Hướng tới mục tiêu nâng chất lượng cuộc sống

Vũ Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không nằm ngoài xu hướng chung, Hà Nội đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng thành phố thông minh (Smart City) với lộ trình cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng sống của người dân, phát triển Thủ đô bền vững.

Chủ động tiên phong
Trong những năm gần đây, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng lên chóng mặt. Kéo theo đó, TP phải giải quyết nhiều thách thức trong nhiều lĩnh vực như quy hoạch, xây dựng, giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường...
Do vậy, nhu cầu xây dựng một TP thông minh đảm bảo các yếu tố bền vững, mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là một yêu cầu cấp thiết.
Hà Nội là một trong những TP tiên phong thực hiện Đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững tại Việt Nam" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, HÐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết về điều chỉnh "Chương trình mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan Nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020", chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Với mức kinh phí thực hiện được điều chỉnh từ 1.252 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng, đây là nền tảng quan trọng để Hà Nội xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Trung tâm điều khiển giao thông Hà Nội. Ảnh: Chiến Công
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, tiến trình xây dựng thành phố thông minh của TP gồm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến năm 2020) hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh. Giai đoạn 2 (từ năm 2021 - 2025) hoàn thành cơ bản các hệ thống thông minh, thu hút người dân tham gia quản lý xã hội và hình thành nền kinh tế số. Giai đoạn 3 (từ sau năm 2025) sẽ phát triển thành phố thông minh ở mức độ cao với đặc trưng của nền kinh tế tri thức.
Hiện nay, Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng nền tảng cơ sở hạ tầng của TP thông minh, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên phát triển các thành tố thông minh trong lĩnh vực giao thông, du lịch, y tế, môi trường, năng lượng, bảo đảm an ninh trật tự… Trên thực tế, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thí điểm một số ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực giao thông và nông nghiệp như triển khai ứng dụng tìm kiếm và thanh toán trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động - IParking; thí điểm xử lý vi phạm thông qua hệ thống giám sát bằng camera ở Bến xe Giáp Bát (xử phạt nguội); thí điểm lắp đặt thiết bị hệ thống vé điện tử thông minh trên tuyến BRT; ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc bằng các thiết bị di động thông minh tại các cửa hàng kinh doanh trái cây...
TP cũng đang triển khai các thủ tục thực hiện hoàn thiện kế hoạch thuê dịch vụ CNTT đối với Trung tâm Điều hành thông minh TP Hà Nội, hệ thống giao thông thông minh và du lịch thông minh theo quy định. Xây dựng chiến lược, lộ trình xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và “Kiến trúc ICT thành phố thông minh của Hà Nội”.
Đặc biệt, ngày 6/10/2019, tại huyện Đông Anh, Dự án thành phố thông minh đầu tiên của Hà Nội, lớn nhất cả nước và có tầm cỡ Đông Nam Á, do liên doanh giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo của Nhật Bản đầu tư đã được động thổ. Dự án kỳ vọng sẽ tạo nên một biểu tượng sức sống mới, mang đến các tiêu chuẩn sống hiện đại và đẳng cấp, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Thủ đô Hà Nội mà cho Việt Nam trong tương lai.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “Với việc triển khai Dự án thành phố thông minh, Hà Nội sẽ có điều kiện tiếp nhận các kinh nghiệm trong phát triển đô thị thông minh, bền vững cũng như công nghệ kỹ thuật xây dựng quản lý đô thị hiện đại, ứng dụng các công nghệ mới trong vận hành, quản lý đồng bộ các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… nhằm mang đến cho người dân cuộc sống thuận lợi hơn”.
Đảm bảo tính chiến lược, bền vững
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và năng động, đời sống người dân Hà Nội hiện đã được cải thiện, trình độ tri thức nâng cao, được tiếp cận với hệ thống công nghệ thông tin tiên tiến, hiện đại… Tuy nhiên, kèm theo đó những khó khăn, hạn chế vẫn đang hiện hữu như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, hạn chế năng lực quản lý... Chính vì thế, theo các chuyên gia kiến trúc đô thị, để xây dựng một đô thị thông minh, công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Cần xây dựng thể chế và phương pháp quản lý trong quy hoạch đô thị nhằm đảm bảo tính chiến lược, bền vững.
KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, để xây dựng đô thị thông minh, các giải pháp công nghệ là quan trọng nhưng đó chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Để một thành phố thông minh phát triển bền vững cần có quy hoạch đô thị thông minh, quản trị tài sản đô thị thông minh. Đó là việc duy trì, khôi phục và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, cấu trúc cảnh quan đặc trưng.
Sử dụng quỹ đất công một cách hiệu quả trong việc xây dựng hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội nhằm đem lại phúc lợi xã hội cho người dân một cách tối đa. Trong quy hoạch và phát triển đô thị mới cần chú trọng đến việc kết nối về hạ tầng, cảnh quan với các đô thị hiện hữu xung quanh. Hay như trong lĩnh vực giao thông cần dành tối đa nguồn lực phát triển giao thông công cộng…
Các chuyên gia cho rằng, để xây dựng không gian đô thị thông minh, trong quy hoạch xây dựng đô thị cần phải dựa trên hệ thống thiết bị thông minh để cung cấp các dịch vụ thông minh. Nhờ các dịch vụ thông minh, người dân sống trong đó sẽ được bảo vệ an toàn và nâng cao chỉ số hài lòng về cuộc sống.
Tuy nhiên, nhà quản lý cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trong việc lựa chọn công nghệ và đầu tư vào các thiết bị thông minh theo từng giai đoạn nhằm hiệu quả chi phí quy hoạch xây dựng đô thị mà vẫn đảm bảo đô thị phát triển bền vững.

"Một thành phố thông minh phải có đủ khả năng vượt qua những thách thức khó khăn để phát triển thịnh vượng hơn, người dân sống ở đó được hạnh phúc hơn, an toàn hơn. Hà Nội đang là một TP hội đủ các yếu tố để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên, đây là quá trình lâu dài và đầy thách thức cần phải có sự phối hợp đồng bộ giữa người dân, DN, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội" - Ủy viên Hội Kiến trúc sư Hà Nội, KTS Trần Huy Ánh