đảm trách chương trình, nhất là môn học mới” - bà Hiền đề xuất.

Đồng quan điểm, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế Phạm Văn Hùng cho rằng, phải có một chương trình quốc gia về bồi dưỡng giáo viên thống nhất trong toàn quốc và có quy định về đảm bảo tài chính để thực hiện. “Cần dừng đào tạo sư phạm hệ cao đẳng. Giáo viên dạy tiểu học, THCS phải là những người được đào tạo trình độ ĐH. Trong bước quá độ, các trường cao đẳng tập trung đào tạo giáo viên có trình độ cao đẳng dạy mầm non" - ông Hùng đề xuất.

Ngoài ra, đa số các đại biểu kiến nghị, hệ thống các trường sư phạm sau khi quy hoạch cần phối hợp chặt chẽ với sở GD&ĐT và UBND tỉnh, TP, thông qua Bộ GD&ĐT để đưa ra được nhu cầu cung ứng giáo viên hàng năm của các địa phương. Từ đó, ngành có chiến lược về chỉ tiêu tuyển sinh cũng như dự kiến phân công công tác cho sinh viên sư phạm tốt nghiệp, hạn chế tối đa tình trạng sinh viên sư phạm thất nghiệp như hiện nay.

Trao đổi với báo chí sáng 22/9 về kiến nghị giải tán Ban đại diện cha mẹ phụ huynh của một số chuyên gia giáo dục, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Thị Nghĩa thừa nhận, một số nơi phụ huynh chưa làm đúng quy định tại điều lệ mà Bộ GD&ĐT đã ban hành tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011. Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu có thể bỏ quy định Ban đại diện cha mẹ học sinh được phép thu tiền hay không để tránh hiện tượng “lách luật”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần