Huyện Đông Anh: Kiểm soát chặt vi phạm môi trường

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TU của Thành ủy, Kế hoạch số 170/KH-UBND của UBND TP về “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, huyện Đông Anh đã siết chặt quản lý, tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhờ đó, công tác quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Xóa bỏ điểm đen gây bức xúc

Khu vực lò vôi, bãi than, nhà máy bê tông giáp ga Cổ Loa thuộc xã Việt Hùng từ lâu được xem là một trong những điểm sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn huyện Đông Anh. Tại đây, 15 cơ sở sản xuất hoạt động ngày đêm. Khí thải, tiếng ồn, bụi bặm phát sinh khiến đời sống của người dân khu vực lân cận bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước, Phòng TN&MT huyện phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tiến hành kiểm tra, xác định 15 cơ sở hoạt động không có kế hoạch bảo vệ môi trường. Ngay sau đó, UBND huyện Đông Anh đã ban hành các quyết định đình chỉ hoạt động của các cơ sở. Đồng thời, xử phạt vi phạm 9 cơ sở với tổng số tiền 591 triệu đồng.
 Cụm công nghiệp làng nghề rộng 14ha khi đi vào hoạt động sẽ giúp giải bài toán môi trường làng nghề tại huyện Đông Anh. Trong ảnh Sản xuất đồ gỗ tại làng nghề mộc xã Vân Hà.
Bên cạnh khu sản xuất tại xã Việt Hùng, việc đưa vào vận hành trạm xử lý chất thải tập trung công suất 1.000m3/ngày đêm đã giải quyết căn bản lượng nước thải tại Cụm công nghiệp vừa và nhỏ xã Nguyên Khê. Qua kiểm tra giám sát, Công ty CP Tiến Hà cũng đã tuần hoàn nước thải, không gây tác động ô nhiễm tới hệ thống kênh Hà Bắc và sông Ngũ Huyện Khê. Các cơ sở tái chế ven Quốc lộ 3 thuộc xã Dục Tú cũng đã bị cưỡng chế, giải tỏa, chấm dứt tiếng ồn ảnh hưởng tới đời sống người dân. Địa phương cũng đã phối hợp với huyện Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) tăng cường giám sát, xử lý các hoạt động đốt trộm phế thải gây ô nhiễm tại khu dân cư các xã Vân Hà và Thụy Lâm. Đặc biệt, để giải quyết triệt để bài toán ô nhiễm làng nghề tại hai xã Vân Hà và Liên Hà, UBND huyện Đông Anh đã quy hoạch, từng bước triển khai xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề rộng 14ha.

Cần bổ sung hành lang pháp lý

Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của tập thể UBND huyện Đông Anh, tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu vực sản xuất đã từng bước được giải quyết, góp phần cải thiện điều kiện sống cho người dân địa phương.

Dù vậy, theo Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh Nguyễn Lê Hiến, để có thể làm tốt hơn nữa công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực môi trường vẫn còn không ít rào cản. Hiện, các hoạt động vi phạm, nhất là xả thải trộm ngày càng tinh vi, khó kiểm soát khiến việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Chế tài xử lý đình chỉ khi vi phạm môi trường còn bất cập, do chưa có sự phối hợp thống nhất giữa nhiều đơn vị liên quan, đặc biệt là ngành điện lực. Quyết định đình chỉ cơ sở có vi phạm phải cân nhắc kỹ lưỡng, bởi liên quan trực tiếp tới hoạt động của DN, nhất là đời sống của người lao động. Việc xử lý các vi phạm làng nghề không dễ do các hộ chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ. Bên cạnh đó, để xác định vi phạm cần tiến hành phân tích, đánh giá mẫu chất thải, trong khi điều kiện kinh tế và thời gian không cho phép… Những khó khăn trên đặt ra yêu cầu cấp thiết cần tiếp tục kiện toàn các chính sách Nhà nước về quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực môi trường.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nghị quyết và kế hoạch của TP, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh kiến nghị UBND TP sớm xây dựng quy hoạch tổng thể về bảo vệ môi trường và quy hoạch chi tiết cho từng khu vực. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để huyện Đông Anh nói riêng, các địa phương trên địa bàn TP nói chung có hành lang pháp lý nhằm quản lý và xử lý có hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực môi trường, nhất là tại các khu dân cư tập trung và làng nghề.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần