Hơn 300 đại biểu tham dự Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ 2018

Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là cơ hội để cộng đồng DN hai nước đề xuất với các cơ quan quản lý Nhà nước các giải pháp tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại diễn đàn.
Sáng 18/5, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương đã tổ chức Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ 2018. Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, Sở Công Thương, các Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư các tỉnh, TP khu vực phía Nam, các Hiệp hội DN và cộng đồng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; đại diện các Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC), phòng Thương mại và Công nghiệp Hoa Kỳ (AMCHAM) cùng cộng đồng DN Hoa Kỳ đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ là kênh cung cấp thông tin, cập nhật diễn biến các chính sách mới của Hoa Kỳ và từ đó đưa ra những phân tích, đánh giá và định hướng để DN có thể từng bước định vị và xây dựng chiến lược kinh doanh của mình một cách bài bản, hiệu quả. Cùng với đó, tạo điều kiện cho DN hai nước gặp gỡ, tiếp xúc để tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh thông qua các hoạt động giới thiệu, quảng bá, kết nối giao thương.
Diễn đàn lần này cũng tập trung thảo luận về chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ và giải pháp để DN xây dựng định hướng, chiến lược phát triển thị trường nhằm vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng: Một trong những thách thức lớn nhất đối với DN xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là hệ thống pháp lý của Hoa Kỳ đặt ra nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. DN Việt Nam muốn đưa hàng vào Hoa Kỳ, cụ thể các tiểu bang nào thì phải tìm hiểu luật, những quy định ràng buộc tại tiểu bang đó, cũng như luật Liên bang có liên quan. Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới, phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông - lâm - thủy sản cũng ngày càng được Hoa Kỳ tăng cường áp dụng.
"Những thay đổi trong chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất nhập khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, khiến cho việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trở thành bài toán không dễ tìm ra lời giải đáp thỏa đáng", ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Brian Bonlender - Bộ trưởng Thương mại bang Washington cho rằng: Với tư cách là đại diện cho tiểu bang Washington nơi có cộng đồng người Việt sinh sống lớn thứ 3 và kim ngạch thương mại với Việt Nam đứng thứ 5 trong toàn liên bang, chúng tôi rất quan tâm đến đầu tư và xúc tiến thương mại với Việt Nam trong vòng 20 năm tới trong các lĩnh vực về xuất nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp và đầu tư hợp tác trong lĩnh vực giáo dục.
"Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi quan ngại nhất chính là việc thâm hụt ngân sách. Dó đó, trong quá trình nghiên cứu cũng như làm chính sách cần xây dựng các quy định pháp lý nhằm bảo hộ lợi ích và sỡ hữu trí tuệ của Hoa Kỳ. Vì vậy, trong khuôn khổ diễn đàn này các nhà làm luật cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại đến chia sẻ cho các DN Việt Nam tiếp cận thị trường Hoa Kỳ nói chung và bang Washington nói riêng trong điều kiện mới hiện nay", ông Brian Bonlender nói.