Huyện Hoài Đức dẫn đầu về huy động vốn trong Nhân dân xây dựng nông thôn mới

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo cáo xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn Hà Nội năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 cho biết, tổng kinh phí đã huy động đầu tư cho NTM toàn TP lũy kế từ năm 2016 đến hết tháng 6/2017 đạt gần 15.616 tỷ đồng.

Trong đó, nguồn vốn ngân sách TP gần 7.392 tỷ đồng. Ngân sách cấp huyện khoảng 6.374 tỷ đồng. Ngân sách cấp xã trên 456 tỷ đồng. Trong số trên 1.394 tỷ đồng nguồn vốn huy động ngoài ngân sách, có khoảng 510 tỷ đồng vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã; vốn Nhân dân đóng góp khoảng 682 tỷ đồng, còn lại là từ các nguồn khác.
Nghề làm miến dong ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức.
Đáng chú ý, địa phương dẫn đầu toàn TP về huy động nguồn vốn trong Nhân dân phục vụ xây dựng NTM là huyện Hoài Đức. Trong năm 2016 và nửa đầu năm 2017, địa phương này đã huy động trong Nhân dân được tổng số tiền trên 315 tỷ đồng. Tiếp sau huyện Hoài Đức là các huyện: Quốc Oai (trên 69 tỷ đồng), Sóc Sơn (trên 67 tỷ đồng), Thạch Thất (khoảng 63 tỷ đồng), Đông Anh và Mê Linh (mỗi địa phương khoảng 26 tỷ đồng)… Các địa phương hiện gặp nhiều khó khăn nhất trong huy động nguồn vốn từ Nhân dân phục vụ xây dựng NTM là: Phúc Thọ (trên 1,6 tỷ đồng), Ba Vì và Thanh Oai (mỗi địa phương khoảng 2 tỷ đồng), Thường Tín - Chương Mỹ và Mỹ Đức (mỗi địa phương khoảng 5 tỷ đồng)…

Tính đến hết tháng 6/2017, toàn TP đã có hai huyện Đông Anh và Đan Phượng được Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới”. Hai huyện Thanh Trì và Hoài Đức đang tích cực rà soát, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ xin xét công nhận “Huyện nông thôn mới” trong năm 2017. Ngoài ra, trong số 386 xã xây dựng NTM trên địa bàn Hà Nội, có đã có 255 xã về đích NTM. Đối với 131 xã còn lại, 93 xã đã đạt và cơ bản đạt từ 15 - 18 tiêu chí. Các xã còn lại đạt và cơ bản đạt 10 - 14 tiêu chí.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần