Hôn nhân không chỉ là… “cưới cho xong”

Đan Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mỗi mùa cưới lại có hàng nghìn, hàng vạn đôi uyên ương xây hạnh phúc. Trong đó, có không ít cuộc hôn nhân được tạo dựng từ rất nhiều lý do rất lạ và bất hạnh cũng nảy sinh từ đó.

“Khi tiến đến cuộc hôn nhân này, mình chỉ nghĩ một điều rằng, mình phải là người chiến thắng, phải có được người mình muốn. Nhưng cái hả hê chiến thắng ấy cũng không giúp mình thấy vui sướng hơn” - một phụ nữ trẻ tâm sự sau hơn 3 năm bước vào cuộc hôn nhân mà dường như ai cũng sớm thấy một cái kết có lẽ không hạnh phúc bởi tình yêu chưa đủ chín. Ai đó đã nói rằng, tình yêu có thể sẽ đầy đặn hơn sau hôn nhân, nhưng cuộc hôn nhân không bắt đầu bằng sự hòa hợp như người phụ nữ ấy cũng thật đáng buồn.
 
Trong đám cưới khi đó, cô dâu sánh bước bên chồng với vẻ mặt tươi cười, đáp lại những lời chúc tụng của bạn bè, người thân. Nhưng những người quen biết lâu với họ đều biết rằng, trong lòng chồng chị vô cùng hối hận vì phải nên duyên cùng người mà anh không thật lòng yêu thương; còn chị, có lẽ khi đó chỉ là sự hả hê vì đã trói được anh, người mà chị cho rằng “không được lấy ai khác ngoài chị”. Nhiều người bảo rằng, không biết họ bước vào cuộc hôn nhân ấy để làm gì, rằng hạnh phúc được bao nhiêu trong cuộc hôn nhân với tương lai là một dấu chấm hỏi lớn này. Và đến nay, chính chị đã thấy câu trả lời không như mình mong muốn.

Hiện không ít cặp vợ chồng kết hôn vì những lý do lạ lùng, nào là vì tác động mạnh mẽ của lối sống, một phần do cái ngông “thích thế”, phần khác lại do bị ép buộc hay trách nhiệm... Rồi có không ít đám cưới diễn ra trong cảnh lỡ làng, yêu nhanh cưới gấp hoặc bắt buộc phải cưới để “giải quyết hậu quả”... Không ít người trước ngưỡng cửa hôn nhân cũng phải lựa chọn "nên lấy người mình yêu hay lấy người yêu mình?". Hoặc cũng có thể tình yêu bị xem là yếu tố thừa khi người kia có những điều kiện thuận lợi để đảm bảo cho mình một cuộc sống sung túc, giàu sang khiến họ nhắm mắt lựa chọn.

Với một cặp khác, nhiều người vẫn bảo, tốc độ từ yêu đến cưới của họ “nhanh hơn tên lửa”. Chỉ sau vài ba lần gặp gỡ và nhận lời yêu, chính thức trở thành “của nhau”, đám cưới cũng nhanh chóng diễn ra sau đó với cái thai trong bụng. Cái câu mọi người vẫn hay nói: "Cưới rồi, tình yêu sẽ lớn dần cùng trách nhiệm và nghĩa vụ với gia đình”, không phải ai cũng đủ bình tĩnh và tự tin để làm được. Nên đáng buồn là kết quả sau cùng cuộc hôn nhân ấy cũng kéo dài không hơn thời gian họ đến với nhau là bao, bởi cũng vì nhanh quá, chưa hiểu gì về nhau, nên họ cũng không có cơ hội tìm hiểu tiếp khi cuộc sống liên tục chỉ là những cuộc giận hờn, cãi vã.

Không ít cặp vợ chồng trẻ, tiến đến hôn nhân, nhưng vì cái tôi quá lớn nên không ai chịu chấp nhận cá tính của nhau, dẫn đến va chạm, mâu thuẫn, trở thành cái gai trong mắt nhau. Cũng bởi không tìm hiểu kỹ càng trước hôn nhân, nên họ không ý thức được vấn đề quan trọng nhất giữa quan hệ hai người là gì. Ngày qua ngày, họ đã để cho cái tôi của mình che lấp những giá trị tốt đẹp của người bạn đời và hạnh phúc khi đó khó mỉm cười.

Trước khi quyết định gắn bó cuộc đời với một ai đó, mỗi người hãy xem xét những cảm xúc của chính mình và suy nghĩ thật chín chắn, bởi hôn nhân không phải một cuộc dạo chơi mà là một cuộc sống thực sự. Đó là điều các chuyên gia tâm lý khuyên.

Hôn nhân không chỉ là một "hợp đồng" khi hai bên thỏa thuận được những điều kiện cần và đủ cho nhau mà chính sự hòa hợp về nhiều mặt của hai con người, hai trái tim. Trong hôn nhân không đơn giản là hai người sống dưới một mái nhà, mà họ có chung những thứ khác như tài sản, chăn gối, con cái, tương lai, những buồn vui của người này cũng là của người kia. Ở đó, mỗi người sẽ phải học cách biết chấp nhận, thỏa hiệp, chia sẻ, hiểu và tôn trọng người bạn đời để thích nghi và vượt qua nhiều cung bậc cảm xúc trong cuộc sống. Mục đích chân chính của hôn nhân là mang lại hạnh phúc cho con người, đó là trạng thái hân hoan, vui sướng, bình yên, tin cậy, bay bổng khi được sống với người mình yêu và yêu mình. Dù giàu sang, thành đạt đến đâu nhưng phải sống trong một cuộc hôn nhân chỉ là “cưới cho xong” thì đó vẫn là một cuộc sống nhạt nhẽo, buồn bã và ẩn chứa nhiều nguy cơ lẫn bi kịch.