Huyện Hoài Đức: Đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật đến người dân

Nguyễn Trường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, UBND huyện Hoài Đức rất chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL). Nhờ đó, ý thức chấp hành pháp luật của người dân đã có chuyển biến tích cực, giúp ổn định tình hình, giảm khiếu kiện trên địa bàn.

 Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cùng lãnh đạo phòng, ban tiếp công dân thường kỳ. Ảnh: Nguyễn Trường
Từ đầu năm 2018 đến nay, UBND huyện Hoài Đức đã tập trung chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền PBGDPL một cách đa dạng, hiệu quả, như: Tổ chức cuộc thi viết Tìm hiểu Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, tổ chức hội nghị tuyên truyền PBGDPL… Nội dung chủ yếu tập trung phổ biến giới thiệu các văn bản luật, nghị định, văn bản của TP mới ban hành. Ngoài ra, huyện còn chú trọng những vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, phòng, chống ma túy.
Để làm tốt các mặt công tác, Phòng Tư pháp huyện đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ công tác cụ thể về PBGDPL; Tham mưu cho UBND huyện ban hành kế hoạch tuyên truyền PBGDPL cho người dân trên địa bàn. Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện đã tổ chức được hơn 50 hội nghị tuyên truyền PBGDPL cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Trong đó, Phòng Tư pháp, Thanh tra Nhà nước và Công an huyện là lực lượng nòng cốt. Ngoài ra, phối hợp với Sở Tư pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Hội Luật gia cùng Mặt trận Tổ quốc huyện tổ chức 10 buổi tuyên truyền pháp luật tại các xã, thị trấn. Phát hành gần 2.000 cuốn tài liệu PBGDPL dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người dân để kịp thời cập nhật thông tin pháp luật.

Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hoài Đức Lê Đức Phóng cho biết, UBND huyện chú trọng đến công tác tuyên truyền PBGDPL. Qua đó, các xã, thị trấn cũng xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương bằng nhiều hình thức, như: Phát thanh trên hệ thống loa truyền thanh, kẻ vẽ panô, áp phích, in ấn phát hành bản tin thông báo tình hình ANTT xã hội hàng tháng kết hợp với việc khai thác tài liệu trong tủ sách pháp luật tại các xã, thị trấn. Việc cấp phát bổ sung tài liệu pháp luật hỗ trợ cho các đơn vị, xã, thị trấn xây dựng tủ sách pháp luật cũng được quan tâm. Đến nay, các trường học, UBND xã, thị trấn đã có tủ sách pháp luật có trung bình từ 400 - 900 đầu sách/tủ. “Qua đó, tạo điều kiện và thu hút đông đảo cán bộ, người dân đến tìm hiểu để vận dụng vào cuộc sống. Cũng trong năm 2017, toàn huyện đã hòa giải thành 219/330 vụ việc, tính từ đầu năm 2018 đến nay hòa giải thành hơn 100/140 vụ việc mâu thuẫn ở cơ sở, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, không để tạo thành “điểm nóng” - ông Phóng chia sẻ.

Chánh Thanh tra Nhà nước huyện Hoài Đức Hồ Thị Na khẳng định, nhờ có sự tích cực phối hợp giữa các cơ quan trong công tác tuyên truyền PBDGPL đã giúp người dân thay đổi nhận thức, cán bộ cơ sở quyết liệt giải quyết vụ việc mâu thuẫn ngay từ khi mới xảy ra. Nhờ đó, năm 2017 toàn huyện tiếp 434 lượt với 608 người có đơn thư khiếu kiện (giảm 70 lượt với tổng số 139 người so với năm 2016). Từ đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện tiếp 172 lượt với 205 người có đơn thư (giảm 35 lượt với 70 người so với cùng kỳ năm trước). Đây là kết quả đáng mừng trước sự nỗ lực của cán bộ, tập thể các cơ quan của huyện. “Để tiếp tục giữ ổn định tình hình, thời gian tới các cơ quan khối nội chính cùng ban, ngành, đoàn thể, UBND xã, thị trấn tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền PBGDPL. Coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu…” - bà Na cho biết thêm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần