Huyện Đông Anh: Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10%/năm

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong giai đoạn 2016 - 2021, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) bình quân đạt 116.271 tỷ đồng/năm, tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, trên địa bàn hiện có trên 4.300 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định. Tỷ lệ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp trẻ có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động giải thể giảm dần qua hàng năm trong những năm gần đây.
Đặc biệt, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư, như Tập đoàn VinGroup, BRG-Sumimoto Corporations, Sun Group, TH...
Sản xuất công nghiệp huyện Đông Anh đạt tốc độ tăng trường bình quân 10%/năm.
Huyện Đông Anh hiện có KCN Thăng Long, đã thu hút trên 108 doanh nghiệp tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh và là một trong những KCN hiện đại hàng đầu cả nước cho hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó, các cụm Công nghiệp tại các xã Vân Hà, Liên Hà, Nguyên Khê... đã và đang được đầu tư, cho hiệu quả bước đầu, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp của huyện và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động trong, ngoài huyện.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã đề xuất và được TP phê duyệt, thành lập thêm 4 cụm công nghiệp, gồm: Thiết Bình, Liên Hà 2, Dục Tú, Thụy Lâm. Các cụm công nghiệp này đang trong quá trình triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch, tạo diều kiện thu hút thêm một số nhà đầu tư, tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho nhiều doanh nghiệp, để gắn phát triển công nghiệp với thương mại dịch vụ và du lịch.
Một trong những lợi thế của Đông Anh là có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp của huyện được xuất bán trong nuớc và nuớc ngoài. Ngoài ra, huyện đã chỉ đạo và hoàn thành việc xây dựng thương hiệu sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà, thực hiện việc đánh giá sản phẩm tiểu thủ công nghiệp theo tiêu chỉ sản phẩm OCOP.
“Để đạt được kết quả trên, huyện đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nhiểu giải pháp hỗ trợ, thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh ổn định để phát triển công nghiệp. Chủ động đổi thoại với doanh nghiệp để đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn; tạo điều kiện mặt bằng sản xuất, kinh doanh; thông tin cho doanh nghiệp biết về quy hoạch, định hướng phát triển của huyện; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính và công tác khuyến công. Vì vậy, giá trị sản xuất ngành công nghiệp liên tục duy trì ở mức năm sau cao hơn năm trước, giá trị sản xuất bình quân hàng năm khoảng 116.271 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10%/năm” - ông Nguyễn Xuân Linh cho hay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần