Hợp lực chống hàng giả

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc Khai Silk, Mumuso chưa lắng, mới đây người tiêu dùng lại tiếp tục hoang mang, bức xúc khi hệ thống siêu thị Con Cưng, một trong những hệ thống siêu thị bán quần áo, phụ kiện trẻ em có mạng lưới lớn nhất tại Việt Nam bị cáo buộc gian lận nhãn mác, xuất xứ.

 1 cửa hàng trong hệ thống siêu thị Con Cưng. Ảnh: T.Anh.
Đáng chú ý, gần một tuần sau khi có quyết định kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuộc hệ thống Con Cưng của Công ty CP Con Cưng (TP Hồ Chí Minh), cơ quan quản lý thị trường (QLTT) vẫn chưa có kết luận chính thức. Vụ việc này một lần nữa cho thấy sự chậm trễ của lực lượng QLTT trong công tác quản lý.

Có thể bắt gặp rất nhiều sản phẩm gắn nhãn mác nổi tiếng như Omega, Orient, Gucci, LV, Dior, Prada, Versace, Guess, Channel tràn lan từ nội thành đến ngoại ô, từ các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ cho đến cửa hàng online. Giá bán ở đây rất bèo, cả người mua và người bán đều biết rõ là "hàng fake", khách ưng thì mua. Còn những DN như Con Cưng, Khai Silk, Mumuso... họ cố tình gian lận hàng "nhái" và bán giá "cắt cổ" theo kiểu hàng chính hiệu, làm như vậy là lừa dối khách hàng.

Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội, hoạt động này ngày càng phong phú cả về chủng loại, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi ở nhiều lĩnh vực… từ lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thuốc, mỹ phẩm đến rượu, bia... Hệ lụy tiêu cực cho xã hội là không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính.

Ở một số nước như Mỹ, Đức, Ý… hàng giả khó có đất sống là bởi rủi ro khi làm giả quá cao, mức tiền bị phạt do vi phạm pháp luật quá lớn. Khi bán hàng giả, người bán có thể bị tịch thu tài sản, bị vào tù. Người tiêu dùng nếu mua phải hàng giả có thể khiếu nại, khởi kiện, người bán hàng nhẹ thì sẽ phải bồi thường tiền, nặng thì có thể bị phạt tù. Đặc biệt là với những loại hàng hóa như thực phẩm hay dược phẩm.

Câu hỏi đặt ra là ở ta, còn bao nhiêu cửa hàng "treo đầu dê bán thịt chó" lừa dối người tiêu dùng, qua mặt cơ quan chức năng đang hoạt động trên thị trường chưa bị phát hiện, xử lý? Điều đáng nói là, như trường hợp của Khai Silk, chính người tiêu dùng phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm của DN chứ không phải cơ quan quản lý Nhà nước. Rồi ngay cả khi vi phạm bị phát biện, đưa ra ánh sáng thì cũng chỉ một thời gian sau đó là... “đâu lại vào đấy”.

Chưa bao giờ công tác chống hàng giả, hàng nhái lại nhức nhối như hiện nay, gây ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của thị trường Việt Nam, làm xấu đi môi trường đầu tư kinh doanh. Có rất nhiều luật ban hành liên quan, dù vậy “quy định đã có nhưng khó thực thi”. Không ít chuyên gia thẳng thắn cho rằng, những giải pháp hiện nay mới chỉ cắt được phần ngọn, chưa loại trừ tận gốc rễ, bởi còn nhiều bất cập trong cơ chế quản lý.
Tình trạng trên "nóng", dưới "lạnh" hoặc "bất động" không làm gì, có tình trạng bảo kê của một bộ phận lực lượng chức năng biến chất vẫn xảy ra. Vì vậy, rất cần triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, tăng cường kiểm tra thị trường và phải xử lý thật nghiêm các vi phạm. Vẫn biết chống hàng giả, hàng nhái cần huy động toàn xã hội tham gia, cần cả người tiêu dùng (không mua tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái) và DN vào cuộc, nhưng quan trọng hơn cả là vai trò của người đứng đầu các cơ quan quản lý trong công tác chống hàng giả. Họ phải là những người tâm huyết, liêm chính, những cán bộ biến chất phải bị điều chuyển, thậm chí cách chức thì mới mong công tác chống hàng giả đi vào thực chất.