Hơn cả lòng tự trọng

Nhà văn Đỗ Phấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dường như lòng tự trọng là thứ người Việt nào cũng được dạy dỗ từ tấm bé. Tùy theo công việc, học vấn, người Việt luôn kín đáo thể hiện lòng tự trọng đúng với vị trí xã hội của mình.

Những câu chuyện lịch sử từ xa xưa đã nhắc đến nhiều vị vua quan có lòng tự trọng cao cả. Dám hy sinh cả thân mình để giữ danh dự cho đất nước. Điển hình phải kể đến Đình Nguyên Thám Hoa Giang Văn Minh. Ông được vua Lê Thần Tông cử làm chánh sứ sang Trung Hoa cầu phong và tuế cống nhà Minh vào năm 1637 niên hiệu Dương Hòa thứ 3.
Vua Minh Tư Tông Chu Do Kiểm ngạo mạn ra một vế đối: “Đồng trụ chí kim đài dĩ lục” (Cột đồng đến giờ đã xanh rêu). Chu Do Kiểm Sùng Trinh muốn nhắc đến tích xưa có chuyện Mã Viện chôn một chiếc cột đồng ở đâu đó từ thời Hán với chữ khắc trên cột “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (Cột đồng gãy, Giao Chỉ mất).
Ý nói Giao Chỉ vẫn luôn là thuộc quốc của Trung Hoa khi chiếc cột đồng Mã Viện trong tưởng tượng ấy vẫn còn. Thám Hoa Giang Văn Minh không hề nao núng đối đáp thẳng thừng: “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng” (Bạch Đằng từ xưa vẫn đỏ máu). Câu đối của Giang Văn Minh nhắc đến nỗi nhục của Trung Hoa đã ba lần đại bại trên sông Bạch Đằng khiến nước sông nhuộm đỏ máu giặc.
Tất nhiên, hoàng đế nhà Minh nuốt không trôi nỗi nhục này. Quân lính của Sùng Trinh đã hành hình mổ bụng Giang Văn Minh. Vua Lê Thần Tông và Chúa Trịnh Tráng đón linh cữu ông đã ban tặng bức trướng ghi dòng chữ “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng” (Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Lịch sử nhà Nguyễn rất gần với chúng ta còn có câu chuyện vua Tự Đức xây cung Vạn Niên Cơ. Ông vua thi sĩ này đã tỉnh ngộ khi có loạn Chày Vôi chống lại triều đình hà khắc, phu phen khốn khổ, đói rét chết chóc rất nhiều. Dù đã dẹp được loạn Chày Vôi, vua Tự Đức vẫn làm một bài biểu để trần tình và tạ tội với dân chúng. Cuối cùng ông tự đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung. Và khi ông chết được chôn tại đây với tên gọi là Khiêm Lăng. Thân làm một vị vua của cả nước khi biết mình có sai lầm ông đã không ngần ngại công khai nhận lỗi. Đó chính là lòng tự trọng của các bậc đế vương.
Văn học dân gian còn có truyện thơ nôm Lưu Bình, Dương Lễ cũng nói lên lòng tự trọng của tầng lớp nho sinh thời phong kiến. Anh chàng Lưu Bình hỏng thi hết tiền phải tìm đến sự giúp đỡ của Dương Lễ là tay bạn học nghèo ngày xưa nay đã đỗ đạt làm quan.
Chàng Dương Lễ phải dùng kế sỉ nhục dọn cơm hẩm cà thiu cho bạn ăn để đánh thức lòng tự trọng của bạn. Lễ lánh mặt không tiếp bạn mà đưa cô vợ lẽ Châu Long của mình sang giúp bạn nâng khăn sửa túi học hành thi cử cho đến khi đỗ đạt. Không muốn làm bạn mất đi lòng tự trọng cũng là một cách thể hiện lòng tự trọng của mình là thế.
Tất nhiên là lòng tự trọng luôn tồn tại trong xã hội nhưng cũng chính bởi tên gọi của nó là lòng tự trọng cho nên những người có hành động cư xử tự trọng rất hiếm khi nói ra điều đó. Và cộng đồng luôn biết đến họ như những tấm gương đáng học hỏi.
Dịp cách ly xã hội lần này có nhiều câu chuyện về lòng tự trọng hết sức cảm động. Có một câu chuyện do các bạn trẻ ở điểm phát hàng cứu trợ lưu truyền trên mạng xã hội mấy ngày hôm nay đã gây xúc động cho rất nhiều người. Câu chuyện nói về một chị đi thu mua đồng nát ghé vào điểm cứu trợ xin mua lại những bao bì các tông bỏ đi. Các bạn trẻ ân cần hỏi han chị về thu nhập hàng ngày và được biết dịp này cách ly mua bán khó quá. Khi biết chị còn chưa được ăn bữa trưa, họ đã không ngần ngại mời chị cùng ngồi ăn những suất cơm hộp họ chuẩn bị sẵn.
Thực ra đã có một người cố tình lánh đi để thừa ra một suất. Cơm nước xong, chị xin được mua lại số thùng các tông bỏ đi nhưng các bạn trẻ đã biếu chị không lấy tiền. Điều làm họ ngạc nhiên nhất là khi mời chị lấy một suất quà trên bàn chị đã một mực từ chối với lý do đơn giản, nhiều người còn khó khăn hơn chị. Câu chuyện cho ta thấy dù ở tầng lớp nào và hoàn cảnh nào lòng tự trọng cũng vẫn tồn tại và phát huy trong xã hội.
Thế nhưng, những dịp cách ly dịch bệnh khó khăn như thế này cũng làm cho nhiều người bộc lộ bản tính kém tự trọng của mình. Vài người không đến nỗi khó khăn lắm cũng chen chân vào những điểm phát hàng và gạo cứu trợ. Những người phát quà không khó để nhận ra có người xếp hàng vào lấy đến vài lần. Lại cũng phát hiện ra có người còn mang cả gia đình đi theo để nhận hàng cứu trợ. Đỉnh điểm là clip trên mạng ghi lại cảnh một phụ nữ dùng túi to đến bàn phát đồ từ thiện gom toàn bộ những thứ ở đấy mang về!
Và một biểu hiện không thể nói rằng kém lòng tự trọng mà phải nói là hình như nó chưa từng có ở vài người. Đó là hành vi chống đối ở các điểm kiểm soát phòng dịch. Nhẹ thì đập bàn quát tháo các chiến sĩ làm nhiệm vụ; nặng hơn còn tấn công cả lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát. Họ đã quá coi thường chỉ thị của Nhà nước. Họ không hề biết rằng những người thực thi nhiệm vụ ấy đã giúp đỡ chính họ và toàn xã hội. Những kẻ không tự trọng và vô ơn ấy cần có một chế tài thỏa đáng.