Hơn 30 nhóm kiến nghị của cử tri Hà Nội gửi tới kỳ họp Quốc hội

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng hợp ý kiến của cử tri trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV của Đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội cho thấy, có hơn 30 nhóm vấn đề được cử tri Hà Nội gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành T.Ư.

Cử tri thị xã Sơn Tây phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội trước Kỳ họp thứ 5 (Quốc hội Khóa XIV). Ảnh: Phạm Hùng
Rà soát từng điều khoản luật
Về công tác xây dựng pháp luật, cử tri Hà Nội đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác này. Bên cạnh đó, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ để luật sau khi ban hành sớm đi vào thực tế cuộc sống. Cử tri cũng đưa ra những kiến nghị về một số dự luật cụ thể. Trong đó, cử tri đề nghị Quốc hội nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo theo hướng tăng chế tài xử lý đối với các trường hợp tố cáo sai sự thật, tránh tình trạng một số trường hợp bị xúi giục, lôi kéo tụ tập khiếu nại, tố cáo sai, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự các tổ chức, cá nhân.

Đề cập đến Luật An ninh mạng, cử tri cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến mạng xã hội, coi đây là kênh thông tin quan trọng trong công tác tuyên truyền; lập các trang mạng chính thống để ngăn chặn các trang thông tin phản động; mở rộng tuyên truyền, đưa thông tin đúng theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Với Luật Quản lý phát triển đô thị, khi xây dựng luật này cần bao quát, có tầm nhìn dài hạn trong công tác quy hoạch; có chế tài rõ ràng đối với các quy hoạch sai phạm. Nên rà soát, tổng kết các quy hoạch tại các ngành để thấy rõ hiệu quả quy hoạch và sai phạm trong quy hoạch. Không nên để cấp quận, huyện lập quy hoạch; xử lý các quy hoạch kéo dài, quy hoạch treo. Cử tri cũng đề nghị bổ sung quy định về cơ sở vật chất và kết cấu hạ tầng (điện, đường, trường học, nhà văn hóa...) khi xây dựng luật để phù hợp với những vùng đô thị mới.

Đề nghị thay đổi phương thức kê khai tài sản

Vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm. Trước thực tế, nhiều vụ việc sai phạm đã xảy ra rất lâu nhưng nay mới được thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý. Cử tri đặt vấn đề, như vậy có phải là buông lỏng kiểm tra, giám sát? Đồng thời, mong muốn T.Ư có cơ chế phù hợp để thu hồi nguồn tiền bị thất thoát do tham nhũng. Các cán bộ vi phạm phải được xử lý ngay và đưa ra khỏi bộ máy. Đặc biệt cần phát huy mạnh mẽ vai trò kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên tại cơ sở.

Liên quan đến Dự Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), cử tri cho rằng, cần bổ sung điều khoản công khai kết luận kiểm tra tại chi bộ và nơi cư trú. Bổ sung rõ cơ chế khuyến khích người tố cáo vi phạm và bảo vệ người tố cáo, ngăn chặn việc người tố cáo bị đe dọa. Cử tri cũng đề nghị có trình tự, thủ tục để cán bộ phải có trách nhiệm giải trình nguồn tài sản của mình một cách nghiêm túc.

Cử tri đề nghị Chính phủ nghiên cứu thay đổi phương thức kê khai tài sản để đảm bảo việc thực hiện có hiệu quả, tránh việc cán bộ có nhiều tài sản nhưng không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ. Đồng thời, có chính sách hợp lý để giải quyết nạn lãng phí đang tràn lan gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Lo lắng trước các vấn đề dân sinh

Hàng loạt vấn đề liên quan đến đời sống dân sinh đang gây bức xúc trong dư luận được cử tri Hà Nội kiến nghị tới Quốc hội. Cử tri tiếp tục đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành chức năng nghiên cứu có chế tài xử lý thật nghiêm đối với người đứng đầu bộ, ngành, địa phương khi để xảy ra các vụ việc sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại về tinh thần, sức khỏe và kinh tế của người dân.

Cử tri cho rằng để củng cố và phát triển thị trường tiêu thụ các loại sản phẩm nông nghiệp, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương có định hướng chiến lược thị trường cho từng ngành hàng và ký các cam kết quốc gia. Đồng thời hỗ trợ xây dựng và nâng cao năng lực thông tin, dự báo, phân tích thị trường. Tại các khu, vùng sản xuất nông nghiệp cần thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng cơ sở dữ liệu về tiêu chuẩn cho từng chủng loại sản phẩm và từng thị trường cụ thể.

Trong vấn đề nhà chung cư, cử tri kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 02 để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý, vận hành nhà chung cư phù hợp thực tế, tránh gây khó khăn cho Nhân dân. Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định việc đầu tư xây dựng nhà cao tầng phải dành một số tầng nổi (ngoài tầng hầm) để làm chỗ để xe ô tô.

Trong các kiến nghị gửi tới Kỳ họp Quốc hội lần này, cử tri Hà Nội cũng đề cập đến các vấn đề xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, y tế... vừa qua, đồng thời đề nghị Chính phủ có các biện pháp, chính sách để ngăn chặn các hiện tượng giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp; thái độ ứng xử thô bạo của một số phụ huynh với giáo viên; bạo lực trong bệnh viện…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần