Huyện Gia Lâm: Chủ động, tích cực phòng chống dịch sốt xuất huyết

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch SXH huyện Gia Lâm, tính đến 24/8, toàn huyện đã ghi nhận 165 trường hợp mắc SXH, tập trung nhiều ở thị trấn Trâu Quỳ và các xã Cổ Bi, Đông Dư, Bát Tràng…

Tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong. Dịch SXH hiện đã có ở 20/22 xã, thị trấn với 29 ổ dịch. Hiện tại còn 35 bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện huyện, 9 ổ dịch vẫn đang hoạt động. Riêng trong tuần đã có 17 ca mắc mới, tập trung tại các xã khu vực cụm Trung tâm và Bắc sông Hồng.
Hướng dẫn người dân sử lý các dụng cụ có nguy cơ phát sinh bọ gậy.
Ông Đoàn Hồng Hải – Trưởng phòng Y tế huyện Gia Lâm cho biết, mặc dù Gia Lâm không phải là địa bàn nóng về dịch SXH nhưng lãnh đạo huyện và các ban, ngành không hề chủ quan. Toàn huyện đã tổ chức hơn 10 lớp tập huấn, truyền thông; treo 26 panno và phát trên 50.000 tờ rơi tuyên truyền đến người dân tại các xã, thị trấn. Nơi có ổ dịch sẽ phát thanh lưu động trên địa bàn khu vực ổ dịch. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn, hội cũng tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền cho hàng nghìn lượt người tham dự.

Đến nay, toàn huyện đã tổ chức 3 đợt chiến dịch vệ sinh môi trường. Các xã, thị trấn cũng đồng loạt ra quân tổ chức các hoạt động diệt bọ gậy đến từng hộ gia đình. Toàn huyện đã thành lập 997 đội xung kích diệt bọ gậy và 160 tổ giám sát phòng chống dịch SXH, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo xã, thị trấn để triển khai các hoạt động diệt bọ gậy tại cộng đồng. Đồng thời phun hóa chất diệt muỗi kết hợp với diệt bọ gậy tại các ổ dịch nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bùng phát.
Kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân SXH tại Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm.
Về việc giám sát, điều tra, xử lý dịch, ông Đoàn Hồng Hải cho biết, tất cả các ca, ổ dịch đều được cán bộ y tế điều tra dịch tễ học, giám sát côn trùng tại gia đình và khu vực xung quanh. Tất cả các ổ dịch đều được tổng vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy triệt để trước khi phun, khử hóa chất và được làm 2 lần cách nhau 7 – 10 ngày. Tất cả bệnh nhân nghi ngờ đều được lấy mẫu máu làm huyết thanh hoặc phân lập vi rút theo đúng quy trình.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống dịch SXH trước diễn biến phức tạp hiện nay, Trung tâm y tế huyện Gia Lâm cũng đã kiện toàn 2 đội chống dịch cơ động và 1 xe cứu thương sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch trên địa bàn; chuẩn bị 2 máy phun ULV cho công tác xử lý phun hóa chất phòng chống SXH và chuẩn bị trang thiết bị bảo hộ đầy đủ nếu dịch lan rộng. Ngoài ra, Bệnh viện Đa khoa Gia Lâm cũng đã xây dựng phương án để thu dung bệnh nhân đến điều trị về SXH, huy động nhân lực về khám sàng lọc, bổ sung khu điều trị; triển khai các giải pháp hỗ trợ và thành lập các tổ cấp cứu cơ động để cấp cứu bệnh nhân nặng tại nhà hoặc trong cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần