Hướng tới nền kinh tế không tiền mặt: Đòi hỏi quyết tâm cao

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán, giao dịch phổ biến trên thế giới và đang dần dần triển khai rộng rãi tại Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2020 tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán thấp hơn 10% hoàn toàn có thể đạt được.

 Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến. Ảnh: Phạm Hùng
Bùng nổ các loại hình thanh toán
Báo cáo của NHNN cho thấy, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán có xu hướng giảm từ 19,02% của năm 2005 xuống 14,02% năm 2010 và còn 11,45% vào tháng 8/2017. Thông tin tại Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng 2018 mới đây, đại diện NHNN cho biết: Trong năm 2017, giá trị giao dịch thanh toán qua hệ thống ATM/POS tăng 34% so với năm 2016, tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm hơn một nửa...

Công ty công nghệ thanh toán toàn cầu Visa vừa công bố kết quả nghiên cứu cho thấy, cứ 10 người Việt được hỏi thì có 6 người sẵn sàng không dùng tiền mặt trong 3 ngày. Đây là tỷ lệ cao nhất so với các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á.

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong thời gian gần đây, rất nhiều ngân hàng tích cực triển khai các dịch vụ này. Cùng với sự gia tăng về số lượng thẻ và đầu tư cơ sở hạ tầng thanh toán, hiện nay, các ngân hàng đã cung cấp khá tốt các tiện ích cơ bản như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn dịch vụ điện, nước, internet, điện thoại, truyền hình cáp, mua vé máy bay, mua hàng trực tuyến, đóng phí bảo hiểm…

Bên cạnh thanh toán qua thẻ, thanh toán qua điện thoại di động có nhiều lợi thế do mạng lưới điện thoại di động có độ bao phủ lớn, hạ tầng viễn thông sẵn có và số lượng người sử dụng điện thoại di động rất lớn. Mới đây nhất, một loạt các ngân hàng đã chính thức cho ra mắt tính năng thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng Mobile Banking (QR Pay).

Trong thanh toán điện tử thì ví điện tử cũng là một công cụ thanh toán hữu hiệu. Đến nay, NHNN đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử được cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam như Momo, Ví Việt, WePay Moca có 8 đối tác ngân hàng, với khoảng 4.000 điểm chấp nhận thanh toán. Zalo Pay huộc sở hữu của Công ty TNHH Zion thuộc Tập đoàn VNG Payoo VnMart, 1Pay, Bảo Kim, Vimo, Mobivi, eDong, Ví FPT, eMonkey, Pay365, TopPay… Các NHTM cũng đang tăng cường hợp tác với các công ty cung cấp công nghệ ví điện tử để tiếp tục các dịch vụ và gia tăng giá trị.

Xu thế tất yếu

Những lợi ích không thể phủ nhận của nền kinh tế không tiền mặt đang ngày một hiện rõ. Ngân hàng giảm chi phí huy động vốn, Nhà nước cũng điều tiết và kiểm soát tốt hơn lượng tiền đưa vào lưu thông, DN kiểm soát tốt dòng tiền. Đặc biệt, người tiêu dùng không chỉ cảm nhận sự nhanh, thuận tiện của quẹt thẻ hay dùng smartphone trả tiền mà còn là sự bảo mật và an toàn.

Để đạt mục tiêu thanh toán không tiền mặt, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, hạ tầng thanh toán được đầu tư nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi. Mặt khác, công tác bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật các hệ thống thanh toán cần được chú trọng.

Chính phủ đã hậu thuẫn bằng các chính sách, đó là quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số. Các địa phương cũng xem đây là bước đi tất yếu trong quá trình phát triển và nâng tầm cạnh tranh quốc gia và đi đầu trong nền kinh tế số là Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh… Đơn cử, nếu hầu hết giao dịch đều dùng thanh toán điện tử thì Hà Nội có thể thu thêm 600 triệu USD mỗi năm nhờ tiết kiệm nhiều chi phí. Cùng với đó, số lượng việc làm có thể gia tăng 3,5%, GDP của TP dự kiến tăng 36,4 điểm cơ bản.

Cùng với phát triển cơ sở hạ tầng, Chính phủ cũng tập trung vào độ bảo mật và an toàn của các giải pháp để bảo vệ người tiêu dùng. NHNN cũng đẩy mạnh kiểm tra mức độ tuân thủ các văn bản pháp luật về thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; hoàn thiện khung an toàn và bảo mật hệ thống thanh toán, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán.

Với những thay đổi về quy định hỗ trợ, việc triển khai các công nghệ mới, tăng sự thâm nhập của ngân hàng, sự gia nhập của các công ty fintech và sự gia tăng độ phủ sóng internet, mục tiêu đạt được 90% xã hội không dùng tiền mặt vào năm 2020 tuy khó nhưng có thể đạt được.
Hiện tại, khách hàng có thể thực hiện thanh toán bằng mã QR trên ứng dụng Mobile Banking của 11 ngân hàng là BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank, ABBANK, SCB, IVB, NCB, SHB, Maritime Bank…với hơn 7 triệu người dùng. Ngoài ra, đã có hơn 9.000 cửa hàng, website chấp nhận hình thức thanh toán bằng QR Pay của các ngân hàng và con số dự tính sẽ lên tới 50.000 đến hết năm 2018.