Hướng tới chấm dứt bệnh lao: Đổi mới tư duy, tối ưu phương tiện

Bài, ảnh: Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với những giải pháp đã và đang triển khai, Việt Nam bắt đầu bước vào con đường chấm dứt bệnh lao, là một trong những quốc gia đi đầu, mở đường trong công tác phòng, chống lao ở cộng đồng.

Ðể đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, công tác phòng, chống lao ở Việt Nam cần bảo đảm tính bền vững, nguồn thuốc điều trị, đặc biệt là sự vào cuộc và hưởng ứng của cộng đồng.
Tỷ lệ khỏi bệnh lao duy trì ở mức cao
Theo thống kê, hàng năm, hệ thống y tế Việt Nam phát hiện, đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao mới, đạt tỷ lệ 57%; còn 43% số người mắc mới chưa được phát hiện trong cộng đồng. Với chương trình chống lao hiện nay, năm 2015, Việt Nam là một trong 9 nước trên thế giới đạt mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở cả 3 chỉ số là đang mắc, mới mắc và tử vong do lao.
 Bác sĩ Bệnh viện Phổi Hà Nội điều trị cho bệnh nhân.
So với con số 56% trên toàn cầu, tỷ lệ khỏi bệnh lao tại Việt Nam duy trì ở mức cao, trên 90% đối với bệnh nhân mắc lần đầu, 75% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Chương trình triển khai chiến lược “2X” (Xquang - Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay.
Năm 2018, theo báo cáo của WHO, Việt Nam có thêm 174.000 người mắc lao, khoảng 11.000 người chết do lao và khoảng 2.200 người HIV tử vong do lao.  Đến nay, cả nước có 51 bệnh  viện chuyên khoa, trong đó 48 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có thể nhanh chóng áp dụng tốt các kỹ thuật can thiệp mới được WHO khuyến cáo.
Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao sẽ được điều trị miễn phí thuốc chống lao đối với tất cả các thể. Nhờ vậy, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân được phát hiện, điều trị thuộc Chương trình chống lao quốc gia năm 2018 là khoảng 2%; các trường hợp tử vong do không được phát hiện và điều trị kịp thời là khoảng 9%.
Theo Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội Phạm Hữu Thường, chương trình chống lao của Việt Nam được thế giới đánh giá là mô hình bước vào con đường chấm dứt bệnh lao. Tuy dịch tễ bệnh lao có chuyển biến tốt nhưng mức độ giảm còn chậm, đạt trung bình 3,8%/năm, trong khi yêu cầu đặt ra cho giai đoạn 2017 - 2025 là 9%/năm, giai đoạn 2025 - 2030 là 15%/năm. Các vấn đề như bảo đảm tính bền vững, nguồn thuốc điều trị, sự vào cuộc và hưởng ứng của cộng đồng là một trong những thách thức của chương trình chống lao quốc gia hiện nay.
Phát hiện sớm, điều trị kịp thời
Trong khi, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, hiện nay, Việt Nam vẫn có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao. Tốc độ giảm tỷ lệ hiện mắc và mới mắc bệnh lao vẫn rất chậm so với yêu cầu đặt ra để loại trừ bệnh lao. T
heo các chuyên gia, mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 đặt ra đầy tham vọng nhưng Việt Nam có thể đạt được nếu thực hiện bền vững các giải pháp đổi mới và đột phá. Trong đó, đổi mới tư duy với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị có gắn trách nhiệm cụ thể cho mỗi ngành cùng sự tham gia chủ động tích cực của cả cộng đồng.
Cùng với đó, đổi mới công nghệ chẩn đoán, điều trị, phương pháp tiếp cận để phát hiện tối đa các trường hợp nghi lao trong cộng đồng, điều trị sớm cho họ. Đổi mới về nguyên tắc và chiến lược đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực trong nước và quốc tế, tăng đầu tư từ Chính phủ cho công tác phòng chống lao. Đồng thời áp dụng các giải pháp sáng tạo để huy động nguồn lực từ cả cộng đồng và khối tư nhân.
Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh, sự đổi mới trong tư duy cùng những giải pháp đột phá là quan điểm đóng vai trò then chốt quyết định sự thành công của Chương trình Hành động quốc gia chấm dứt bệnh lao đến năm 2030.
Để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao, Chương trình Hành động quốc gia đặt ra mục tiêu, giảm 20% tỷ lệ người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng vào năm 2020 so với năm 2017 và giảm 40% số người chết do bệnh lao vào năm 2020 so với năm 2015. Khống chế số người mắc bệnh lao kháng đa thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Ở giai đoạn này, Việt Nam cần nhanh chóng thúc đẩy việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống lao (CLQGPCL) tại 17 tỉnh/TP chưa được phê duyệt.
Chính phủ kêu gọi toàn dân tham gia phòng chống lao, tuyên truyền về CLQGPCL, mục tiêu loại trừ bệnh lao đến năm 2030 và khung trách nhiệm đa ngành, từ đó thúc đẩy xã hội hóa công tác phòng chống bệnh lao. Triển khai Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB). Triển khai đổi mới công nghệ - chiến lược “2X” (Xquang-Xpert) để sàng lọc và phát hiện bệnh lao cho tất cả những người nghi lao. Song song với đó, triển khai E-health và Trí tuệ nhân tạo AI…
Việt Nam đặt mục tiêu giảm 70% tỷ lệ người mới mắc bệnh lao trong cộng đồng vào năm 2025 so với năm 2017 và giảm 75% số người chết do bệnh lao vào năm 2025 so với năm 2015. Giải pháp hiệu quả là tối ưu hóa các phương tiện hiện có và mở rộng độ bao phủ của chăm sóc y tế toàn diện. Tăng độ bao phủ trong phát hiện lao sớm và điều trị có hiệu quả bệnh lao…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần