Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12): Giảm gánh nặng điều trị cho người nhiễm HIV

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả là chính sách nhân văn nhằm tạo điều kiện cho người nhiễm HIV giảm gánh nặng điều trị.

 Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Nguyễn Hoàng Long.
Tuy nhiên, quá trình triển khai BHYT cho người nhiễm HIV vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế Nguyễn Hoàng Long.
Xin ông cho biết tiến độ triển khai BHYT cho người nhiễm HIV hiện nay như thế nào, nhất là việc thanh quyết toán thuốc ARV cho người nhiễm?

- Theo quy định, từ 1/1/2019 tới, thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV sẽ được đưa vào danh mục thuốc được BHYT thanh toán. Nhờ đó, tỷ lệ người nhiễm HIV tham gia BHYT đã tăng lên rất nhanh trong thời gian qua, đạt tới 89% người nhiễm H có thẻ BHYT (năm 2015 tỷ lệ này chỉ đạt 30%). Thậm chí, nhiều tỉnh, TP có tỷ lệ người HIV tham gia BHYT lên tới 100%. Để tạo điều kiện cho người nhiễm H, Bộ Y tế đã hướng dẫn, phổ biến, hỗ trợ các địa phương vận động nguồn ngân sách địa phương và các nguồn chương trình, dự án cho hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người nhiễm HIV. Cơ chế tham gia BHYT cho người nhiễm HIV không có giấy từ tùy thân đã được giải quyết thông qua hình thức phát hành thẻ BHYT có ảnh.
Đến thời điểm này, trong 190 cơ sở được lựa chọn để cung cấp thuốc ARV nguồn BHYT năm 2019 thì 186/190 cơ sở đã ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, sẵn sàng nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT năm 2019. Các cơ sở còn lại đang khẩn trương hoàn thiện công tác kiện toàn ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT trước 1/1/2019. 
 Xét nghiệm tải lượng virus cho bệnh nhân nhiễm HIV tại Trung tâm Y tế huyện Ba Vì. Ảnh: Hà Ngân
Về việc đấu thầu thuốc ARV nguồn BHYT, Bộ Y tế đã lựa chọn phác đồ bậc 1, với những thuốc thông dụng và có sẵn ở Việt Nam (Tenofovir/Lamivudine/Efavirenz 300/300/600mg và Zidovudine/Lamivudine/ Nevirapine 300/150/200mg). Huy động nguồn các chương trình, dự án viện trợ quốc tế để mua phác đồ bậc 2 và thuốc nhi toàn quốc. Đến nay, 190/433 cơ sở điều trị thuốc ARV tại 63 tỉnh, TP đã được nhận thuốc ARV năm 2019 thông qua đấu thầu tại Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia. Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn các cơ sở điều trị lập kế hoạch tiếp nhận thuốc, quản lý và sử dụng thuốc.

Vậy việc điều trị thuốc ARV cho người nhiễm HIV ở Việt Nam hiện nay đang được đánh giá như thế nào, thưa ông?

- Việc điều trị ARV hiện nay đã được mở rộng tới tất cả các tỉnh, TP trong toàn quốc với 429 cơ sở điều trị ARV ở tất cả các tỉnh TP và hầu hết các huyện, có tới 652 cơ sở cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã. Thuốc ARV hiện nay đang được các dự án cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua BHYT trong những năm tới. Việc điều trị ARV đã được Bộ Y tế mở rộng cho tất cả mọi người được chẩn đoán nhiễm HIV sẽ điều trị ngay mà không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4 và giai đoạn lâm sàng. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có 131.600 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt được khoảng 70% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV. Như vậy vẫn có khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị ARV. Do đó, việc đưa thuốc ARV vào danh mục thuốc được BHYT chi trả là điều hết sức quan trọng trong thời điểm này. Chắc chắn khi kế hoạch được triển khai, số người nhiễm H được điều trị liên tục thuốc ARV sẽ tăng lên, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.

Mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về việc chi trả thuốc ARV cho người bệnh nhiễm HIV, tuy nhiên từ nay đến 1/1/2019, việc triển khai còn những khó khăn gì? Giải pháp để khắc phục những khó khăn này như thế nào?

- Khó khăn lớn nhất khi thực hiện đồng chi trả thuốc ARV qua BHYT vẫn là vấn đề tài chính. Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Tuy nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân.

Để giải quyết vấn đề này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn hướng dẫn các tỉnh, TP xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018 - 2020. Hiện nay đã có 35/63 tỉnh, TP được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). 18/63 tỉnh, TP phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019 - 2020. Để quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV, Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là giúp người nhiễm hiểu và chủ động tham gia BHYT. Về phía ngành y tế, các nhân viên y tế đã được cung cấp đầy đủ thông tin về BHYT, điều trị ARV và được tập huấn nhằm tăng cường kỹ năng tư vấn, truyền thông, giáo dục cho người nhiễm HIV tầm quan trọng tham gia BHYT và tự nguyện tham gia BHYT.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần