Hồng Vân - làng du lịch ven sông

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tận dụng lợi thế vùng nông nghiệp ven đô, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) đã đẩy mạnh khai thác dịch vụ du lịch trải nghiệm, coi đây là hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Ấn tượng những đường hoa
Trở lại xã Hồng Vân sau vài năm, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự thay đổi về cảnh quan môi trường nơi đây. Những con đường được đầu tư nâng cấp, bê tông hóa khang trang. Ấn tượng hơn cả là những tuyến đường hoa được địa phương và người dân chung tay xây dựng.
Bí thư Chi bộ thôn Xâm Xuyên Bùi Thị Thảo cho biết, từ năm 2015, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, 3 thôn trên địa bàn xã đã lấy ý kiến người dân và tổ chức trồng hoa trên các tuyến đường. Điểm đặc biệt là trên mỗi tuyến, người dân chỉ trồng duy nhất một loài hoa.
 Du khách tham quan một vườn hoa, cây cảnh tại xã Hồng Vân. Ảnh: Trọng Tùng
Sau khi những con đường nở hoa, chính quyền đã họp bàn với người dân, thống nhất đặt tên đường theo tên những loài hoa. Đó là lý do hiện nay, đi qua các tuyến đường trên địa bàn xã, du khách có thể dễ dàng bắt gặp đường Hoa Ban, đường Hoa Giấy, đường Cây Sanh, đường Lộc Vừng, đường Quả Mộc…
Cùng với những đường hoa, xã Hồng Vân tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo cảnh quan, không gian sáng, xanh, sạch, đẹp. Từ năm 2015 – 2019, xã đã huy động được gần 163 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới. Trong đó, riêng giao thông, thủy lợi chiếm trên 113 tỷ đồng.
Để tạo tiền đề cho phát triển du lịch, địa phương đã tổ chức phát động, thực hiện có hiệu quả hai phong trào “Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh – sạch – đẹp” và “Xây dựng người Hồng Vân thân thiện – mến khách”. Cùng với đó, nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng.
Đưa du lịch thành ngành mũi nhọn
Năm 2018, xã Hồng Vân được UBND TP Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Điều này đã trở thành tiền đề cho mục tiêu phát triển loại hình du lịch trải nghiệm gắn với xây dựng nông thôn mới ở xã Hồng Vân. Thời gian qua, xã đã kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hợp tác xã Hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân.
Theo đó, người dân, cũng là thành viên hợp tác xã tạo ra mối liên kết chặt chẽ, bổ trợ cùng phát triển, người trồng hoa, cây cảnh, người trồng rau an toàn, một số thành viên đầu tư dịch vụ xe điện để đưa đón khách...
Song song với tham quan trải nghiệm, du khách còn được mục sở thị quy trình sản xuất, thưởng thức đặc sản của địa phương, đặc biệt là trà chùm ngây. Đây là một trong số ít sản phẩm đầu tiên vừa được UBND TP Hà Nội đánh giá, xếp hạng 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Cùng với những trải nghiệm về đời sống nông thôn, du khách sẽ được ghé thăm những điểm đến di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn xã như: Lăng đá Quận Vân, Nhà bia Tiến sĩ Nguyễn Ý, đình Xâm Xuyên, nhà thờ Cơ giáo – Bằng Sở…
Mặc dù vậy, băn khoăn lớn nhất của người dân Hồng Vân là hiện nay, khách đến du lịch trải nghiệm tại địa phương thường chỉ ở trong ngày do chưa có dịch vụ lưu trú. Hơn nữa sản phẩm du lịch vẫn kém đa dạng, kinh nghiệm phát triển làng nghề gắn với du lịch của người dân còn hạn chế…
Chủ tịch UBND xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, định hướng năm 2020, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển du lịch trải nghiệm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân; phấn đấu xây dựng xã Hồng Vân thành “Điểm đến du lịch – sinh thái – làng nghề”.
Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, người dân nơi đây mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về vốn vay ưu đãi để đầu tư mở rộng các mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái cũng như quảng bá, tập huấn kiến thức làm du lịch.

Năm 2019, số lượng du khách thăm quan, du lịch, trải nghiệm tại xã Hồng Vân ước tính gần 70.000 lượt người. Doanh thu của địa phương đạt 10 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần