Huawei và DMZ - những "ngẫu hứng" của ông Trump

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua chứng kiến loạt quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ, nhưng là minh chứng cho sự khó đoán đã thành "thương hiệu" của ông Trump.

Từ tuyên bố tại Osaka...
Thị trường chứng khoán châu Á đã tăng mạnh vào sáng nay (1/7) sau khi 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới giữa Mỹ và Trung Quốc tuyên bố đình chiến thương mại giữa 2 bên. Và lĩnh vực tỏ ra "náo nhiệt" nhất hẳn nhiên là cổ phiếu công nghệ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhà đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình cho đối thoại bên lề G20 hôm 29/6. 
Sau cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Tổng thống Donald Trump hôm 29/6 đã bất ngờ tuyên bố cho phép các tập đoàn của Mỹ tiếp tục giao thương với nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc, Huawei. Chỉ số Infotech của châu Á - Thái Bình Dương tăng vọt tới 1,7%, trong khi điểm chuẩn khu vực tăng 0,6%.
Cổ phiếu của các nhà sản xuất chip - những người đóng góp lớn nhất cho chỉ số MSCI của khu vực - đã bị lôi kéo vào cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung trong hơn 1 năm qua, đặc biệt là kể từ khi chính quyền Trump hành động nhằm chặn đứng nguồn cung cho Huawei hồi tháng 5 vì lý do an ninh.
Nhà Trắng hiện vẫn chưa tiết lộ chi tiết về thỏa thuận cụ thể giữa 2 nhà lãnh đạo Trump - Tập, tuy nhiên động thái bất ngờ của Tổng thống đương nhiệm Mỹ đã vấp phải loạt chỉ trích gay gắt ở quê nhà - nơi nhiều thành viên Quốc hội đồng ý với đánh giá của chính quyền rằng Huawei là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và không muốn công ty bị coi là một "con bài mặc cả" thương mại.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 16/5 đã liệt Huawei vào danh sách đen sẽ cắt đứt với các hãng cung cấp Mỹ, sau những gì mà Washington đã cáo buộc rằng DN này là gián điệp công nghệ do mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Trung Quốc. Chính quyền Trump trước đó đã liên tục vận động các đồng minh của Mỹ cấm cửa Huawei khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông 5G thế hệ tiếp theo.
...đến bước chân nơi biên giới Hàn - Triều
Trong nhiều thập kỷ, các Tổng thống Mỹ đương nhiệm đều thực hiện hoạt động thăm Khu phi quân sự phân chia Bán đảo Triều Tiên (DMZ) theo cùng 1 mô-típ: Ngắm nghía Bắc Triều Tiên bằng ống nhòm bố trí ở biên phòng Nam Hàn Quốc và rồi đưa ra các cảnh báo với Bình Nhưỡng về những hành động khiêu khích sẽ không được đền đáp.
Lãnh đạo Trump - Kim cùng bước qua ranh giới trong khu phi quân sự Nam - Bắc Triều hôm 30/6. 
Tuy nhiên, ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng Donald Trump đã phá vỡ tiền lệ đó hôm 30/6 khi trực tiếp gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sau một lời mời gấp rút trên Twitter. Ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên tới Bắc Triều, sau khi đi bộ vài chục mét qua đường phân định ranh giới trong DMZ.
Kết quả lớn nhất từ ​​"thượng đỉnh DMZ" đầy ngẫu hứng dường như đơn giản là một thỏa thuận để bắt đầu lại các cuộc đàm phán Mỹ - Triều có phần bế tắc sau Hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần 2 tại Hà Nội hồi đầu năm nay, thay vì tiến bộ cụ thể nào về vấn đề phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng hay những giảm thiểu trừng phạt từ Washington.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cuộc gặp bất ngờ tại DMZ mang giá trị về mặt truyền thông hơn là hoạt động ngoại giao nghiêm túc.
Tổng thống Mỹ cũng được nhận định là đã có các ý đồ với chính trị trong nước trong vấn đề này, khi cuộc họp khó tin với Chủ tịch Kim hôm Chủ nhật đã thu hút mọi sự chú ý về phía ông Trump khỏi cuộc tranh luận vòng đầu tiên của các ứng viên đảng Dân chủ - sẽ bao gồm đối thủ tranh cử chính với ông Trump cho cuộc chạy đua Tổng thống Mỹ 2020 đang ngày một nóng lên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần