Hướng đến các mô hình kinh tế hiệu quả

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến nay, phong trào dồn điền đổi thửa (DĐĐT) ở huyện Chương Mỹ đã góp phần tạo điều kiện cho việc hình thành các khu sản xuất, chăn nuôi tập trung, nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy còn một số khó khăn, nhưng huyện đặt ra kế hoạch sẽ hoàn thành cơ bản việc DĐĐT đối với những diện tích đất sản xuất nông nghiệp ổn định trong năm 2012 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2013, với diện tích gần 10.000ha.
 
Đồng tình, phấn khởi

Anh Lại Xuân Hiệu ở thôn Thượng, xã Hồng Phong có 1,4 mẫu ruộng (tương đương 0,5ha), nhưng sau đợt DĐĐT lần 1 của xã năm 1998, gia đình anh vẫn còn 4 thửa. Anh cho biết: "Chúng tôi mong đợt dồn ruộng lần này sẽ gọn thửa, gọn vùng hơn nữa".
 
Toàn xã Hồng Phong có 1.177 hộ, hầu hết người dân đều mong chờ và tin tưởng vào chủ trương dồn ruộng sẽ mang đến một bộ mặt mới cho đồng ruộng, tạo tiền đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Ông Vũ Lập, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Thực hiện chủ trương DĐĐT của huyện và TP, những ngày vừa qua, xã đã huy động hàng chục cán bộ thường xuyên có mặt trên các cánh đồng thôn Thượng, thôn Yên Cốc để tiến hành đo đạc diện tích ruộng, đường giao thông nội đồng… "Chúng tôi đang thực hiện bước 5 của kế hoạch DĐĐT. Dự kiến đến cuối tháng 12 sẽ bàn giao ruộng đến từng hộ gia đình trên diện tích 231ha, bình quân mỗi hộ sau dồn ruộng còn khoảng 1 đến 2 thửa"- ông Lập cho biết.

Hướng đến các mô hình kinh tế hiệu quả - Ảnh 1
Ứng dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa tại xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ.

Xã điển hình thành công trong dồn ruộng của huyện là Nam Phương Tiến. Mặc dù là vùng đồi gò nhưng xã đã hoàn thành việc dồn ruộng ở 8/9 thôn từ thời kỳ 1997 - 1998 và 2006 - 2011. Những kinh nghiệm bước đầu tại Nam Phương Tiến được UBND huyện tổ chức hội nghị đầu bờ để phổ biến tới toàn bộ các xã, thị trấn cùng thực hiện. Hiện xã Nam Phương Tiến đã hoàn thành DĐĐT 418,7ha, bình quân còn từ 1 đến 2 thửa/hộ, riêng thôn Núi Bé do địa hình bậc thang nên xã đã quy hoạch trồng cây ăn quả. Sau dồn ruộng, người dân xã Nam Phương Tiến đã chuyển đổi mạnh sang các mô hình kinh tế hiệu quả như 161 mô hình lúa, cá, vịt với diện tích 60ha; xây dựng 14 trang trại với diện tích gần 4ha; 50 mô hình nuôi trồng thủy sản; 77 trại bưởi diễn với diện tích hơn 40ha…

Quyết tâm hoàn thành

Thực tế, trong thời kỳ những năm 1997 - 2006, huyện Chương Mỹ đã tiến hành DĐĐT, từ 14 - 15 thửa/hộ xuống còn 4 - 5 thửa/hộ, một số nơi 5 - 7 thửa trên diện tích hơn 10.000ha. Năm 2006, Huyện ủy tiếp tục ban hành Nghị quyết DĐĐT để thu hẹp số thửa cho hộ nông dân, nhưng qua 6 năm thực hiện chỉ dồn được 1.611,9ha (mỗi hộ còn 1 - 2 thửa), đạt 12,3% diện tích.

Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Trần Vũ Lâm, thực hiện Nghị quyết số 19 của Huyện ủy về DĐĐT, Ban Chỉ đạo huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu hoàn thành cơ bản diện tích đất nông nghiệp DĐĐT trong năm 2012 và hoàn thành toàn bộ trong năm 2013 với diện tích khoảng gần 10.000ha, bình quân mỗi hộ còn 1 - 2 thửa. Huyện đã tạm ứng kinh phí 3 tỷ đồng hỗ trợ các xã, thị trấn tổ chức lấy ý kiến nhân dân, lập đề án, rà soát, đo đạc thực địa. Hiện toàn bộ 32 xã, thị trấn đang tận dụng điều kiện thuận lợi người dân vừa thu hoạch xong lúa mùa để triển khai các bước dồn ruộng. Hầu hết các xã đang tiến hành họp dân, đo đạc ngoài thực địa và lập dự toán các công trình giao thông, thủy lợi. Trong quá trình triển khai, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung khắc phục một số khó khăn như nguồn gốc đất; quyền lợi của một số hộ đi xây dựng kinh tế mới quay về địa phương năm 1993; quyền lợi của người sinh con thứ 3; diện tích đất đã quy hoạch nhưng chưa thu hồi…

 Ban chỉ đạo huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn DĐĐT thực hiện trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, giữ vững ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương; chuyển đổi phải gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, từng bước cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống tưới, tiêu, giao thông, thủy lợi nội đồng, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần