Hơn 4 tỷ USD hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 28/6 tại Đà Nẵng, Kỳ họp lần thứ 6 của Đại Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (Kỳ họp GEF 6) và các sự kiện liên quan đã diễn ra phiên bế mạc. GEF 6 đã thành công tốt đẹp.

Sau hai ngày diễn ra hội nghị, các nhà lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo cơ quan môi trường của hơn 180 quốc gia thành viên; các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, các chuyên gia đã tập trung thảo luận về những vấn đề môi trường của thế giới cho nhiệm kỳ hoạt động bốn năm tiếp theo. Đó là giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là những vấn đề liên quan đến các vấn đề mới nổi như: chất thải nhựa trên biển, tổn thất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu...
 Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu bế mạc GEF6
Kỳ họp cũng đạt được các thỏa thuận quan trọng về các giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu như: Chuyển đổi các hệ thống kinh tế chủ chốt; chuyển đổi hệ thống lương thực và sử dụng đất; chuyển đổi hệ thống năng lượng để chuyển sang một nền kinh tế tuần hoàn… Đáng chú ý, với 29 nhà tài trợ, GEF7 đã có sự bảo đảm về nguồn kinh phí là 4,1 tỷ USD trong bốn năm tới, cho rất nhiều chương trình hỗ trợ giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay.
Đặc biệt, tham dự và phát biểu khai mạc tại phiên toàn thể GEF6, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam ‘‘Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững’’, nhấn mạnh tương lai phát triển bền vững của nhân loại phụ thuộc vào hành động hôm nay.
  Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF bà Naoko Ishii phát biểu tại phiên bế mạc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam là địa điểm thuận lợi để GEF thực hiện các dự án mới về bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học... Thủ tướngkêu gọi các tổ chức, các quốc gia cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống”.
Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành GEF, bà Naoko Ishii cho rằng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã truyền cảm hứng cho tất cả các đại biểu tham dự Kỳ họp. Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch GEF cũng đồng thời nhấn mạnh, Đại hội đồng lần này ở vào một thời điểm quan trọng, quyết định cho tương lai của trái đất và nhân loại. Đây là thời điểm cần phải chuyển đổi các kịch bản phát triển kinh thế thông thường sang kinh tế tuần hoàn. Chính vì vậy, Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF rất hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong việc muốn trở thành quốc gia đi đầu về tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương. Bà cũng cho rằng, để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam cần chuyển đổi về mô hình phát triển, cần sự tham gia của các lĩnh vực kinh tế và khai thác thế mạnh của các nhóm cộng đồng.
 Đại biểu Quốc tế tham dự phiên bế mạc.
Phát biểu tại phiên bế mạc, bà Naoko Ishii nhấn mạnh: Đại hội đồng lần này tổ chức vào một thời điểm quyết định cho tương lai của hành tinh và tất cả chúng ta. “Tôi cũng chia sẻ rằng cơ hội duy nhất của chúng ta để tránh thảm họa là chuyển đổi các hệ thống kinh tế chủ chốt hiện nay của chúng tôi; Từ vấn đề hệ thống sử dụng đất và lương thực của chúng ta, các thành phố của chúng ta, hệ thống năng lượng của chúng ta, và dịch chuyển sang một nền kinh tế tuần hoàn” - bà Naoko Ishii nói.
Tại phiên bế mạc, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cũng đã khái quát: Trong hai ngày, GEF6 đã làm việc không biết mệt mỏi để xác định các thách thức môi trường toàn cầu chủ yếu và đạt được các thỏa thuận quan trọng về các giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu và thông qua các tài liệu quan trọng trong Hội đồng này.
 Quang cảnh phiên họp bế mạc GEF6 chiều 28/6 tại Đà Nẵng.
Hơn nữa, theo Bộ trưởng, các thành viên GEF đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc và cam kết của mỗi người khi làm việc cùng nhau trong các vấn đề môi trường toàn cầu thông qua một loạt các cuộc họp trong bảy ngày qua. “Tôi được truyền cảm hứng từ sự nhiệt tình và cam kết của tất cả chúng ta trong nỗ lực chung để giải quyết các vấn đề, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các vấn đề mới nổi như chất thải nhựa trên biển, tổn thất đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng kêu gọi các thành viên GEF hãy làm việc chặt chẽ để biến các thỏa thuận của chúng ta đạt được trong các cuộc họp này thành hành động, cho một hành tinh chống chịu tốt hơn, một hành tinh bền vững và một hành tinh đảm bảo cho cuộc sống cho các thế hệ hiện tại và tương lai.
Kết thúc GEF6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ sự cảm ơn đến bạn bè quốc tế, các nước thành viên GEF từ khắp nơi trên thế giới, các cơ quan GEF, mạng lưới CSO, khu vực tư nhân, học viện và đại diện cộng đồng, diễn giả, người hỗ trợ và tham luận viên, vì những nỗ lực và đóng góp tuyệt vời của họ trong những cuộc thảo luận hiệu quả và những thỏa thuận đã đạt được.
Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với sự chuẩn bị, vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND TP. Đà Nẵng; tạo dấu ấn về khả năng Việt Nam tổ chức một sự kiện lớn tầm quốc tế thông qua sự mến khách, chu đáo, chuyên nghiệp trên tất cả các mặt: nội dung, tuyên truyền, văn hóa, lễ tân, an ninh và an toàn; đồng thời, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam.
Việc đăng cai tổ chức Kỳ họp GEF6 đã thể hiện sự trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập toàn cầu về môi trường và phát triển bền vững. Qua Kỳ họp này, Việt Nam đã khẳng định là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cam kết chung tay cùng các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên toàn thế giới trong việc giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu.
Bên lề Kỳ họp họp GEF6, Việt Nam đã tổ chức thành công 3 hội nghị quan trọng và tham gia sâu vào các phiên họp bàn tròn cấp cao tại Kỳ họp. Liên quan đến vấn đề đang được quan tâm hiện nay về rác thải nhựa đại dương, tại các Hội nghị bàn tròn cao cấp về chủ đề này, Việt Nam đã khẳng định cam kết chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc quản lý rác thải nhựa, giảm thiểu và tiến đến loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đề xuất của Việt Nam về xây dựng và thực hiện sáng kiến quản lý rác thải nhựa trên biển Đông Á đã được nhiều tổ chức, đối tác quốc tế quan tâm và ủng hộ.