Hỗn loạn trước cổng trường

Trực Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội vốn đất chật người đông, mặc dù đã hết sức cố gắng nhưng các cơ sở giáo dục cũng không thể “cơi nới” để có chỗ cho học sinh gửi phương tiện đi lại. Vì vậy, càng khó có chốn cho xe của phụ huynh đưa đón con em hàng ngày.

 Ảnh minh họa
Ở thời buổi khó khăn về giao thông tĩnh nhưng phương tiện cá nhân lại phát triển nhanh chóng, nhiều hộ mua sắm được ô tô. Và cũng do phương tiện cá nhân phát triển với tốc độ phi mã, đường sá chật chội, tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa thì hiện nay, chẳng mấy người dám phó thác cho con cái với chiếc xe đạp hoặc xe máy điện tung tẩy trên đường. Vừa để đảm bảo an toàn tính mạng, vừa đảm bảo sức khỏe, nhiều phụ huynh lựa chọn cách đưa đón con bằng ô tô cá nhân.
Vào giờ đưa đón học sinh, gần như tất cả cổng trường học trên địa bàn TP đều rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Nguyễn Quốc Trị là con phố mới của quận Cầu Giấy, đường sá rộng rãi, vỉa hè vô cùng thông thoáng. Nhưng đấy chỉ là khoảnh khắc giữa buổi sáng và non giờ chiều. Sau 17 giờ, con phố này trở nên hỗn loạn bởi xe ô tô các loại lấn làn, tranh đường để đón học sinh trường Tiểu học và THCS Nam Trung Yên.
Ở phố Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) lúc vắng chỉ hai xe ô tô tránh nhau đã khiến cả phố ùn dài. Vào giờ đưa đón học sinh, trước cổng trường Tiểu học và THCS Nguyễn Trãi, ô tô, xe máy của các bậc phụ huynh xếp hàng kín đặc, ùn tắc giao thông đã trở thành chuyện cơm bữa.
Cách đây không lâu, tại cầu Mọc (phường Nhân Chính) đã xảy ra vụ một nạn nhân bị đột quỵ. Khi vụ việc xảy ra (dù đã đến đầu đường Láng), nhưng xe cấp cứu không thể nào tiếp cận được nạn nhân. Trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”, người đi đường đã phải chuyền tay “bế” nạn nhân đưa ra xe cấp cứu…
Đây chỉ là một vài ví dụ nhưng nó là “minh họa” rất sống động cho thực trạng giao thông ở các cổng trường trên địa bàn TP. Nói dại miệng, vào giờ cao điểm, nếu chẳng may khu vực tắc nghẽn này mà xảy ra hỏa hoạn thì phương tiện cứu hỏa chỉ còn phép “mọc cánh”, may ra mới tiếp cận được hiện trường. Không biết đến bao giờ, tình cảnh “tắc đường” - tắc nghẽn giao thông tại các cổng trường mới được chấm dứt!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần