Huyện Ba Vì không để “cát tặc” lộng hành

Bài, ảnh: Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với đặc thù địa bàn rộng, các địa phương có nhiều bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) không phép vẫn ngang nhiên hoạt động, nhất là khu vực giáp ranh với 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, nên công tác đấu tranh, trấn áp “cát tặc” trên các tuyến sông Hồng, sông Đà đoạn địa phận Ba Vì còn không ít gian nan.

7 tháng xử lý 34 vụ
Cùng với việc chủ động điều tra cơ bản, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với đối tượng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông qua địa bàn, Công an huyện Ba Vì đã tham mưu cho UBND huyện giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan chức năng, chính quyền các xã, thị trấn. Tính từ đầu năm đến nay, Công an huyện Ba Vì đã trực tiếp và phối hợp với cơ quan chức năng của TP, huyện tuần tra, mật phục, kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 34 vụ, 60 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép, tạm giữ 62 tàu, thuyền các loại, phạt 541 triệu đồng; kiểm tra 15/24 bến bãi tập kết, trung chuyển, kinh doanh VLXD ven sông; kiến nghị UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính đối với 5 chủ bãi hoạt động không đúng quy định và đình chỉ hoạt động, buộc giải tỏa VLXD đang tập kết kinh doanh trái phép.

Công an huyện Ba Vì kiểm tra, thu giữ tàu hút cát trái phép trên sông Hồng.

Chủ tịch UBND xã Đông Quang Nguyễn Minh Thiện cho biết, gần 4km sông Hồng chảy qua địa bàn xã có nhiều vị trí cát vàng, cát đen đẹp nên các đối tượng thường tranh thủ chọn thời điểm vào ban đêm, rạng sáng, ngày nghỉ, ngày lễ để thực hiện hành vi vi phạm hút cát phép, đặc biệt là thời gian vừa qua khi giá cát tăng cao. Vì vậy, UBND xã giao cho Ban Công an xã tăng cường kiểm tra, nắm tình hình, kịp thời phát hiện tàu thuyền vi phạm hút cát trái phép, báo cáo Công an huyện. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, Công an xã đã nhận được hàng chục tin báo, qua đó thông báo, phối hợp cùng Công an huyện và các cơ quan chức năng của TP kiểm tra, bắt quả tang 6 vụ, 12 đối tượng đang thực hiện hành vi hút cát trái phép, tạm giữ 10 tàu hút, tàu chở, tàu cuốc. Nhờ vậy, từ tháng 7 đến nay, các đối tượng hút cát trái phép không dám hoạt động nữa.
  Nhiều giải pháp đồng bộ
Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn - Phó Trưởng Công an huyện Ba Vì khẳng định, một trong những khó khăn hiện nay là do địa bàn huyện rộng, tuyến đường sông chạy qua địa bàn dài, nhưng lực lượng thực thi nhiệm vụ chỉ có 6 cán bộ, chiến sĩ. Công an huyện lại chưa được trang bị phương tiện phục vụ công tác điều tra, bắt giữ phương tiện vi phạm. Mặt khác, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng của huyện và chính quyền địa phương cơ sở chưa hiệu quả. Một số địa phương ven sông còn có tư tưởng phó mặc việc đấu tranh, xử lý vi phạm cho lực lượng Công an. Thời gian gần đây, các đối tượng khai thác cát trái phép thường hoạt động xa bờ, lợi dụng địa bàn giáp ranh, hoạt động vào ban đêm và rạng sáng là chính. Các đối tượng thường sử dụng tàu công suất lớn, hoạt động chỉ trong khoảng 30 phút một chuyến, khi bị bắt thường không hợp tác gây khó khăn cho việc hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm.
“Để đấu tranh với loại hình tội phạm trên sông nước, Công an huyện tiếp tục thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, đưa các đối tượng nghi vấn hoạt động khai thác cát trái phép vào quản lý. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng DN, người dân địa phương nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật. Chỉ đạo Công an 31 xã, thị trấn ứng trực, thông tin kịp thời khi phát hiện vi phạm” - Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm.
Nhờ có sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý với loại hình tội phạm khai thác cát trái phép nên đến nay, vấn nạn “cát tặc” tại 47km sông Hồng, sông Đà chảy qua 19/31 xã, thị trấn của huyện Ba Vì đã cơ bản được kiểm soát.