Hỗn loạn tại buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long: Tại sao không dừng?

Tin, ảnh: Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến việc TAND cấp cao tại Hà Nội tổ chức buổi xin lỗi công khai đối với người bị ngồi tù oan 11 năm Hàn Đức Long (Bắc Giang) xảy ra náo loạn, tại buổi họp báo Quý I/2017 do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 26/4, đại diện Bộ Tư pháp cho biết, Luật vẫn chưa quy định rõ ràng về vấn đề này.

Tại buổi họp báo, các phóng viên đặt câu hỏi cho lãnh đạo Bộ Tư pháp về vụ việc hỗn loạn xảy ra trong buổi xin lỗi công khai người tù oan Hàn Đức Long (Bắc Giang), nên chăng tính tới các biện pháp dừng buổi xin lỗi công khai? Tại sao các cơ quan chức năng không lường trước tình huống để ngăn chặn, giải quyết việc người nhà nạn nhân phản ứng dữ dội, gây ra hỗn loạn?

Ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) nêu quan điểm tại buổi họp báo sáng 26/4.

Trả lời câu hỏi này, ông Trần Việt Hưng - Phó Cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) cho hay, hiện nay, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rõ 3 nội dung chính về việc tổ chức xin lỗi công khai.

Trước hết, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có quyết định giải quyết bồi thường theo quy định của pháp luật, người yêu cầu bồi thường có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xin lỗi. Thứ hai, trong thời hạn 30 ngày kể từ nhận được yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền phải tổ chức xin lỗi. Thứ ba, có thể xin lỗi qua 2 hình thức là trực tiếp xin lỗi tại nơi cư trú người bị oan, hoặc đăng báo cải chính trên báo chí T.Ư và địa phương.

Về vụ hỗn loạn hy hữu xảy ra trong buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long, ông Trần Việt Hưng cho biết, hiện nay Luật hiện hành chỉ quy định tổ chức xin lỗi công khai, thực hiện nghiêm túc. Còn các việc tổ chức, nội dung, thời gian bao lâu, thành phần thế nào, trong luật quy định chưa rõ ràng, do đó, đã xảy ra việc các thành phần tham gia có hành vi gây rối trật tự.

“Trong buổi xin lỗi người tù oan Hàn Đức Long, tất cả các cơ quan tố tụng đều được bố trí đầy đủ, từ cơ quan điều tra, cơ quan truy tố, đến cơ quan xét xử, thể hiện sự cầu thị của các cơ quan. Khi cơ quan Nhà nước đã xác định người bị oan và tổ chức xin lỗi, còn trách nhiệm xác định, truy tìm thủ phạm do các cơ quan điều tra tiến hành, theo thời gian và quy trình cụ thể. Vì vậy, đối với hành vi gây rối của gia đình bị hại, quan điểm của tôi là nên tuyên truyền giáo dục để người nhà thực hiện theo đúng quy định của pháp luật" - ông Hưng nhấn mạnh.

Theo đại diện Bộ Tư pháp, dự thảo luật mới sẽ nghiên cứu quy định một cách cụ thể địa điểm, thành phần, nội dung, cũng như trách nhiệm của cơ quan xin lỗi trong tổ chức xin lỗi công khai, làm sao để có tính khả thi cao nhất, buổi xin lỗi đảm bảo an toàn.

Trước đó, chiều 25/4, TAND Cấp cao tại Hà Nội tổ chức xin lỗi công khai ông Hàn Đức Long. Tuy nhiên, sự cố bất ngờ đã xảy ra khi một nhóm người nhận là gia đình của nạn nhân Nguyễn Thị Yến (SN 2000) đã đến gây rối, phản đối buổi xin lỗi.

Dù xảy ra hỗn loạn, bị ném dép, chai lọ vào người, Phó Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội Trần Văn Tuân vẫn đứng tại bục để đọc lời xin lỗi công khai đối với ông Hàn Đức Long.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần