Hướng vào thị trường nội địa để vượt khó

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường thế giới đình trệ do các nước thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch, thị trường nội địa dù có sự suy giảm sức mua vẫn là “điểm tựa” giúp DN vượt qua khó khăn sau dịch Covid-19.

Đây là chia sẻ của chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú (nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội) với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
Sức cầu trong nước ngày càng tăng
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2020, Thủ tướng đã đề nghị các ngành hàng phải có chương trình kích cầu nội địa. Với tư cách là chuyên gia bán lẻ, ông nhận định như thế nào về ý kiến này?
- Dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 1/2020 đến nay đã làm hầu hết các DN gặp khó về xuất khẩu do giao thương quốc tế bị hạn chế. Để tồn tại các DN cần phải hướng vào thị trường nội địa để tìm được "thoát hiểm". Bởi Việt Nam có quy mô dân số 100 triệu người, cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18 - 50), chi tiêu hộ gia đình dự báo tăng trung bình 10,5%/năm sẽ là điểm tựa cho DN vượt qua khó khăn trước mắt và phục vụ cho bài toán phát triển lâu dài.
Với sức cầu ngày càng tăng nhanh trong những năm gần đây và trong tương lai, sự phát triển của thị trường nội địa sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa Việt một cách mạnh mẽ, có tính cạnh tranh cao, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu; đồng thời đóng vai trò quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm tới.
Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu DN tăng cường khai thác thị trường nội địa là hoàn toàn chính xác. Việc thực hiện kế sách "bám sâu rễ, bền gốc" ở thị trường trong nước là giải pháp giúp DN đứng vững trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay.
Khách chọn mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Để khai thác thị trường nội địa, DN phải có hệ thống bán lẻ hiện đại, nhưng đây lại là điểm yếu của DN Việt Nam, ông có lời khuyên gì giúp các DN khắc phục điểm yếu này?
- Do dịch Covid-19 nên người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, đây là thách thức to lớn mà ngành bán lẻ phải vượt qua. Nhưng đó cũng là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại mình để đổi mới hơn nữa trong việc tổ chức thu mua nguồn hàng, bán ra phục vụ cho xã hội hiệu quả hơn. Trước hết, ngành bán lẻ phải tự thân đổi mới mình một cách toàn diện, đồng thời khắc phục những khiếm khuyết trong giai đoạn trước đây để thực hiện ngày càng tốt hơn hiệu quả kinh doanh của DN.
Ngoài ra DN bán lẻ cần nâng cao chất lượng, riêng giá cả hàng hóa cần rà soát lại các mức giá không hợp lý do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan để kéo giá hàng hóa về mức thị trường có thể chấp nhận được và mang tính cạnh tranh cao giữa các kênh bán lẻ. Đây có thể coi là dịp để DN tiếp tục đổi mới tác phong, thái độ phục vụ người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu một cách bền vững.
Đồng thời, DN nên xác định thị trường nông thôn là thị trường chiến lược trong quá trình phát triển hệ thống, vì vậy, nên dành nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống thương mại nhằm tiếp cận địa bàn nông thôn. Việc triển khai hệ thống phân phối tại vùng nông thôn sẽ tạo được thị trường ổn định, DN bán được sản phẩm và người tiêu dùng mua được sản phẩm tốt, giá hợp lý, giảm bớt áp lực về tiêu thụ nông sản xuất khẩu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng
Vậy DN sản xuất có cần đổi mới phương thức sản xuất như DN bán lẻ để khai thác thị trường nội địa không thưa ông?
- Thực tế, hiện DN chỉ quan tâm đến việc phục hồi sản xuất chưa quan tâm đến thị trường tiêu thụ. Nếu muốn phát triển ở thị trường nội địa, DN sản xuất cần nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng, áp dụng triệt để xu hướng địa phương hóa, cá nhân hóa. Chẳng hạn, thị trường bán lẻ miền Bắc và miền Nam sẽ mang 2 đặc tính khác nhau, hàng hóa khu vực thành thị và nông thôn cũng có những điểm khác biệt.
DN phải nắm được thói quen của người tiêu dùng mới có thể duy trì và mở rộng được hệ thống phân phối của mình. Đồng thời phải đẩy mạnh cải tiến, thay đổi mẫu mã, bao bì, định lượng, khối lượng từng sản phẩm, hàng hóa... phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước qua đó biến “nguy” thành “cơ” tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ, gạo để xuất khẩu thường đóng bao to, khối lượng lớn, nhưng khi tiêu thụ nội địa DN nên chia thành từng bao nhỏ, khối lượng ít...
Ngoài ra, các DN phải đẩy mạnh kết nối nội khối, hỗ trợ tiêu dùng lẫn nhau, dùng chính nguyên liệu sản xuất trong nước để phục vụ nhu cầu sản xuất hàng hóa Việt Nam. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu đưa thị trường nội địa thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là tiền đề vững chắc giúp DN thay đổi nhận thức, phải coi thị trường trong nước quan trọng như thị trường nước ngoài. Cần thay đổi cách nghĩ mang đồ ngon, đồ đẹp đi xuất khẩu trong khi hàng hóa tiêu thụ trong nước lại kém chất lượng hơn.
Trong thời gian dịch Covid-19, người tiêu dùng đẩy mạnh mua hàng online. DN có nên tăng cường hình thức bán hàng này thời kỳ hậu Covid-19 hay không?
- Trong thời gian giãn cách xã hội, sức mua của nhiều mặt hàng thiết yếu, thực phẩm thông qua thương mại điện tử tăng nhanh. Vì vậy, sau khi hết dịch bệnh, DN cần tập trung nguồn vốn để sản xuất trở lại nhằm tăng nguồn cung, vừa tiếp tục duy trì kênh bán hàng online vừa mở rộng mạng lưới bán hàng đa phương tiện, mở rộng quảng bá sản phẩm trong nước ra thị trường bên ngoài, kích cầu tiêu dùng thị trường nội địa. Như vậy, việc chuyển hướng bán hàng online trong thời điểm này là phù hợp và cần thiết.
Để thị trường nội địa, trở thành hậu phương vững chắc cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn này, theo ông thời gian tới cơ quan quản lý cần phải song hành với DN như thế nào?
- Kết quả khảo sát của ngành Công thương cho thấy nguồn nguyên liệu dự trữ đầu vào cho sản xuất chỉ đáp ứng được thời gian không dài nếu thị trường nguồn cung tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khả năng DN ngừng sản xuất, giải thể là rất cao. Chính vì thế, để hỗ trợ DN, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra dự báo cung cầu, những điều kiện thuận lợi, khó khăn để DN nắm bắt những cơ hội trong khó khăn. Cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích DN kịp thời, trúng và đúng trong ngắn hạn.
Về dài hạn cần xây dựng chiến lược và quy hoạch mạng lưới bán lẻ, siêu thị ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn một số TP lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nói riêng; hiện mạng lưới này phần nhiều mang tính tự phát dẫn đến mất cân đối giữa cung cầu. Vì vậy, trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoạch định chính sách cụ thể để xây dựng mạng lưới bán lẻ phù hợp; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa DN Việt Nam với DN FDI, nhất là việc tiếp cận mặt bằng kinh doanh, đất đai. Bên cạnh đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các DN bán lẻ khi tiếp cận với nguồn vốn.
Đặc biệt, thời điểm này rất cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vì đây là hành động thiết thực nhất để hậu thuẫn cho DN giải quyết vấn đề tồn kho hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu tạo ra mối liên kết giữa các DN, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Xin cảm ơn ông!

Cần thay đổi cách nghĩ mang đồ ngon, đồ đẹp đi xuất khẩu trong khi hàng hóa tiêu thụ trong nước lại kém chất lượng hơn.