Huyện Đông Anh tổng kết 10 năm thực hiện quy chế công tác dân vận

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/5, đoàn kiểm tra số 1 Ban chỉ đạo Trung ương đã tới dự lễ Tổng kết Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị (Khóa X) và Quyết định số 2034-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội về quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, tại Huyện ủy Đông Anh.

Theo Phó Bí thư huyện ủy Đông Anh Phạm Văn Châm, hiện nay, trên địa bàn huyện có 24 khối dân vận xã, thị trấn với tổng số 338 thành viên, các Trưởng khối dân vận đều do Phó Bí thư Thường trực các Đảng ủy đảm nhiệm, huyện có 193 tổ dân vận với tổng số gần 2.200 thành viên.
Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc phát biểu tại hội nghị.

Đối với công tác dân vận của chính quyền, các cơ quan nhà nước. Huyện đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 04-ĐA/TU ngày 19/10/2012 của Thành ủy Hà Nội về Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội.
Tổ chức tốt việc quán triệt thực hiện Kết luận số 114-KL/TW ngày 14/7/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của cơ quan nhà nước các cấp và Chỉ thị số 16/2016/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Tăng cường và đổi mới công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp trong tình hình mới.
Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo thực hiện cuộc vận động Toàn dân xây dựng nông thôn mới. Kết quả từ năm 2011 đến nay đã huy động được trên 7.500 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong đó, nguồn ngân sách của Trung ương và TP Hà Nội là 1.159 tỷ đồng, xã hội hóa được 223 tỷ đồng, còn lại là ngân sách đối ứng của huyện.
Ngoài ra, Huyện ủy và UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo phối hợp khối dân vận huyện với cơ sở trong thực hiện chương trình Đẩy mạnh thực hiện đoàn kết toàn dân xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2015 - 2020; tiếp tục triển khai Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội và quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về Quy chế tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và Quyết định số 6525-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội về các Kế hoạch tổ chức, tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các cấp Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chinh trị - xã hội với nhân dân.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Lê Trung Kiên cho biết, để đảm bảo công tác dân vận trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã thực hiện đúng theo các quy trình và quy trình được cụ thể hóa với từng điều kiện, từng công việc vừa tuân theo quy định của pháp luật vừa phải có sự thống nhất của cấp ủy, như vậy sẽ đảm bảo để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
“Trong 5 năm trở lại đây, chỉ tính riêng công tác giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án lớn của TP cũng như của quốc gia, huyện chưa phải thực hiện cưỡng chế vụ việc nào, có được điều đó thì cũng là do đã làm tốt công tác dân vận” - ông Lê Trung Kiên cho hay.
Tại Hội nghị Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc đánh giá, huyện Đông Anh đã có nhiều nét đổi mới trong công tác dân vận, đặc biệt là cơ chế Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố là tổ trưởng tổ dân vận và là Trưởng ban công tác mặt trận, Bí thư Đảng ủy các xã thị trấn trực tiếp chỉ đạo công tác dân vận cơ sở tại địa bàn của mình.
“Đây là cơ hội rất tốt để hệ hống lại công tác dân vận của các cấp ủy Đảng tại cơ sở. Các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo đều thể hiện 100% phục vụ nhân dân, có gián tiếp, trực tiếp nhưng đều phát huy quyền làm chủ của nhân dân và được triển khai tương đối tổng thể trên địa bàn huyện” - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc nói.
Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc cũng đề nghị các cấp ủy và chính quyền huyện Đông Anh trong thời gian tới cần tập trung vào một số nhiệm vụ trong tâm liên quan đến công tác dân vận, như: liên thông, tích hợp, lồng ghép các văn bản của Đảng trong quá trình thực hiện để hiệu quả phát huy toàn diện.
Cần tiếp tục nâng cao dân chủ, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong quản lý điều hành, phát huy vai trò của người đứng đầu nhất là ở cấp ủy các cấp, nâng cao năng lực của cán bộ.
Quan tâm đến cơ chế để nhân dân bày tỏ chứng kiến nguyện vọng để thực hiện quyền làm chủ của mình, trong phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Đặc biệt là chỉ đạo hoàn thiện giải pháp nâng cao quyền làm chủ của nhân dân.
Cùng với đó là xây dựng cơ chế phối hợp công tác dân vận để thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ quyền làm chủ của Nhân dân.