Hơn 10 năm “vác tù và hàng tổng”

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội, gần giữa trưa đầu hè nắng, xen giữa dòng người đông đúc đang cố nhích từng bước tại điểm giao cắt phố Quan Nhân và phố Cống Mọc (quận Thanh Xuân) là hình ảnh người phụ nữ trung niên nhễ nhại mồ hôi, tay cầm gậy sắt, “đội nắng” mải miết điều khiển giao thông cùng giọng nói dõng dạc: “Dừng lại!... Nhanh lên nào! Nhanh lên nào!...”.

Hình ảnh ấy, tiếng nói ấy đã quá đỗi thân quen với người dân nơi đây suốt hơn 10 năm qua.
Nắng, mưa cũng phân luồng
Những ai đã từng sống hay làm việc ở Hà Nội có lẽ đã quá quen với món “đặc sản” tắc đường mỗi khi tham gia giao thông vào những giờ cao điểm. Những nơi có lực lượng chức năng đứng ra phân luồng còn đỡ, nhưng không phải bất cứ ở đâu, lúc nào cũng có người đứng ra túc trực để giải quyết ùn tắc. Chính những “điểm đen” ấy lại rất cần đến những “hiệp sĩ giao thông” sẵn sàng đứng ra phân luồng, tránh ùn tắc. Thật may mắn cho khu vực ngã tư Quan Nhân - Cống Mọc khi hơn 10 năm qua, bất kể trời mưa hay nắng, sáng sớm hay chiều muộn, cứ vào giờ cao điểm xảy ra tắc đường là bà Nguyễn Thị Tiến (62 tuổi), lại bỏ quán nước ra giúp lực lượng chức năng phân luồng giao thông.

Hơn 10 năm tình nguyện điều khiển giao thông, với bà Tiến, những lời cảm ơn, động viên của mọi người   là động lực để bà gắn bó hơn với công việc này.

Không quá khó để chúng tôi tìm được quán nước của bà Tiến. Bởi rất dễ nhận thấy hình ảnh một bà lão ăn mặc giản dị đang ngồi trên chiếc ghế nhựa chăm chú quan sát từng dòng người tham gia giao thông đi qua cầu. Sau khi giới thiệu, mời chúng tôi chén trà nóng, bà chậm rãi kể về câu chuyện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Bà bảo, những năm gần đây, do lưu lượng người tham gia giao thông tăng, khu vực ngã tư Cống Mọc - Quan Nhân vào giờ cao điểm thường xuyên bị ách tắc. Ngồi bán hàng, bà quan sát thấy các chiến sĩ CSGT vất vả phân làn nhưng không kịp, những lúc không có CSGT thì tình trạng ách tắc càng nặng nề hơn. Vì vậy, bà đã quyết định đứng ra điều khiển giao thông. “Nhìn đường thì tắc nghẽn, người đi đường thì nhích từng chút, hàng tiếng đồng hồ vẫn không đi được, nên tôi chỉ muốn giúp họ. Ban đầu, khi ra phân làn giao thông giữa trời mưa, trời nắng, nhiều người bảo tôi điên hay sao mà lo chuyện thiên hạ. Sau này, mọi người cũng đã thay đổi cái nhìn về tôi, họ còn ủng hộ công việc tôi làm. Có những hôm tắc đường quá, người dân gần đây cũng ra giúp đỡ tôi điều khiển giao thông” - bà Tiến tâm sự.
Vừa lúi húi rót nước cho khách, chốc chốc bà lại nhìn lên xem việc đi lại của mọi người thế nào. Có thâm niên bán nước ngót nghét 36 năm tại đây, công việc của bà Tiến bắt đầu từ 5 giờ 30 phút sáng và kết thúc vào khoảng 23 giờ 30 phút đêm. Nên có những ngày bà phải 5 - 6 lần chạy ra ngã tư điều khiển giao thông, thậm chí vào những ngày Chủ nhật, khi lực lượng trật tự phường nghỉ thì đến cả chục lần. Tính ra, việc điều tiết giao thông "tiêu tốn" của bà 3 - 4 tiếng/ngày. Bà bảo: “Do đoạn đường này nhỏ, lại là ngã tư nên rất hay xảy ra ùn tắc. Đặc biệt vào những giờ cao điểm như từ 7 giờ 30 phút - 8 giờ 30 phút, 17 giờ 30 phút - 19 giờ 30 phút, tình hình giao thông càng hỗn loạn, ùn tắc kéo dài. Khổ nhất là vào những ngày trời nắng nóng hay mỗi khi mưa giông, người đi đường phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ, nhích từng bước mới thoát khu vực này. Thiết nghĩ, nếu như mỗi người nhường nhau một tí, tuân thủ luật lệ thì cũng đâu xảy ra ùn tắc”. Dù không được đào tạo qua trường lớp, chỉ tự học từ thực tế nhưng nhìn cái cách mà bà phân luồng, điều khiển giao thông, nhiều người đi đường phải nể phục, dành lời khen cho sự “chuyên nghiệp” của bà. Thoăn thoắt chỉ đường rẽ trái, rẽ phải, dừng lại với những động tác dứt khoát, cùng giọng nói dõng dạc giữa dòng người đông đúc: “Dừng lại!... Nhanh lên nào! Nhanh lên nào!...”. Như một phản xạ tự nhiên, cứ mỗi khi thấy đường ùn tắc, bất kể thời gian, bà Tiến lại nhanh nhảu cầm cây gậy sắt chạy ra điều khiển các phương tiện giao thông. Có những khi chưa kịp và miếng cơm, hay vội quá quên cả mặc áo mưa mỗi khi trời mưa, không kịp đội mũ giữa trưa hè nắng, người phụ nữ ấy đều đặn, nhiệt tâm với công việc phân luồng giao thông của mình.
Còn đó gánh nặng mưu sinh
Gần 40 năm bán nước mưu sinh, hơn 10 năm tình nguyện điều khiển giao thông, với bà Tiến, những lời cảm ơn, động viên của mọi người là động lực để bà gắn bó hơn với công việc này. Tiếp mạch câu chuyện, bà kể, có lần giữa trưa hè, thấy bà đầu trần, vất vả phân làn đường, có một người phụ nữ đã xuống xe nói lời cảm ơn và ngỏ ý biếu bà tiền uống nước nhưng bà không nhận. Hay đó chỉ là những cử chỉ bằng tay thể hiện lời cảm ơn thay ngàn lời muốn nói của những người khi đi qua ngã tư này. Thật tình cờ, khi đang trò chuyện với bà, chúng tôi lại được nghe những lời cảm ơn cùng những món quà nho nhỏ của những bác sĩ trẻ tại một phòng khám dành tặng bà Tiến khi biết được việc làm ý nghĩa của bà. Với bà, đó là những kỷ niệm khó quên.
Không chỉ là người điều khiển giao thông, bà Tiến còn là “bà hòa giải” rất khéo những vụ va chạm giao thông ở đây. Bà kể, có những trường hợp người đi đường va chạm, cãi nhau to tiếng không có ai can ngăn. Khi đó, bà nhẹ nhàng ra khuyên bảo hai bên để không xảy ra ẩu đả, thương lượng hòa giải.
“Dù vất vả, đôi lúc không bán được hàng, nhưng thấy mọi người đi lại được dễ dàng, những lúc đó, tôi cảm thấy vui hơn, thoải mái hơn khi được san sẻ, giúp đỡ những người xung quanh”, bà Tiến cười hiền chia sẻ.
Nhưng đằng sau nụ cười hiền, giọng nói lạc quan ấy đang ẩn chứa những lo toan cuộc sống, nặng gánh mưu sinh của người phụ nữ vốn sinh ra và lớn lên trên quê hương “Ba đảm đang” (xã Tân Hội, huyện Đan Phượng). Bà bảo: “Bây giờ tôi không dám nghỉ làm ngày nào, vì nghỉ làm một ngày đồng nghĩa với việc con tôi thiếu tiền đi học, chồng tôi không có tiền chữa bệnh”. Thời gian gần đây, khi TP ra quân chỉnh trang văn minh đô thị, gánh hàng nước của bà Tiến cũng bị dẹp theo. Nhưng may mắn thay, ông chủ của một nhà hàng gần đó đã cho bà mượn một góc nhỏ để kinh doanh. “Mọi người ở đây đối xử tốt với tôi lắm. Nhiều người hiểu được hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn cũng ngỏ ý muốn giúp đỡ nhưng tôi đều từ chối” - bà Tiến tâm sự.
Lập gia đình sớm nhưng cuộc sống của bà cũng chẳng mấy được nhàn hạ, bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên vai bà khi người chồng đau ốm liên miên, chẳng giúp đỡ được gì nhiều. Ánh mắt thoáng buồn, bà bảo: “Tôi có hai cháu gái. Cháu lớn đi lấy chồng rồi nên tôi cũng bớt vất vả hơn. Tiền bán nước cũng chỉ đủ ăn và nuôi cháu thứ hai đang học đại học. Thời gian gần đây, bệnh phổi của ông nhà tôi nặng hơn, phải nằm viện suốt, tiền bán nước chẳng đủ tiền chữa trị nên tôi cũng phải đi vay mượn, cầm cố thêm”.
Tiếp mạch câu chuyện, bà Tiến tâm sự, cách đây vài năm khi đi khám, bà bàng hoàng khi bác sĩ thông báo trong đầu bà có một khối u, cần phải phẫu thuật ngay nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bà cũng chẳng định chạy chữa gì vì tiền bán nước cũng chỉ đủ cho con ăn học và lo chữa bệnh cho chồng, số tiền chữa trị lớn như vậy bà lấy đâu ra. Nhưng sau được sự động viên của chồng con, bên phường cũng đến động viên nên bà mới dám vào viện chữa trị. Thế nhưng, khi khỏe lại, với chiếc gậy quen thuộc, bà lại ra đứng đường điều khiển giao thông. “Khi làm việc thiện giúp ích cho mọi người, tôi cảm thấy rất thoải mái và khỏe hẳn người ra. Và khi nào còn bán nước, tôi sẽ còn ra điều khiển giao thông giúp mọi người” - bà Tiến nói.
Thành phố lên đèn, nghe đâu đây những tiếng còi xe inh ỏi hòa cùng giọng nói đầy quen thuộc: “Dừng lại!... Nhanh lên nào! Nhanh lên nào!...”. Hình ảnh ấy, tiếng nói ấy cứ bám riết chúng tôi.