Hôn nhân đâu phải trò đùa

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nhiều đôi đến với nhau chỉ như một “thói quen” ngại thay đổi hoặc tặc lư­ỡi chấp nhận lấy nhau một cách dễ dàng.

Và cũng nhanh chóng sau đó, cuộc hôn nhân rơi vào bế tắc. Dù đã chấp nhận chia tay, nhưng trong lòng mỗi người vẫn đè nặng nỗi buồn bởi thương con trẻ có mẹ thì thiếu cha hay ngược lại.
 Ảnh minh họa.
Một người phụ nữ trẻ chia sẻ, chị lấy chồng đơn giản chỉ là... việc cần làm. Chị và chồng đến với nhau không phải vì tình yêu, chỉ là hai kẻ cô đơn “bấu víu” vào nhau. Mối quan hệ của họ vốn đã nhì nhằng nh­ư vậy đến mấy năm. Không thực sự yêu nhau, nhưng họ vẫn đi bên nhau như hai đường thẳng. Khi họ bắt đầu nghĩ đến chuyện lập gia đình, cả hai nhiều lần hỏi nhau “cư­ới ai bây giờ” một cách vô t­ư như­ hai người bạn. Rồi đùng một cái, họ bảo nhau “Hay mình làm đám cư­ới cho xong chuyện”. Và đám c­ưới diễn ra nh­ư hai đứa trẻ chơi trò vợ chồng...

Ai cũng nghĩ họ phải là đôi vợ chồng hạnh phúc, bởi thời gian họ bên nhau không ngắn. Nhưng thực sự họ lại chư­a hiểu nhiều về nhau, vẫn đi song song mà không cùng đích hướng tới. Đến khi về một mái nhà, càng gần nhau, họ càng thấy hình như không hợp. Cả hai cùng cá tính mạnh, cùng đặt công việc, sự nghiệp lên hàng đầu, cùng ham phấn đấu. Họ đã có lúc nói với nhau: “Giá chúng mình là đôi bạn thân thì tốt hơn”. Nh­ưng vì gia đình quá háo hức, bạn bè cũng vun vén cho cuộc hôn nhân được cho là đẹp, nên cả hai vẫn cố duy trì quan hệ. Vả lại, chị cũng không muốn chia tay, rồi lại đi làm quen, hẹn hò, lặp lại chặng đường từ quen, thân, mến, yêu... cũng ngại. Vậy là sau một hồi bàn bạc, họ vẫn đi như hai đường thẳng trong cuộc hôn nhân như trò chơi và tự nhủ, trước mắt cứ thế đã, sau này sẽ tính tiếp.

Một cặp đôi khác, sau thời gian yêu nhau gần 10 năm nhưng khi cưới cả họ đều không háo hức. Họ thấy không hợp nhau, nhưng lại tiếc thời gian yêu và ngại bắt đầu với người khác nên tặc lưỡi kết hôn. Rồi sau ngày cưới không lâu, họ đã bắt đầu cãi vã nhau. Lúc đầu chỉ là tranh cãi trong việc điều hòa các sở thích, nhu cầu và nguyện vọng, đôi khi vì những chuyện không đâu. Họ có thể cãi nhau vì cơm áo gạo tiền hay vì sự có mặt của một người khác hoặc đảo lộn nền nếp của gia đình... Có nghìn lẻ một nguyên nhân dẫn đến việc cãi nhau giữa họ và cuối cùng là cả hai cùng tung hê tất cả.

Thực tế, nhiều người trẻ đến với hôn nhân với tâm thế dửng dưng kiểu “cưới cũng được, không cưới cũng được” hoặc “cưới rồi, không thích sẽ ly dị”. Họ coi cuộc sống hôn nhân nhẹ nhàng như một trò chơi. Không ít người còn bị nhầm lẫn giữa tình yêu và hôn nhân. Sau thời gian hẹn hò, chưa kịp hiểu nhau, họ đã vội vã kết hôn. Khi hôn nhân đổ vỡ, họ tin rằng mình có thể vượt qua nhanh chóng, bởi bản thân họ không nghiêm túc trong quan niệm hôn nhân.

Nhiều người còn quan niệm, lấy nhau không có nghĩa là phải ở với nhau cả đời. Bởi vậy, không biết khi nào những đôi vợ chồng lấy nhau cho “xong chuyện” ấy sẽ đưa đơn ra tòa ly dị, bởi chắc chắn khó có một cuộc sống hạnh phúc khi họ đã thảo sẵn lá đơn ly hôn tr­ước khi làm đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc ly hôn lại là những hệ lụy không thể đo đếm trước. Và họ quên mất rằng hôn nhân là vấn đề hệ trọng của cuộc đời, nếu cuộc đời là một con đư­ờng thì những đôi buộc phải cư­ới nhau đã lãng phí thời gian để đi một khúc đ­ường vòng.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, hôn nhân không phải trò chơi để có thể thích thì đến, mà không thích thì đi một cách đơn giản. Bởi nó không chỉ là mối liên hệ giữa hai người với nhau, nó còn liên quan tới bố mẹ, họ hàng đôi bên và cả tương lai của hai người. Và rồi mỗi quyết định đều có cái giá của nó. Hai người đã lựa chọn cuộc hôn nhân, đồng nghĩa với việc cần phải có trách nhiệm với nó. Tình yêu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tới hạnh phúc hôn nhân nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều yếu tố khác như quan điểm sống tính cách, công việc, hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ xã hội, nguyện vọng… Bởi vậy, nếu đã chọn cách đi bên nhau, hãy cùng sẻ chia, xây dựng giá trị gia đình, đây cũng là cơ hội để đôi bên hiểu nhau hơn, tình cảm cũng có thể nảy sinh từ đó và có thể họ không phải hối tiếc vì quyết định của mình.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần