"Hướng tới Bộ quy tắc ứng xử COC hiệu quả, ngăn ngừa các vụ việc phức tạp trên Biển Đông"

Tú Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là thông tin mới nhất về tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc.

Ngày 17/10, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã thông tin thêm về Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) diễn ra tại Đà Lạt vào ngày 15/10 vừa qua.

Theo bà Lê Thị Thu Hằng, đây là hội nghị giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm kiểm điểm tình hình Biển Đông, việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) cũng như xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

 Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng.

Tại Hội nghị, các nước ASEAN nhấn mạnh nguyên tắc tự kiềm chế, không quân sự hóa, không có các hành động làm phức tình hình, gia tăng căng thẳng, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS). Về thực hiện DOC, các bên nhất trí cần nỗ lực thực hiện đầy đủ, đảm bảo thực hiện hiệu quả DOC, ưu tiên các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác để xử lý thách thức chung như bảo vệ môi trường biển, đối xử nhân đạo với ngư dân.

“Về đàm phán COC, các nước nhất trí duy trì đà tiến triển đã đạt được, khẳng định cần gia tăng nỗ lực xây dựng bộ quy tắc hiệu quả thực chất, có thể ngăn ngừa xảy ra những vụ việc phức tạp như hiện nay, nhất trí cần chuẩn bị kỹ cho những vòng đàm phán tiếp theo nhằm đạt được những kết quả thực chất, đồng thời trao đổi những cách làm mới áp dụng cho những vòng đàm phán tiếp theo”, bà Hằng cho biết.  

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 18 vừa qua. 

Phát biểu tại hội nghị, đoàn Việt Nam đã nêu rõ những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đặc biệt là việc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đang bị vi phạm nghiêm trọng, nêu bật lập trường, quan điểm của Việt Nam dựa trên các quy định của luật pháp quốc tế và Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Từ đầu tháng 7, Trung Quốc đã triển khai nhóm tàu thăm dò Địa chất Hải dương 8 (HD-8) tới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại Nam Biển Đông và hiện tiếp tục mở rộng hoạt động. Hành động này vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần