Huyện Đan Phượng: 15/15 xã hoàn thành đặt tên đường, đánh số nhà

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 24/5, Huyện ủy Đan Phượng tổ chức hội nghị Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2016 - 2020.

 Lãnh đạo huyện Đan Phượng phát biểu tại hội nghị
Sau khi trở thành địa phương đầu tiên của TP về đích nông thôn mới, việc thực hiện Chương trình số 02 tiếp tục được huyện Đan Phượng coi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Từ năm 2016 đến nay, đã có thêm 221 dự án, qua đó, từng bước đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ các mục tiêu phát triển. Cùng với hạ tầng, bài toán sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân được huyện hết sức chú trọng. Toàn huyện đã chuyển đổi từ trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây, con có giá trị kinh tế cao được 323,27ha. Thực hiện 8 dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên tổng diện tích 60,32ha. Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát huy hiệu quả tích cực... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người dân khu vực nông thôn huyện Đan Phượng đã đạt 40,3 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,62%... 
Đáng chú ý, huyện Đan Phượng là địa phương đi đầu TP trong chỉnh trang cảnh quan nông thôn mới. Đến nay, 15/15 xã đã hoàn thành đặt tên đường, gắn biển số nhà với 38.900 biển số nhà và 3.806 biển chỉ dẫn công cộng. Trồng hoa, cây xanh trên 24,8km đường giao thông và vẽ tranh bích họa trên 1,84km đường làng. Tổng kinh phí đã đầu tư thực hiện gắn biển số nhà, trồng hoa, cây xanh, vẽ tranh là khoảng 6 tỷ đồng. Qua đó, tạo cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, nâng cao chất lượng môi trường sống cho Nhân dân...

Bên cạnh kết quả đã đạt được, việc triển khai Chương trình số 02 giai đoạn hai đến nay tại huyện Đan Phượng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn chưa nhiều. Một số xã chưa khai thác tốt tiềm năng đất đai. Một số tiêu chí nông thôn mới đạt thấp và chưa bền vững như tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi, nỗi lo an toàn thực phẩm...

Với mục tiêu tiếp tục giữ vững danh hiệu huyện nông thôn mới đầu tiên của TP, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Tất Thắng đề nghị các xã bám sát nhiệm vụ thực hiện Chương trình số 02 của huyện đã đề ra, xác định tiêu chí khó để tập trung giải pháp tháo gỡ. Đẩy mạnh tuyên truyền, thu hút đa dạng nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu câu trồng, vật nuôi, gắn với phát triển chuỗi nông sản theo hướng hàng hoá, giá trị cao và bền vững. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Tích cực vận động Nhân dân sản xuất an toàn... Cùng với phát triển hạ tầng, sản xuất, ông Thắng cũng nhấn mạnh các địa phương cần thực hiện tốt các cơ chế, chính sách an sinh xã hội, quan tâm chăm lo đời sống cho người dân nông thôn.