Kinhtedothi - Hội thảo khoa học cấp TP “Phát triển thị trường Bất động sản - Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội” do Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội và Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp tổ chức, theo kế hoạch 155/KH-UBND ngày 30/6/2017 của UBND TP Hà Nội, chính thức sáng 23/12 tại Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch xây dựng Quốc gia, số 01 đường Đỗ Đức Dục, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.
Mục tiêu của Hội thảo nhằm giúp nhận diện những xu hướng, cơ hội và thách thức trong việc phát triển thị trường Bất động sản (BĐS) đảm bảo yêu cầu về không gian sống hiện đại, văn minh cho người dân trên địa bàn Hà Nội, từ đó xác định rõ vai trò của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường BĐS và cơ chế, chính sách phát triển thị trường BĐS lành mạnh, bền vững.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Hội thảo sẽ đi sâu vào 3 vấn đề chính: Thực trạng và dự báo thị trường BĐS Hà Nội; Vai trò của Nhà nước trong quản lý và hỗ trợ đối với doanh nghiệp đầu tư, phát triển thị trường BĐS Hà Nội; Những kiến nghị và giải pháp về phía Nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng trong việc phát triển thị trường BĐS, tạo lập không gian sống văn minh trên địa bàn Thủ đô.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Tổng Biên tập báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức cho biết, Hội thảo cấp TP “Phát triển thị trường BĐS - Tạo lập không gian sống văn minh ở Hà Nội” do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội và báo Kinh tê&Đô thị tổ chức ngày hôm nay đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, các hiệp hội, DN và cơ quan báo chí.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu. |
Sau 3 giờ làm việc, Hội thảo đã nghe 9 bài tham luận, ý kiến thảo luận của các chuyên gia. Hội thảo cũng vinh dự có sự tham dự và phát biểu ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo đánh giá thị trường BĐS trên địa bàn TP đã có những bước phát triển tốt trong vài năm trở lại đây, nhiều dự án BĐS tốt góp phần xây dựng TP theo hướng xanh, hiện đại, văn minh. Tuy vậy, vẫn còn những dự án BĐS chưa đáp ứng được yêu cầu của cư dân về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Hội thảo đã đón nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các nhà quản lý đóng góp cho phát triển đô thị nói chung và cho thị trường BĐS nói riêng. Để thị trường BĐS phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu tạo lập không gian sống văn minh trong thời gian tới cần sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan. Đó là Nhà nước với việc xây dựng và triển khai các chính sách khuyến khích DN tạo ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu trên, quản lý đảm bảo sự tuân thủ quy hoạch của các dự án trên địa bàn. Đó là DN với trách nhiệm sáng tạo và xây dựng các BĐS có chất lượng tốt, có không gian sống xanh, hiện đại, văn minh, tiết kiệm năng lượng, có phương án quản trị hiệu quả. Đó là cộng đồng dân cư với trách nhiệm giám sát các dự án, ủng hộ các DN có sản phẩm chất lượng tốt và trách nhiệm tuân thủ các yêu cầu về nếp sống văn minh trong các khu đô thị...
Ban tổ chức sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại hội thảo, xây dựng báo cáo trình UBND TP Hà Nội, đề xuất những định hướng cần thực hiện với nội dung thảo luận ngày hôm nay.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của cộng đồng chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp (DN) trong hội thảo cũng như thời gian qua. “Các chủ trương của TP đều có sự phản biện, đóng góp, xây dựng tích cực và trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học với mục tiêu phát triển giàu đẹp, văn minh của Thủ đô”, Phó Chủ tịch UBND TP bày tỏ.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu. |
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn cho biết, năm 2017 đối mặt nhiều khó khăn nhưng tiến trình phát triển kinh tế xã hội Thủ đô vẫn đạt những thành tựu đáng kể với tăng trưởng GDP ước tính 8,5% và thu ngân sách hơn 200 nghìn tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp đáng kể của lĩnh vực bất động sản. “Chúng tôi cũng ghi nhận những ý kiến bức xúc của người dân Thủ đô liên quan giao thông, vệ sinh môi trường, không gian văn hóa - sinh hoạt động đồng, hạ tầng xã hội quá tải; các vấn đề chiếu sáng đô thị, quản lý vỉa hè cho đến văn hóa ứng xử của người Hà Nội”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Chính quyền Hà Nội mong mỏi các chuyên gia, nhà khoa học sẽ tiếp tục đóng góp các ý kiến xây dựng, phản hồi để tạo cơ hội cho chính quyền rà soát, đánh giá, điều chỉnh lại công tác triển khai, xây dựng chính sách theo hướng hiệu quả thiết thực; đồng thời kêu gọi các DN nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật hiện hành… trong hoạt động xây dựng, bất động sản.
Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, chính quyền TP sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, chủ trương chính sách đặc thù, trên nền tảng pháp luật chung; nghiên cứu tháo gỡ khó khăn cho DN. Theo đó xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi, công khai minh bạch… tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo nền tảng xây dựng thành phố thông minh.
TP xác định 2018 là năm “nâng cao hiệu lực - hiệu quả của hệ thống chính trị”. Trước nhu cầu phát triển của giai đoạn mới và chủ trương T.Ư nhằm tinh giản và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước, hướng đi của thành phố là sẽ quyết tâm tăng cường quản lý nhà nước trên mọi lĩnh vực từ giao thông, văn minh đô thị, phát triển văn hóa trên nền tảng là sự phát triển bền vững nhằm lan tỏa những giá trị cao quý của Thủ đô Ngàn năm văn hiến.
Đại diện Đại học Xây dựng - ông Đỗ Đức Thắng cho rằng, áp dụng công nghệ hiện đại có thể giúp giảm giá thành xây dựng. Ông dẫn chứng hiện nay các doanh nghiệp lớn xây dựng những tòa nhà, căn chung cư chất lượng cao nhưng giá thành vừa phải 500 – 700 triệu. Ông mong muốn các nhà làm chính sách, cơ quan chức năng để ý đến vấn đề áp dụng công nghệ trong xây dựng.
Tại Hội thảo, Nguyễn Phú Thái - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Đà Nẵng đã chia sẻ các bất cập trong thị trường BĐS của TP Đà Nẵng.
Đó là, ngay tại thời điểm sôi động nhất của thị trường BĐS Đà Nẵng, 35 - 40% giao dịch trên thị trường BĐS Đà Nẵng là đất nền, giao dịch chung cư rất thấp (chỉ chiếm 10%). Các giao dịch đất nền cũng chủ yếu là đầu cơ chứ không phải đầu tư.
Nguyễn Phú Thái - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế Đà Nẵng phát biểu tại Hội thảo. |
Tình trạng này gây ra hệ lụy là ở các quận trung tâm như quận Sơn Trà, Liên Chiểu tồn tại những khu đất trống, gây ra nhiều vấn đề về môi trường và vấn đề xã hội. Các dự án treo rất nhiều, có dự án rộng 5,5 ha ngay trung tâm Đà Nẵng nhưng hàng chục năm chưa triển khai hay dự án 300 căn biệt thự ngay ở quận Liên Chiểu rất lâu chưa triển khai... Điều này cũng làm cho đường cung về đất xây dựng thành đường cung ảo, giá BĐS bị thổi phồng, dẫn đến tình trạng tiếp tục đầu cơ, rơi vào vòng luẩn quẩn.
Hệ lụy tiếp theo là đất sử dụng cho việc khác ngoài xây dựng như không gian đô thị, không gian công cộng bị thu hẹp lại. Cây xanh, công viên rất ít, chủ yếu là nhà. Nhiều nhà đầu tư cũng phải chờ thời, ngân hàng không dám cho vay.
Thực trạng này cho thấy thị trường BĐS ảnh hưởng rất lớn đến văn minh đô thị và thị trưởng BĐS cũng chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố như chính quyền địa phương, văn hóa...
Nhu cầu sinh hoạt công cộng là một đòi hỏi chính đáng
PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật Chủ tịch Hội đồng Trường Trưởng Bộ môn Kiến trúc Nhà ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tham luận Nâng cao chất lượng không gian công cộng các khu ở hiện đại tại Hà Nội.
Nói về sự cần thiết của việc tổ chức không gian công cộng trong khu ở, PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật cho rằng, vào những năm cuối của thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, Hội Kiến trúc sư Quốc tế UIA đã tỏ ra quan tâm và đề cao tới mối quan hệ giữa kiến trúc-con người- thiên nhiên.
Qua các kỳ hội nghị gần đây và đặc biệt là thông cáo Ukraine 2017 và nội dung các cuộc thi quốc tế về Kiến trúc. Chương trình phát triển UNDP và tổ chức văn hoá- giáo dục UNESCO của Liên hợp quốc cũng rất chú trọng tới các dự án phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đời sống sinh hoạt văn hoá, tinh thần cho quảng đại quần chúng.
PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường,Trưởng bộ môn Kiến trúc Nhà ở, trường ĐH Kiến Trúc |
Tại hội nghị Liên hợp quốc họp về Chiến lược toàn cầu về chỗ ở họp tại Nairobi đã đưa ra kết luận: “Trên toàn thế giới, không một quốc gia nào có thể tự cho rằng đã đạt được mục tiêu chỗ ở thích hợp cho mọi công dân và cho rằng không một quốc gia nào có thể tự cho rằng đã có phương kế thực để đạt mục tiêu này ”.
Vì vậy “Đáp ứng nhu cầu ở cơ bản cho tất cả mọi người là một trách nhiệm toàn cầu. Chỗ ở thích hợp và không an toàn, dù ở bất cứ nơi nào, sẽ dẫn đến mất ổn định xã hội và chính trị, và sẽ cản trở phát triển kinh tế”.
Theo PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật, tổ chức không gian công cộng trong khu ở góp phần tạo dựng một môi trường văn hoá trong lối sống đô thị hiện đại mang những nét đặc trưng vốn có của phong cách sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày.
Giới thiệu các cấp độ không gian công cộng thuộc đô thị, PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật, cho biết theo Edmun N Bacon, có thể tạm chia thành 6 thành phần trong không gian kiến trúc Đô thị:Không gian kiến trúc công cộng: Là nơi diễn ra các hoạt động giao tiếp công cộng: các xa lộ, đường giao thông, đường dạo,công viên thành phố.
Không gian kiến trúc bán công cộng: Là những nơi diễn ra các hoạt động chung của thành phố, dưới sự quản lý, vận hành của chính phủ, của các tổ chức xã hội: Toà thị chính, toà án, trường học, bưu điện, bệnh viện, bến xe, nhà hát, bãi đỗ xe,... Không gian kiến trúc nhóm công cộng (Group-Public): Là không gian trung chuyển giữa các các không gian có chức năng công cộng và các không gian thuộc nhóm cá thể,…
Không gian nhóm cá thể: Bao gồm tất cả các không gian thuộc vùng thứ hai, vừa chịu sự điều hành của các cơ quan quản lý đô thị nhưng cũng thuộc phạm vi trực tiếp của các nhóm ở, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt văn hoá tinh thần và đời sống hàng ngày của cư dân địa phương: các công viên trong đơn vị ở, chợ, khu vui chơi công cộng tiểu khu, các cửa hàng dịch vụ.
Không gian cá thể thuộc phạm vi gia đình: Các không gian nằm trong khu vực quản lý của mỗi gia đình bao gồm cả các không gian giao tiếp giữa bản thân hộ gia đình với các gia đình kề cận.
Theo ông, nhu cầu sinh hoạt công cộng là một đòi hỏi chính đáng và phù hợp với qui luật phát triển của một đô thị Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, cấu trúc đô thị của Hà Nội chưa thực sự hoàn chỉnh cũng như cấu trúc của tiểu khu ở còn nhiều tồn tại bất hợp lý.
Đó là những nguyên nhân chính dẫn tới một trạng thái mất cân bằng giữa không gian sinh hoạt công cộng trong các khu đô thị mới với các không gian thành phần.
Nguyên nhân của thực trạng đó là việc áp dụng một cách quá cứng nhắc mô hình tiểu khu nhà ở của phương Tây vào đô thị Việt Nam, là sự bùng nổ thiếu kiểm soát thỏa đáng của các khu đô thị mới, các dự án nhà ở xây chen trong khu dân cư hiện hữu. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của các nhân tố cuộc sống mới hình thành do quá trình tăng trưởng kinh tế, nhân khẩu và các đặc điểm cốt lõi về truyền thống và lối sống mới.
Qua việc tổng kết các quan điểm, các mô hình về đô thị nói chung và mô hình khu ở nói riêng của các nhà đô thị học, của các trường phái để tìm hiểu những sự tương đồng, những ưu điểm, nhược điểm của mỗi loại hình để từ đó tìm được một giải pháp đúng đắn cho việc định hình hệ thống không gian công cộng trong khu ở hiện đại của các đô thị Việt Nam và Hà Nội. Trên cơ sở tổ chức không gian sinh hoạt công cộng mới dựa trên những nguyên tắc về thiết lập trạng thái không gian cân bằng, yêu cầu được đặt ra là phải khắc phục những hạn chế qui hoạch, kiến trúc mang tính nguồn gốc và kiến tạo những không gian mới nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp xã hội, khả năng cải thiện cuộc sống, tạo dựng môi trường sống chất lượng, thỏa mãn các yêu cầu của một không gian ở cho cuộc sống hiện tại và tương lai của thủ đô Hà Nội.
Trạng thái tổ chức không gian cân bằng mới thiết lập khả năng tổ chức và tái tổ chức không gian với các giải pháp phù hợp dựa trên nguyên tắc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các không gian thành phần: không gian phục vụ công cộng, không gian sinh hoạt công cộng và không gian cá thể, tôn trọng và gìn giữ lối sống cộng đồng, láng giềng - một nét đẹp mang tính đặc trưng của nếp sống truyền thống của cộng đồng dân tộc.
Xây dựng các đô thị hạt nhân với quy mô đủ lớn
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam |
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam nêu ra các giải pháp để phát triển thị trường bất động sản Hà Nội theo hướng tạo lập không gian sống văn minh.
Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam đánh giá, tuy thị trường bất động sản Hà Nội mới phát triển thực chất khoảng 15 năm gần đây, nhưng đã có bước phát triển quan trọng.
Nhiều dự án phát triển nhà ở, công trình dịch vụ, khu đô thị mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ đã được hình thành, làm thay đổi bộ mặt đô thị, nâng cao điều kiện sống của các tầng lớp dân cư.
Trong thời gian 10 năm (1999 - 2009) quỹ nhà ở của Thành phố tăng hơn 2 lần. Giai đoạn 2009 - 2014 quỹ nhà ở của Thành phố tăng từ 134,2 triệu m2 lên 166,8 triệu m2, diện tích bình quân nhà ở tăng từ 20,8 m2/ng lên 23,6 m2/ng.
Chất lượng nhà ở ngày càng được nâng cao, nhiều khu nhà ở mới khang trang đã và đang dần dần thay thế các khu nhà ở cũ bị xuống cấp, hư hỏng. Nhiều khu dân cư mới, tuyến phố mới được hình thành, góp phần vào việc chỉnh trang bộ mặt đô thị.
Mô hình nhà ở chung cư cao tầng phát triển ngày càng đa dạng từ quy mô, chất lượng, đến đa chức năng sử dụng, tạo nên những khu vực dân cư với môi trường sống văn minh, tiện lợi và hiện đại như các khu: Royal City, Times City của Tập đoàn Vingroup...
Bên cạnh đó, hệ thống quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường bất động sản đã từng bước được hoàn thiện, hình thành khung pháp lý, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng và thuận lợi cho cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên, thời gian qua thị trường bất động sản Hà Nội cũng bộc lộ những yếu kém, phát triển thiếu lành mạnh và không ổn định. Có những giai đoạn thị trường phát triển quá nóng, nhiều dự án phát triển bất động sản được cấp phép không căn cứ vào quy hoạch phát triển đô thị, không có kế hoạch và không phù hợp với nhu cầu có khả năng thanh toán của thị trường; nhiều doanh nghiệp không có chức năng, không đủ năng lực và kinh nghiệm cũng tham gia đầu tư bất động sản, dẫn đến tình trạng lệch pha cung - cầu, hàng tồn kho lớn không bán được dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải dừng triển khai dự án, có doanh nghiệp phá sản.
Người mua nhà cũng gặp khó khăn do chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng hạn, tại nhiều dự án đã xảy ra tranh chấp giữa người mua và chủ đầu tư dự án, nhiều vụ lừa đảo gây thiệt hại lớn cho người mua. Tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát hay các dự án chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng giao thông, cấp thoát nước còn diễn ra phổ biến.
Qua phân tích những đặc điểm của thị trường bất động sản Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà nêu ra 3 giải pháp để khắc phục những tồn tại trong thời gian tới như: Hạn chế phát triển các khu nhà ở mới trong các quận nội thành. Phát triển đô thị theo hướng xây dựng các đô thị hạt nhân với quy mô đủ lớn từ 500, 600 ha trở lên, với quy hoạch hiện đại, thông minh (Smart City). Đồng thời lựa chọn chủ đầu tư có tiềm lực về tài chính, có kinh nghiệm phát triển đô thị.
Về tài chính đô thị, ông Hà đề xuất tiền sử dụng đất, các loại thuế thu được của khu đô thị trước hết phải được đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật của khu đô thị đấy. Qua đó có cơ chế tự chủ để chủ đầu tư tạo dựng các khu đô thị đồng bộ.
Cuối cùng, công tác đấu thầu các dự án phải công khai minh bạch, nghiêm túc để thu hút được các nguồn tài chính và các nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm.
Cần xây dựng lối sống đô thị cho Hà Nội và người Hà Nội
Tại Hội thảo, PGS. TS. Trần Kim Chung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, trong quá trình phát triển, nhu cầu và thực trạng thị trường bất động sản của Hà Nội đã có sự biến chuyển lớn.. Từ năm 2010 trở đi, đặc biệt từ 2014, khi nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng, TTBĐS phục hồi, các dự án tái khởi động. Một loạt các dự án đã điều chỉnh quy mô, diện tích. Rất nhiều các dự án tham gia cung cấp phân khúc căn hộ thu nhập thấp, căn hộ thương mại giá rẻ.
Hàng loạt các dự án ra đời và được đón nhận: Mường Thanh, Xa La, Dịch Vọng, Time city, các dự án dọc đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Hà Đông). Căn hộ siêu sang cũng được xây dựng và gia nhập thị trường: Paris de Luis, Metropolis, Sông Hồng Green… Hàng loạt các dự án khu dân cư sinh thái ra đời: Ecopark, Ciputra giai đoạn 2, Gamuda… Những dự án đô thị này hướng tới không gian đô thị văn minh, sinh thái…
Dựa trên tình hình thực trạng và những bất cập hiện nay, PGS-TS Trần Kim Chung đã đưa ra một số khuyến nghị để phát triển TTBĐS theo hướng hiệu quả, bền vững như: Thứ nhất, cần hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển TTBĐS. Ban hành các quy chuẩn thiết kế công trình cao tầng trên địa bàn Hà Nội. Nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý cao về thông tin BĐS. Nghiên cứu xây dựng cơ chế hành chính đặc biệt cho Hà Nội, với vai trò là một siêu đô thị của cả nước. Nâng cao năng lực của lực lượng quản lý nhà nước về xây dựng trong việc quản lý, giám sát các công trình xây dựng tại Hà Nội, đảm bảo đúng thiết kế, quy hoạch đã được phê duyệt. Bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao năng lực của cán bộ bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực BĐS. Minh bạch hóa và có chương trình hành động, triển khai các dự án quy hoạch, các dự án kêu gọi đầu tư.
PGS.TS Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế TW phát biểu |
Thứ hai, Công khai hóa, minh bạch hóa các dự án quy hoạch, danh mục dự án kêu gọi đầu tư. Thực hiện đấu giá công khai quyền sử dụng đất khi giao đất, cho thuê đất, bán đất di dời trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, chuyên gia trong quá trình xây dựng các quy hoạch trên địa bàn, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch nhà ở trên địa bàn.
Thứ ba, Khuyến khích mọi thành phần tham gia phát triển TTBĐS. Tăng cường đầu tư cho công tác thông tin để giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn địa điểm phù hợp thực hiện dự án nhanh nhất đồng thời đẩy mạnh công tác tiếp thị quyền sử dụng đất tại Hà Nội. Thực hiện chặt chẽ quy trình giao đất, cho thuê đất, kiên quyết thu hồi diện tích đất giao, cho thuê nhưng quá thời hạn theo quy định của Luật mà chưa đưa vào sử dụng. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho nhân dân, tạo điều kiện thông thoáng ở tất cả các khâu liên quan đến hoạt động phát triển, giao dịch và quản lý TTBĐS.
Thứ tư, xây dựng lối sống đô thị cho Hà Nội và người Hà Nội. Thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về lối sống đô thị, các chuẩn mực lối sống đô thị đến từng tổ dân cư, khu phố. Tăng cường lực lượng quản lý trật tự đô thị, công an trong việc đảm bảo trật tự đô thị. Có chính sách hợp lý đối với người bán hàng rong, người bán hàng vỉa hè, để một mặt đảm bảo cuộc sống của người dân, một mặt đảm bảo trật tự đô thị.
Phố đi bộ là thành công rất lớn của Hà Nội
Thủ đô đang có những bước chuyển biến theo hướng văn minh hiện đại, hình thành các đô thị văn minh, bước đầu hình thành nếp sống thị dân. Nhưng thực trạng vẫn còn nhiều điều bức xúc, đặc biệt là giao thông, nhà ở, xử lý rác, môi trường.
Tuy nhiên, đã qua hơn 6 năm, việc thực thi ý tưởng xây dựng đô thị vệ tinh gắn với vùng thủ đô vẫn chưa thực hiện được trong khi những bức xúc về mặt xã hội, hạ tầng cơ sở ngày càng gia tăng. Vì vậy, Hà nội cần hoàn thiện, tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch phát triển Thủ đô, trọng tâm là công tác lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch phù hợp với quy định của pháp luật. Rà soát, điều chỉnh, thực hiện các quy hoạch có liên quan. Trước mắt, giai đoạn ngắn hạn, trong khi chờ đợi kết nối với các khu đô thị về tinh được dễ dàng hơn, có thể xem xét cấp phép các dự án mới theo phương thức “vết dầu loang”, từ khu vực trung tâm ra phía ngoài đô thị, nhằm mục tiêu phát triển hạ tầng đồng bộ, lan tỏa.
Chất lượng dịch vụ đô thị: Hà Nội có thế mạnh về dịch vụ du lịch, trong những năm qua luôn có mặt trong top 10 thành phố du lịch hấp dẫn của Châu Á. Chính quyền Thành phố trong thời gian qua đã triển khai nhiều chương trình hành động gây hiệu ứng tốt đối với người dân và du khách (chương trình trồng 1 triệu cây xanh, chiếu sáng đô thị, phố đi bộ, kéo dài thời gian sinh hoạt về đêm...). Tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị hơn nữa, cụ thể là: Vận hành hệ thống chiếu sáng tiết kiệm, tăng cường chiếu sáng các tuyến đường lớn, các cầu vượt đường bộ, cầu vượt sông Hồng, các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng, văn hóa, các tòa nhà cao tầng và các khu dân cư...
Tiếp tục công tác sắp xếp, dành lại vỉa hè cho người đi bộ, tránh để bộ mặt đường phố lộn xộn, nhếch nhác.
Tăng cường quản lý phương tiện giao thông, đề ra lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường trên địa bàn, đồng thời đề ra giải pháp tập trung phát triển giao thông công cộng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Công tác cải cách thủ tục hành chính: Thủ tục hành chính trong đầu tư, xây dựng quản lý các dự án đầu tư phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở tuy đã được cải cách, rút ngắn theo chỉ đạo của Chính phủ, tuy nhiên thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng; bồi thường GPMB; giao đất; thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án vẫn còn kéo dài, một phần do các TTHC vẫn còn rườm rà, một phần là do năng lực, tư tưởng sợ chịu trách nhiệm của các cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Trưởng Ban tổ chức TS.Nguyễn Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết: Cùng với tốc độ đô thị hóa, sự phát triển sôi động của thị trường BĐS, quan niệm về không gian sống của chủ đầu tư đến nhu cầu sở hữu của phần lớn khách hàng đã có nhiều thay đổi. Do đó, việc đi tìm lời giải để tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội là yêu cầu bức thiết, đáp ứng nhu cầu thiết thực cuộc sống hiện đại. “Tổ chức hội thảo “Phát triển thị trường Bất động sản - Tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội” , chúng tôi kỳ vọng với những phân tích, đánh giá, nhận định về thị trường BĐS, xây dựng và các lĩnh vực liên quan,… để tất cả chúng ta, không chỉ doanh nghiệp, không chỉ các cấp chính quyền, cơ quan chức năng,… mà tất cả cộng đồng cùng chung tay tạo lập không gian sống văn minh ở Thủ đô Hà Nội” – TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Viện trưởng Viện NCPTKTXH Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị. |
Theo đó, tại Hội thảo, nhiều vấn đề về quy hoạch, quản lý, phát triển thị trường BĐS cũng được xới lên. Nhìn chung các tham luận đều nhận định, trong thời gian qua, công tác quản lý xây dựng, chỉnh trang và phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo sự chuyển biến căn bản trong đời sống xã hội. Bộ mặt đô thị của Thủ đô đã có nhiều đổi thay, không gian đô thị phát triển rộng hơn, nhiều khu đô thị mới, hiện đại mọc lên với nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu cho cư dân. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn: công tác quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường...
Vì vậy, việc phát triển thị trường BĐS - tạo lập không gian sống văn minh, theo các chuyên gia, chính là tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ công; tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh; phù hợp với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng Thủ đô có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.
Tham dự Hội thảo có ông Lê Hồng Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Trần Nam (Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam); ông Nguyễn Chí Dũng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội; GS.TSKH.Đặng Hùng Võ (Đại học Quốc gia Hà Nội); ông Nguyễn Mạnh Hà (Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam)… cùng đại diện các ban, ngành TP Hà Nội.
Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại Hội thảo |
Chủ trì hội thảo gồm đồng chí: Viện trưởng Viện NCPTKTXH Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng.