Hồi ức nghề báo: Những tháng, ngày không quên

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội và cả nước vẫn tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị trọng đại như Đại hội Đảng các cấp, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Trong những sự kiện ấy, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị luôn lăn xả vào từng điểm nóng để truyền tải những thông tin nóng hổi đến bạn đọc.

 Phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tác nghiệp tại Đại hội XIII. Ảnh: Thanh Hải
Nhà báo Minh Hiền - Trưởng ban Thời sự - Chính trị: Thêm những kinh nghiệm về nghề
Dịp 21/6, khi nói về chuyện nghề báo, nhắc nhớ lại câu chuyện tác nghiệp trong năm nay, trong tâm trí tôi lại hiện lên những ngày đưa tin tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào dịp cuối tháng 1, đầu tháng 2. Đây là lần thứ hai liên tiếp tôi được cơ quan cử đi đưa tin Đại hội Đảng toàn quốc và cũng đã nhiều lần tác nghiệp tại những sự kiện lớn, quan trọng nhưng mỗi lần đều có những cảm xúc khác nhau. 5 năm một lần, việc được tác nghiệp tại Đại hội Đảng toàn quốc vừa là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm, sự trải nghiệm lớn trong nghề với những kỷ niệm đáng nhớ.
 Nhà báo Minh Hiền - Trưởng ban Thời sự - Chính trị báo Kinh tế&Đô thị
Lần này cũng vậy, dù đã định hình được phần nào việc phải làm, tôi vẫn khá lo lắng bởi số lượng phóng viên của báo được phép tác nghiệp tại Đại hội ít, thông tin cần truyền tải nhiều. Cùng với đó, yêu cầu phải đưa tin, bài, phản ánh một cách đúng định hướng, kịp thời, nhanh chóng, chuẩn xác và đảm bảo chất lượng là một áp lực không hề nhỏ. Nhưng khi nhập cuộc, chính không khí làm việc khẩn trương, trách nhiệm với nghề đã cuốn tôi đi, những áp lực cũng được cởi bỏ.

Mỗi ngày, tôi đến Trung tâm Báo chí từ rất sớm, xử lý một lượng lớn thông tin chính thức từ Đại hội được truyền tải ra; rồi phỏng vấn đại biểu ngoài lề; xây dựng tin bài cần thiết cho các ấn phẩm… Bởi thế, có hôm mải miết làm việc, đến lúc bước chân ra ngoài có khi trời đã tối. Nhất là trong ngày làm việc về công tác nhân sự, thức, chờ đợi đến tận 23 giờ 30 phút mới có thông cáo chính thức về kết quả bầu Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII để truyền tải tới bạn đọc một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

Vất vả vậy nhưng thật lạ là vẫn cảm thấy rất vui. Trên mạng xã hội như Zalo, các nhóm phóng viên tác nghiệp tại Đại hội được hình thành, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc và cả những phát sinh trong quá trình tác nghiệp. Việc chia sẻ thông tin, hình ảnh cũng là một yếu tố vô cùng thuận lợi để mỗi phóng viên tác nghiệp đưa tin về Đại hội hoàn thành công việc một cách nhanh nhất, kịp thời nhất. Chính trong lần tác nghiệp này, tôi cũng có thêm kinh nghiệm cho mình để trưởng thành hơn trong nghề. 
Phóng viên Đức Hùng - Ban Pháp luật & Xã hội: Tiếp xúc với những “cử tri đặc biệt”
Trong ngày diễn ra bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, những phạm nhân tại các trại tam giam, nhà tạm giữ ở khắp các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội cũng đều có chung một tâm trạng phấn khởi được hòa chung với không khí vui tươi của ngày hội non sông. Để bạn đọc cả nước biết đến không khí bầu cử ở các trại tạm giam, nhà tạm giữ trên địa bàn TP Hà Nội, tôi cùng các phóng viên Ban Pháp luật & Xã hội đã phối hợp với Công an quận Nam Từ Liêm, tác nghiệp và đưa tin về bầu cử của các “cử tri đặc biệt” nơi đây.
 Phóng viên Đức Hùng - Ban Pháp luật & Xã hội báo Kinh tế&Đô thị
Do dịch Covid - 19 vẫn đang diễn biến phức tạp, trước khi vào trụ sở Công an quận, chúng tôi phải thực hiện việc khai báo y tế, đo thân nhiệt và sát khuẩn. Nhà tạm giữ Công an quận Nam Từ Liêm có gần 60 người bị tạm giữ, tạm giam. Để chuẩn bị cho công tác bầu cử, Nhà tạm giữ Công an quận Nam Từ Liêm cùng với UBND phường Mỹ Đình 2, thành lập Tiểu ban bầu cử của đơn vị, lập danh sách cử tri là người bị tạm giữ, tạm giam để tiến hành bỏ phiếu.

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều người bị tạm giam, tạm giữ đã bày tỏ sự xúc động và cảm thấy rất hạnh phúc vì ngay cả khi bị tạm giam, tạm giữ, họ vẫn được tận tay bỏ phiếu, lựa chọn những người có đức, có tài tham gia vào Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Không ít người đã rớt nước mắt trước sự nhân văn của Nhà nước.

Với tôi, chuyến tác nghiệp lần này là một kỷ niệm đặc biệt. Tôi tự hào vì đã góp một phần công sức nhỏ bé cùng với rất nhiều lực lượng khác để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp. Đây thực sự là một trải nghiệm quý giá trong cuộc đời làm báo của tôi, ở nơi đặc biệt với những cử tri đặc biệt.

Phóng viên Trần Long - Ban Thời sự - Chính trị: Tác nghiệp đa phương tiện tại kỳ Đại hội Đảng bộ TP

Những ngày tác nghiệp tại một sự kiện lớn, trọng đại là Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ TP Hà Nội là một kỷ niệm khó quên với một nhà báo trẻ như tôi. Bởi, bản thân tôi vừa cảm thấy rất vinh dự đối với một người làm báo còn “trẻ về tuổi nghề” song cũng có chút hồi hộp, lo lắng với trách nhiệm đặt lên vai khi thực hiện các tác phẩm báo chí về sự kiện quan trọng này của TP.
 Phóng viên Trần Long - Ban Thời sự - Chính trị báo Kinh tế&Đô thị
Tuy nhiên, với sự giúp đỡ, định hướng của Ban Biên tập, lãnh đạo Ban Thời sự - Chính trị, các đồng nghiệp và sự nỗ lực của bản thân, tôi đã bỏ qua sự bỡ ngỡ ban đầu, cố gắng hết sức mình để thực hiện những tác phẩm báo chí chất lượng, thể hiện được không khí sôi nổi, phấn khởi của Đại hội. Nhất là khi kỳ Đại hội diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Vì vậy, bên cạnh việc phải truyền tải đầy đủ, chính xác nội dung làm việc, thảo luận của Đại hội cũng như tâm tư, nguyện vọng, trách nhiệm của các đại biểu trong việc chọn lựa những cán bộ có đức, có tài, có tâm, có tầm tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ TP, bản thân tôi luôn ý thức tác nghiệp một cách an toàn nhất trong điều kiện dịch bệnh.

Tôi vẫn còn nhớ, một ngày làm việc của Đại hội bắt đầu từ 8 giờ và thường kết thúc vào lúc 17 giờ. Nhưng một ngày làm việc của phóng viên tác nghiệp tại Đại hội dường như không có khung thời gian cố định. Bởi để có thể kịp thời chuyển tải các thông tin về Đại hội, tôi và các đồng nghiệp luôn phải đến từ rất sớm thống nhất công việc thực hiện trong mỗi một ngày Đại hội diễn ra. Từ đó, bảo đảm tiến độ, chất lượng các tác phẩm gửi đến với bạn đọc.

Ngoài ra, với tiêu chí của một tờ báo đa phương tiện, bên cạnh việc tác nghiệp cho báo điện tử, báo in, bản thân tôi còn bố trí, sắp xếp công việc của mình một cách khoa học để có thể tham gia cùng Tổ Truyền hình của báo tác nghiệp để đưa đến bạn đọc những góc nhìn đa chiều, sinh động hơn tại một sự kiện quan trọng của TP. Vất vả là vậy nhưng tôi và các đồng nghiệp mỗi người đều rất nỗ lực, cố gắng với mong muốn chuyển đến bạn đọc những thông tin quan trọng, toàn cảnh nhất và góp một phần nhỏ bé vào thành công chung của Đại hội.

Phóng viên Linh Nguyễn - Ban Thời sự - Chính trị: 24 giờ bận rộn trong ngày bầu cử đáng nhớ
Không phải lần đầu tiên đi tác nghiệp tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhưng kỳ bầu cử vừa qua với tôi thật đáng nhớ. Đáng nhớ không chỉ lần đầu tiên đóng vai trò là một trong những phóng viên tuyên truyền chính về vấn đề này, còn bởi đây là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, tạo ra những khó khăn nhất định trong quá trình tác nghiệp.
 Phóng viên Linh Nguyễn - Ban Thời sự - Chính trị báo Kinh tế&Đô thị
Những ngày tác nghiệp trước kỳ bầu cử cũng khá căng thẳng bởi lượng công việc phải làm, từ những cuộc họp của Ủy ban Bầu cử TP, đến dày đặc các cuộc kiểm tra... phóng viên cần theo sát để thông tin. Nhưng đáng nhớ nhất là ngày “cao điểm” 23/5 diễn ra cuộc bầu cử. Rời nhà từ tờ mờ sáng, đúng 6 giờ 15 phút có mặt tại Khu vực bỏ phiếu số 4 phường Trung Tự, quận Đống Đa để nhanh chóng có được hình ảnh những cử tri đầu tiên đến dự, kịp thời phỏng vấn một số cử tri đặc biệt, ghi hình, lấy tin khi lãnh đạo TP bỏ phiếu tại đây... Sau khi truyền tải đầy đủ tin tức tại đây về tòa soạn, tôi lại "chạy" đến quận Hai Bà Trưng ghi nhận không khí ngày bầu cử, theo chân đoàn kiểm tra của quận tới một số khu vực bỏ phiếu, tìm phỏng vấn Chủ tịch Ủy ban Bầu cử quận... Hoàn thành các tin, bài về địa bàn phụ trách khi đã quá trưa, ăn vội chiếc bánh mỳ do một lãnh đạo phường Vĩnh Tuy phần cho trong lúc ngồi tại trụ sở UBND phường viết bài, may sao lúc 13 giờ, tôi vẫn kịp theo đoàn công tác do Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP làm Trưởng đoàn đến kiểm tra thực hiện bầu cử tại huyện Thường Tín. Đúng 16 giờ đoàn về đến nội thành, tôi tiếp tục viết ngay tin bài, kịp chuyển sớm cho tòa soạn.

17 giờ, tôi quay về trụ sở Cơ quan Thường trực Ủy ban Bầu cử TP để cập nhật về tình hình cử tri đi bỏ phiếu, kịp thời mang tới những dòng tin nóng được bạn đọc rất quan tâm. Hơn 22 giờ mới có cập nhật cuối cùng về kết quả cử tri đi bỏ phiếu toàn TP và về tới nhà khi kim đồng hồ gần chạm 23 giờ. Kết thúc ngày làm việc với lịch trình làm việc dày đặc, năng suất làm việc cao, thông tin nhanh nhưng bản thân lại thấy vui, bởi số lượng lớn thông tin mình đã cố gắng hết sức để mang tới nhanh nhất cho bạn đọc và tạo ra những kỷ niệm khó quên.

Phóng viên Trần Thảo - Ban Văn hóa - Đời sống: Áp lực từ những cuộc phỏng vấn lúc nửa đêm

Cùng với lực lượng y tế và các ngành chức năng khác, trong 4 làn sóng dịch Covid-19 xảy ra tại Việt Nam, lực lượng báo chí Thủ đô và cả nước người vẫn luôn xông pha, không ngại hiểm nguy bất kể ngày đêm lao vào vùng tâm dịch để phản ánh chân thực diễn biến tình hình dịch bệnh, cũng như nỗ lực của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch.

Muốn có những hình ảnh chân thực, sinh động, sự hy sinh vất vả, thầm lặng của những chiến sĩ áo xanh, áo trắng của Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội hay Khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi T.Ư, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư (cơ sở 2), chúng tôi như phải đến tận nơi ghi nhận, phỏng vấn, ghi hình... tại những điểm nóng này. Chỉ có vào cuộc tác nghiệp trực tiếp, báo chí mới truyền tải được kịp thời diễn biến tình hình dịch, qua đó, bạn đọc mới có thể thấu hiểu sự vất vả của đội ngũ y, bác sĩ cũng như những người dân trong khu cách ly.
 Phóng viên Trần Thảo - Ban Văn hóa - Đời sống báo Kinh tế&Đô thị
Đi nhiều nơi trong mùa dịch, chúng tôi thấy vất vả nhất vẫn là lực lượng y bác sĩ, đội phản ứng nhanh của Trung tâm Y tế các quận, huyện, đặc biệt, cán bộ, y bác sĩ của CDC Hà Nội. Họ phải chạy đua với thời gian, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, lấy mẫu xét nghiệm, ngày đêm “săn virus” với công suất làm việc gấp 2 - 3 lần. Mỗi lần tác nghiệp, lắng nghe những câu chuyện họ chia sẻ, chúng tôi chẳng thể nào quên những hình ảnh xúc động của “Đội đặc nhiệm” Hà Nội chia lửa với tâm dịch Bắc Giang được chuyển tải về cùng những cuộc điện thoại phỏng vấn “Đội đặc nhiệm” lúc nửa đêm.

Giai đoạn này, đối mặt với làn sóng dịch lần thứ 4, trước tình hình dịch diễn biến phức tạp, phóng viên báo chí, đặc biệt là phóng viên làm mảng thời sự, y tế bận rộn hơn bao giờ hết, áp lực hơn gấp bội. Song chúng tôi luôn được sự hỗ trợ của Ban Biên tập, lãnh đạo Ban và đồng nghiệp, sự động viên, chia sẻ của gia đình. Ở báo Kinh tế & Đô thị, từ đầu mùa dịch đến nay, mỗi khi đi tác nghiệp, chúng tôi luôn được cơ quan trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ chống dịch: Quần áo bảo hộ, khẩu trang, nước sát khuẩn…

Luôn ý thức được vấn đề an toàn, đến mỗi cơ sở, chúng tôi đều nghe theo khuyến cáo của các đơn vị y tế, lực lượng chức năng. Không chỉ thực hiện các bước an toàn khi về cơ quan, lúc về đến nhà, mỗi thành viên cũng thực hiện các bước sát khuẩn, tắm, thay quần áo để riêng… để đảm bảo an toàn cho gia đình và những người xung quanh.

Phóng viên Đình Tuệ - Ban Pháp luật & Xã hội: Niềm vui trong ngày bầu cử ở Đồng Tâm 
Trong ngày diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, tôi đã cùng với ê kíp Tvphapluatxahoi được phân công tác nghiệp tại địa điểm bỏ phiếu tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Nhận được chỉ đạo từ Ban Biên tập, lãnh đạo Ban PL&XH, tôi xác định, tuyên truyền về cuộc bầu cử là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bởi vậy, cần phải có sự chuẩn bị chu đáo, đặc biệt xã Đồng Tâm từng là một trong những điểm nóng về an ninh trật tự của Hà Nội thời gian trước.

Đúng 6 giờ 30 phút ngày 23/5, chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Đồng Tâm. Sau khi thực hiện các thủ tục khai báo y tế, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, lãnh đạo xã đã cử cán bộ trực tiếp hướng dẫn chúng tôi đi ghi hình ở một số địa điểm bỏ phiếu trên địa bàn.
 Phóng viên Đình Tuệ - Ban Pháp luật&Xã hội báo Kinh tế&Đô thị
Khung cảnh đường làng ngõ xóm được trang hoàng cờ hoa rực rỡ, vệ sinh sạch sẽ cho tới các khu vực bỏ phiếu khi đó khiến chúng tôi cảm nhận được thanh bình và sự phấn khởi của Nhân dân nơi đây. Trực tiếp ghi nhận ý kiến của cử tri, bà con thể hiện rõ sự vui mừng trước sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Cử tri cầm lá phiếu trên tay đi bầu cử với tâm trạng hồ hởi, tin tưởng vào chính sách của Đảng và có sự lựa chọn của mình để bầu ra những đại biểu có đức, tài đại diện cho Nhân dân.

Sau khi phóng sự được đăng tải, chúng tôi đón nhận được hiệu ứng tích cực từ phía độc giả. Đặc biệt, bản thân tôi cùng ê kíp rất vui mừng khi được Ban Biên tập động viên. Kỷ niệm đáng quý này sẽ góp thêm hành trang để tôi tiếp tục cố gắng tu dưỡng, rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần tăng cường uy tín, vị thế của cơ quan báo trong lòng độc giả.

Phóng viên Ngọc Tú - Ban Văn hóa - Đời sống: Nhớ mãi những tháng, ngày “chạy dịch”

“Covid-19” – từ khóa mà bất cứ ai cũng không muốn nhắc trong khoảng thời gian 2 năm qua. Hà Nội cùng nhiều địa phương trên cả nước đang phải ứng phó với diễn biến phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư. Cũng giống như cách đây một năm, phóng viên chúng tôi lại trải qua những ngày tháng “chạy dịch”. Trong balo luôn đủ đầy trang thiết bị để sẵn sàng lên đường tác nghiệp như máy ảnh, máy tính và tất nhiên không thể thiếu vài bộ đồ bảo hộ y tế, nước sát khuẩn, khẩu trang…

 Phóng viên Ngọc Tú - Ban Văn hóa - Đời sống báo Kinh tế&Đô thị

Tròn một năm trở lại CDC Hà Nội, tôi vẫn nhớ cái cảm giác sợ đến rùng mình khi bước vào cánh cửa mà không ai muốn vào. Biết đâu mình là người không may mắn? Nhưng khi tiếp xúc với những y bác sĩ, nhân viên CDC Hà Nội ngày đêm làm việc khiến chúng tôi quên đi những hiểm nguy đang rình rập.

Tác nghiệp trong mùa dịch chắc chắn sẽ để lại những kỷ niệm không thể quên đối với mỗi phóng viên. Đó là sự vất vả khi quên ăn, quên ngủ để kịp thời đưa tin kịp thời tới độc giả hay niềm vui trong nghề được thỏa mãn với niềm đam mê… Thậm chí, niềm vui của cánh phóng viên đôi khi chỉ là chia nhau mẩu bánh mì, những chai nước lọc khi tác nghiệp xuyên đêm, xuyên trưa.

Nhưng ở đó vẫn có nỗi buồn khi tác nghiệp, phóng viên tiếp xúc với bệnh nhân F0 hay F1 phải tự cách ly ở nhà. Dù vậy, với những phóng viên không may mắn ấy, việc đảm bảo an toàn là trên hết nên ai cũng tuân thủ chặt chẽ. Có những đồng nghiệp của chúng tôi phải tự thuê trọ ở ngoài vài tuần để tránh nguy cơ lây nhiễm cho người thân, gia đình.

Dẫu biết rằng, việc tác nghiệp ở mỗi thời điểm là khác nhau nhưng đối với những phóng viên, được sống với nghề, sống với niềm đam mê là điều vô cùng quý giá. Và với tôi, tác nghiệp trong mùa dịch là cơ hội để có thêm những trải nghiệm tuyệt vời của nghề báo.

Phóng viên Hồng Quý - Ban Đô thị: Tôi đi làm tin về bầu cử

Là phóng viên phụ trách địa bàn huyện Ba Vì, tôi được phân công bám sát và đưa tin về công tác chuẩn bị bầu cử cũng như diễn biến cuộc bầu cử tại, địa phương nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội, nơi có nhiều danh thắng nổi tiếng và sở hữu đặc sản văn hóa đa dạng của đồng bào dân tộc miền núi. Những trải nghiệm trong khoảng thời gian đưa tin về cuộc bầu cử đến giờ vẫn còn vẹn nguyên trong tôi với biết bao cảm xúc đặc biệt mà không phải lúc nào một phóng viên cũng có cơ hội được kinh qua. 
 Phóng viên Hồng Quý cùng người dân ở xã Quang Minh trong ngày hội non sông sáng 23/5/2021
Sau bao ngày chờ đợi, cuối cùng “ngày hội toàn dân” cũng đến. Sáng 23/5, tôi đặt đồng hồ báo thức rất sớm. Sau khi chuẩn bị xong đầy đủ “đồ nghề” cho ngày làm việc quan trọng, tôi phóng xe ra đường khi con ngõ đầu hồi còn chưa rõ mặt người, nhắm thẳng nhà văn hóa thôn Víp, xã Minh Quang, huyện Ba Vì. Đó là một trong những điểm bầu cử rất đặc biệt khi phần lớn cử tri nơi đây là người đồng bào dân tộc Mường – tộc người có bề dày văn hóa với bản sử thi “Để đất đẻ nước” huyền thoại. 
Con “ngựa sắt” già từng bao năm rong ruổi theo tôi trên khắp các nẻo đường tác nghiệp hôm ấy cũng như trẻ lại, lao đi vun vút như cũng đang háo hức muốn được thở bầu không khí rộn ràng trong “ngày hội toàn dân” ở vùng núi Ba Vì. Hơn một giờ chạy xe, tôi chạm đến đất Ba Vì. Khi tới đầu thôn Víp, những bóng phụ nữ khoác trên mình bộ quần áo truyền thống của người Mường hướng thẳng về phía nhà văn hóa thôn. 
Như tất cả các điểm bầu cử khác, điểm bầu cử thôn Víp được tổ chức trang trọng, chu đáo và rất nghiêm ngặt. Đặc biệt là khâu kiểm dịch bởi lúc này, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên cả nước. Tất cả cử tri đều phải đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn và khai báo y tế trước khi vào trong điểm bầu cử để thực hiện quyền công dân của mình. Không ai bảo ai, mọi người xếp hàng ngay ngắn và đứng giãn cách theo đúng quy định phòng dịch. 
Khi các đoàn cử tri đã vãn dần, tôi chú ý đến một trong số những thành viên đứng trong hàng ngũ ấy. Đó là bà Đinh Thị Chính (SN 1961, trú tại thôn Víp xã Minh Quang). Hỏi ra mới biết, bà Chính là thành viên trong đội văn nghệ của thôn. Bà Chính có hai nhiệm vụ quan trọng, một là đón khách đến điểm bầu cử; hai là thực hiện nghĩa vụ công dân của mình. “Tôi dậy từ 4 giờ sáng để sửa soạn. Giờ công tác đón tiếp đã gần xong, tôi sắp được thực hiện thực hiện quyền công dân của mình rồi” – bà Chính vừa nói vừa nhìn vào tờ thẻ cử tri của mình, đôi mắt ánh lên niềm tự hào khó tả. 
Với tôi, ánh mắt của nữ cử tri đặc biệt ấy là một trong những hình ảnh đáng nhớ nhất. Ánh mắt của niềm vui, niềm tự hào và cũng là niềm hi vọng của những công dân Việt Nam trong ngày hội lớn của non sông.