Hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần

Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 3/4, Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức hội thảo các rối loạn liên quan đến stress và gánh nặng liên quan.

Theo thống kê của Bộ Y tế năm 2017, Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn liên quan tới stress như: Hoảng sợ, ám ảnh, rối loạn sang chấn và lo âu. Điều này đem đến những gánh nặng về mặt xã hội.
Toàn cảnh buổi hội thảo chiều 3/4.
Cụ thể, có khoảng 350 triệu bệnh nhân trên toàn thế giới phải chịu đựng trầm cảm, 5% phải chịu đựng lo âu, và chi phí y tế cho rối loạn lo âu cũng vô cùng lớn gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. Ngoài ra, có hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần đủ tiêu chuẩn chẩn đoán.
Chia sẻ tại buổi hội thảo, Trưởng phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress - Viện sức khỏe tâm thần Dương Minh Tâm cho biết, hiện nay rất nhiều người bị mắc stress do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội…, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân.
"Các rối loạn bệnh tâm căn có liên quan đến stress và dạng cơ thể; các rối loạn lo âu, ám ảnh, sợ, các rối loạn lo âu khác: RL hoảng sợ, RL lo âu lan tỏa, RL hỗn hợp lo âu và trầm cảm… Rối loạn ám ảnh nghi thức; phản ứng với stress trầm trọng và rối loạn sự thích ứng; các rối loạn phân ly; các rối loạn dạng cơ thể; các rối loạn tâm căn khác", bác sĩ Dương Minh Tâm nói.
 Trưởng phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress - Viện sức khỏe tâm thần Dương Minh Tâm chia sẻ tại buổi hội thảo.
Theo các nhà khoa học, khái niệm chung về stress bao gồm 2 khía cạnh. Đó là tình huống stress: Chỉ tác nhân xâm phạm hay kích thích gây ra stress: Những tác nhân vật lý, hóa học, tâm lý, xã hội; đáp ứng stress: Dùng để chỉ trạng thái phản ứng với stress: Phản ứng sinh lý và phản ứng tâm lý.
Trong điều kiện bình thường, stress là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý. Stress đặt chủ thể vào quá trình dàn xếp thích ứng, tạo ra một cân bằng mới cho cơ thể sau khi chịu những tác động của môi trường.
Nói cách khác, phản ứng stress bình thường đã góp phần làm cho cơ thể thích nghi. Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố gây stress không đầy đủ, không thích hợp và cơ thể không tạo ra được một cân bằng mới, thì những chức năng của cơ thể ít nhiều sẽ bị rối loạn, những dấu hiệu bệnh lý cơ thể, tâm lý, hành vi sẽ xuất hiện và sẽ tạo ra những stress bệnh lý cấp tính hoặc kéo dài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần