Huyện Mê Linh: Gần 1/3 rơm rạ sau thu hoạch được đốt trên cánh đồng

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ nay cho tới khi kết thúc thu hoạch lúa vụ Mùa 2020, huyện Mê Linh sẽ duy trì phát thanh về việc không đốt rơm rạ cũng như các biện pháp sử dụng phế phẩm nông nghiệp an toàn với tần suất 2 lần/ngày.

Tình trạng đốt rơm rạ trên cánh đồng diễn ra phổ biến tại nhiều huyện ngoại thành Hà Nội. Ảnh minh họa.
Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Mê Linh Phạm Thị Bích Liên cho biết, toàn huyện có 4.325ha diện tích gieo trồng lúa vụ Mùa. Vụ Xuân hàng năm, diện tích này có giảm, còn khoảng 3.500ha. Sau khi thu hoạch lúa, rơm rạ phát sinh trên địa bàn được sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Cụ thể, 10% làm thức ăn cho gia súc, 10% trồng nấm, 5% dùng để đun nấu, 5% dùng để ủ luống cho rau màu, khoai tây, 40% để mục nát tự nhiên do hiện nay người dân sử dụng máy cắt lúa liên hoàn phụt rơm ngay tại ruộng. Còn lại khoảng 30% lượng rơm rạ, người dân đốt trên cánh đồng để lấy tro bón ruộng, hoặc bán cho các vùng trồng rau.
Theo đánh giá, việc đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm môi trường không khí, phát sinh lượng lớn khí CO2, CO, NO2, mà còn gây hiện tượng khói mù làm cay mắt, hạn chế tầm nhìn của người và phương tiện tham gia giao thông.
Nhằm hạn chế việc đốt rơm rạ sau thu hoạch, UBND huyện Mê Linh đã chỉ đạo đài truyền thanh các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền về tác hại của việc đốt rơm rạ, cũng như các phương pháp xử lý rơm rạ không gây ô nhiễm môi trường với tần suất 2 lần/ngày, từ nay cho tới khi thu hoạch xong lúa vụ Mùa 2020.
Cùng với đó, huyện cũng thành lập các tổ kiểm tra, nhằm giám sát, xử lý kịp thời và kiên quyết các hành vi vi phạm theo thẩm quyền. Không để tình trạng các cá nhân cho thuê máy cắt lúa liên hợp, máy gặt đập liên hợp phụt lúa trên đường giao thông. Xử lý nghiêm các trường hợp xả rơm rạ xuống kênh mương, đốt rơm rạ trên đường giao thông gây ách tách dòng chảy và ô nhiễm môi trường…
Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Mê Linh Phạm Thị Bích Liên cho biết thêm, hiện nay đơn vị đang nghiên cứu, tham mưu UBND huyện hỗ trợ kinh phí thực hiện việc xử lý rơm rạ sau thu hoạch, bởi nếu không có hỗ trợ thì chưa thể khuyến khích bà con thực hiện. Thời gian tới, huyện cũng sẽ phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội, Trung tâm Sống và học tập vì cộng đồng (Live&Learn) tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn về các biện pháp xử lý rơm rạ an toàn đối với môi trường...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần