Hơn 51.000 hộ gia đình TNXP được vay vốn từ NHCSXH

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), tính đến nay, có 51.076 hộ gia đình thanh niên xung phong (TNXP) được vay vốn từ NHCSXH với tổng doanh số cho vay đạt 990 tỷ đồng.

Chủ yếu thông qua các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn.

Hiện nay, trên 31.400 hộ gia đình TNXP còn dư nợ với tổng dư nợ là 594 tỷ đồng.

Thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với thanh niên xung phong (TNXP) đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, NHCSXH đã tích cực mở rộng tín dụng đối với các hộ gia đình TNXP.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Nhìn chung, các chương trình cho vay được triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo đúng đối tượng và tiến độ, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng, có tác dụng động viên, khuyến khích TNXP và thân nhân TNXP, đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước.

Việc thực hiện chế độ, chính sách đối với TNXP đã giúp cho các hộ gia đình TNXP có vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho TNXP.

Các chương trình cho vay từ NHCSXH đã phát huy hiệu quả tích cực, đã xuất hiện rất nhiều điển hình tiên tiến về làm ăn kinh tế giỏi của TNXP từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình tín dụng đối với TNXP còn vấp phải một số khó khăn.

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: “Thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương sẽ được ưu tiên vay vốn từ Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm”, nhưng từ năm 2013 đến nay, Quỹ quốc gia về việc làm tăng trưởng rất thấp, mỗi năm Nhà nước chỉ cấp bổ sung cho Quỹ gần 50 tỷ đồng (năm 2013 là 46 tỷ đồng, năm 2014 là 50 tỷ đồng và năm 2015 là 50 tỷ đồng).

Với số vốn bổ sung này được phân bổ cho 63 tỉnh, thành phố và 8 cơ quan Trung ương thực hiện chương trình, rất khó đáp ứng nhu cầu vay vốn tạo việc làm cho người lao động nói chung và TNXP nói riêng.

Cho tới nay, Chính phủ chưa có một chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho TNXP; các bộ, ngành liên quan cũng chưa có thông tư hướng dẫn việc ưu tiên TNXP vay vốn ưu đãi tại NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống.

Vì thế, NHCSXH mới chỉ cho vay hộ gia đình TNXP theo các chương trình hiện có của ngân hàng, TNXP thuộc đối tượng vay vốn của chuơng trình tín dụng chính sách nào thì vay vốn theo chương trình đó.

Kinh tế đô thị cuối tuần