Hơn 12 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu (EC), ước tính hàng năm, có tổng cộng 4,8 - 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.

 Lãnh đạo Bộ, các Sở Y tế với, các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa y tế.
Ngày 16/8, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế tại 63 điểm cầu trên cả nước. Tại điểm cầu Hà Nội có đại diện Sở Y tế Hà Nội cùng lãnh đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chất thải nhựa đang trở thành vấn đề ô nhiễm môi trường toàn cầu bởi những đặc tính bền, khó phân hủy của nó. Ô nhiễm chất thải nhựa ảnh hưởng trầm trọng tới môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
Ước tính, có hơn 700.000 loài sinh vật trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa. Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu (EC), ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018, khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường được chôn lấp. Hàng năm, tổng cộng 4,8 - 12,7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.
Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội với các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa y tế.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Trong đó, đa số chất thải nhựa là các túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần để bao gói, sử dụng cho mục đích ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, các sản phẩm nhựa dùng một lần trong y tế có ưu điểm là đã góp phần phòng ngừa được nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo chất lượng chuyên môn y tế; đặc biệt những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Mặc dù vậy, nhiều vật liệu bao gói, vật dụng bằng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần có thể thay thế được bằng các vật liệu an toàn và thân thiện với môi trường hơn.
“Cả nước có hơn 13.000 cơ sở y tế, mỗi năm điều trị cho khoảng hơn 150 triệu lượt người và khoảng hơn 300 triệu lượt khám ngoại trú. Khi vào bệnh viện (BV), bệnh nhân thường đi kèm theo từ 1 - 2 người nhà nên lượng rác thải từ bệnh nhân và người nhà cùng với rác thải liên quan đến y tế rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
 Các gian hàng trưng bày các sản phẩm thay thể sản phẩm nhựa.
Thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và thực hiện chương trình BV xanh - sạch - đẹp, thân thiện với môi trường Bộ Y tế đang triển khai, Bộ đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các cơ sở y tế, cán bộ công chức, viên chức ngành y tế về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành Y tế.
Thông qua hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị ngành y tế ở Trung ương và tại 63 tỉnh, TP trên cả tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân… Đưa tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa để đánh giá BV xanh, sạch, đẹp.
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, cùng với phát triển kinh tế của đất nước, lượng chất thải y tế phát sinh ngày một gia tăng với thành phần ngày càng phức tạp, trong đó có một lượng không nhỏ là chất thải nhựa.
 
Lượng chất thải rắn y tế phát sinh tại các BV, cơ sở y tế khoảng 600 tấn/ngày, trong đó có khoảng 10% là chất thải y tế nguy hại ngày càng gia tăng ở hầu hết các địa phương do số lượng cơ sở y tế, giường bệnh và việc sử dụng các sản phẩm dùng một lần trong y tế tăng cao.
“Nếu các loại chất thải này không được kiểm soát tốt sẽ đe dọa cuộc sống của các loài động thực vật thủy sinh, động vật biển, làm ô nhiễm môi trường, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo Sở Y tế với các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế đã ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa y tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần