Hồng Kông chứng minh: Giao thông công cộng không hề thua lỗ

Hương Thảo (Theo The Guardian)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một DN Hồng Kông đã đi ngược phần lớn mô hình đường sắt tại nhiều TP trên thế giới hiện chủ yếu duy trì dựa trên nguồn trợ cấp chính phủ

Trung tâm mua sắm, chung cư và 2 khách sạn năm sao đều được phát triển hoặc thuộc sở hữu và quản lý bởi MTR Corporation của Hồng Kông.

Theo báo cáo tháng này, 2,1 tỷ USD là lợi nhuận ròng năm 2018 của MTR Corporation. Không giống như hầu hết các đồng nghiệp trên thế giới, khi mà phần nhiều trong số đó đang thua lỗ và cần được chính phủ trợ cấp, mô hình đường sắt công cộng kết hợp bất động sản của công ty vận tải Hồng Kông đã cho phép DN này tự chủ về kinh tế một cách mạnh mẽ.
Tại khu trung tâm gần quảng trường TP, tòa nhà chọc trời cao 118 tầng với trung tâm mua sắm sang trọng, 6.300 căn hộ cùng 2 khách sạn năm sao được xây dựng phía trên nhà ga tàu điện ngầm, đều được phát triển hoặc thuộc quyền sở hữu và quản lý bởi MTR.
MTR đã chủ động kiếm lợi nhuận, cả từ phát triển bất động sản cũng như từ hoạt động đường sắt, khiến nó trở thành một trong những nhà khai thác tàu điện ngầm có lợi nhuận cao nhất trên thế giới.
Vào thời điểm mà dịch vụ đường sắt tại các TP trên toàn cầu gặp nhiều phàn nàn về sự trễ chuyến và tăng giá vé, MTR cho thấy tỷ lệ đúng giờ gần như hoàn hảo lên đến 99,9% trong khi vận chuyển trung bình 5,8 triệu hành khách/ngày. Giá vé được giữ tương đối thấp, khoảng 7,6 USD, mặc dù vẫn chi trả 170% chi phí vận hành của hệ thống.
Giao thông vận tải của London hiện chỉ đạt khoảng 6,3 tỷ USD lợi nhuận khi tiêu tốn gần 13,5 tỷ USD ngân sách, trong khi tàu điện ngầm TP New York chi 2,6 tỷ USD/năm chỉ để trả nợ. Vậy bài học dành cho những hệ thống đường sắt thua lỗ ở các TP từ thành quả của DN Hồng Kông là gì?
Karol Zemek - BTV của Metro Report International lưu ý rằng, điều đáng nhớ là tàu điện ngầm ở Hồng Kông có tuổi đời mới hơn nhiều so với hệ thống ở London và New York. Theo ông, rất nhiều vấn đề phát sinh, đặc biệt là ở New York vào lúc này, đến từ cơ sở hạ tầng già cỗi. Mạng lưới tại London và New York là một trong những điển hình lâu đời nhất tại các TP lớn trên thế giới.
Ga Tây Cửu Long của Hồng Kông kết nối với Trung Quốc đại lục. 
Mô hình của MTR được Hồng Kông khởi xướng, dưới dạng đấu thầu dành cho các nhà phát triển tư nhân để xây dựng các bất động sản thương mại và dân cư phía trên các nhà ga của mình, sau đó chia sẻ thu nhập từ việc thuê hoặc bán. Điều này cung cấp vốn cho hoạt động và bảo trì cũng như tài trợ cho các dự án mới. Ví dụ, doanh thu từ các phát triển dọc theo tuyến Tseung Kwan O của MTR, được mở vào năm 2002, đã tài trợ cho việc mở rộng tuyến đó để phục vụ một thị trấn mới đang phát triển với dân số 380.000 người.
Kể từ khi đường sắt đầu tiên của MTR cộng với sự phát triển của bất động sản vào năm 1980, mô hình này đã được mở rộng trên toàn TP. Tổng cộng, MTR quản lý 47 dự án phát triển trên 93 trạm của nó. Năm 2018, việc quản lý và cho thuê tài sản tại Hồng Kông đã tạo ra doanh thu gần 637 triệu USD.
Ngoài việc là một nguồn thu nhập thành công, mô hình này còn được đánh giá là đã cải thiện quá trình đô thị hóa của TP, trong việc tận dụng tốt đất đai và tối ưu về vấn đề xây dựng. Chẳng hạn, việc phát triển ga Tây Cửu Long mang lại ít nhất 6 ý nghĩa trong sử dụng đất, bao gồm: Đường sắt, một nút giao thông xe buýt, khu bán lẻ, khu dân cư, khách sạn và văn phòng. Điều này đặc biệt có giá trị giữa tình trạng mặt bằng có hạn tại các TP lớn hiện nay.
MTR hiện đang muốn xuất khẩu mô hình phát triển đô thị và đường sắt bền vững này ra toàn thế giới. Mỗi quốc gia sẽ có một chính sách đất đai khác nhau, vì vậy có thể không nhất thiết phải thực hiện đúng mô hình “đường sắt kèm bất động sản” giống như cách đã làm ở Hồng Kông, nhưng sẽ là một cách tiếp cận gần giống.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần